Khủng hoảng di cư Đông Nam Á có nguy cơ trở lại
(Cadn.com.vn) - Đã hơn 1 năm trôi qua kể từ cuộc “khủng hoảng thuyền nhân” tồi tệ nhất Đông Nam Á, mọi chuyện dường như có vẻ đã được giải quyết ổn thỏa. Nhưng thực tế là tình trạng này vẫn chưa được giải quyết tận gốc và có nguy cơ bùng phát trở lại.
Tháng 5-2015, cả thế giới được xem một thước phim “đau tim” khi hàng ngàn người di cư đã bị những kẻ buôn lậu bỏ rơi trên biển, trên những chiếc thuyền ọp ẹp khi họ cố gắng vượt qua Vịnh Bengal. Những người này cứ mãi lênh đênh trên biển hàng tháng trời, trong điều kiện thiếu đồ ăn nước uống trầm trọng khi từ nước này đến nước khác đều từ chối tiếp nhận họ cho đến khi các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng.
Gần đây, giới quan sát cảnh báo cuộc khủng hoảng tị nạn tương tự có khả năng xảy ra khi hàng ngàn người tị nạn vẫn còn bị mắc kẹt trong các trại và trung tâm tị nạn bẩn thỉu ở khắp các quốc gia Đông Nam Á. “Chúng ta đang nói về cuộc khủng hoảng thuyền nhân vào một năm trước nhưng nhiều người sống sót sau vụ việc trên khẳng định mọi chuyện vẫn chưa kết thúc mà vẫn đang tiếp diễn”, bà Amy Smith, Giám đốc Tổ chức nhân quyền Fortify Rights có trụ sở tại Bangkok, nhấn mạnh.
Người thiểu số Rohingya nhồi nhét trên một con thuyền ọp ẹp chạy khỏi Myanmar. Ảnh: CNN |
Hành trình chết chóc
Mỗi năm, hàng ngàn người Hồi giáo Rohingya sống chủ yếu ở bang Rakhine của Myanmar đã chạy trốn khỏi quốc gia này. Nơi đây, họ đã trải qua nhiều thập kỷ bị phân biệt đối xử và ngược đãi. Vì vậy, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trả tiền cho bọn buôn người để được lên thuyền đi di cư.
Chính phủ Myanmar không công nhận người Rohingya như là một nhóm sắc tộc mà gọi họ là người “Bengali” – người nhập cư trái phép. Hiện tại, hơn 140.000 người Rohingya ở bang Rakhine phải sống trong các trại tập trung và khó được tiếp cận với thức ăn và các dịch vụ y tế. Trong khi đó, hàng ngàn người khác phải cư trú ở những ngôi làng tách biệt, nơi họ phải đối mặt với đói nghèo và khủng bố. “Người Rohingya rời khỏi tiểu bang Rakhine không phải vì lý do kinh tế. Mà ngược lại họ bị buộc phải rời khỏi một quốc gia - nơi họ không có quyền tự do đi lại và bị giới hạn quyền lợi ngay trong các trại tị nạn”, bà Smith nói.
Chính tình trạng này khiến người Rohingya trở thành “món mồi ngon” cho bọn buôn người với việc vận chuyển qua Thái Lan chủ yếu bằng đường biển. Nhiều người bị bắt giữ tại các trại trong rừng Thái Lan, nơi họ cùng với những người tị nạn khác trở thành “con tin” để vòi tiền của bọn buôn lậu.
Mong muốn giải thoát
Mặc dù được coi là may mắn hơn những người đang vật vờ, đói khát, cũng như bỏ mạng ngoài biển khơi, những người may mắn sống sót giờ đây phải sống trong các trại tị nạn với điều kiện bẩn thỉu khắp Châu Á. Vì vậy, bất chấp những nguy hiểm đến tính mạng, nhiều người Rohingya đều muốn rời khỏi Myanmar càng sớm càng tốt. Trong khi đó, một vài người nuôi hy vọng được đối xử bình đẳng khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi nắm quyền điều hành đất nước vào đầu năm nay.
Dù đối mặt với áp lực từ nhiều phía kể cả Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, chính quyền bà Suu Kyi vẫn chưa đưa ra hành động cụ thể mà chỉ nói rằng Myanmar cần “đủ không gian” để đối phó với vấn đề này. Giới chức LHQ cảnh báo cuộc khủng hoảng di cư có thể bùng phát trở lại và điều này chỉ là vấn đề thời gian khi chính phủ các nước trong khu vực Đông Nam Á không có hành động cụ thể nào để chuẩn bị đối phó với cuộc khủng hoảng như trên.
Joe Lowry, phát ngôn viên của Tổ chức Di cư Quốc tế, nhận định “Buôn lậu người sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn là buôn lậu súng và ma túy. Nếu không thận trọng, cuộc khủng hoảng tương tự sẽ xảy ra một lần nữa”.
Tuệ Khanh
(Theo CNN)