Khủng hoảng giải Nobel

Thứ bảy, 05/05/2018 12:36

Giải thưởng Nobel Văn học danh giá và được chờ đợi của năm 2018 cuối cùng đã bị trì hoãn lần đầu tiên sau hơn 7 thập kỷ do những chấn động quanh vụ bê bối tấn công tình dục và tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử của Ủy ban Nobel.

Mọi người tụ tập bên ngoài Viện Hàn lâm Thụy Điển để thể hiện sự ủng hộ của họ đối với Thư ký thường trực Sara Danius – người bất ngờ tuyên bố từ chức do bê bối của nhiếp ảnh gia Arnault.    Ảnh: CNN

Trong tuyên bố đưa ra vào ngày 4-5, sau nhiều giờ họp căng thẳng, Viện Hàn lâm Thụy Điển - hội đồng gồm nhiều học giả danh tiếng - đã quyết định sẽ không công bố giải thưởng Nobel Văn học trong năm nay, sau khi bị nhấn chìm trong một vụ bê bối về các cáo buộc tấn công tình dục.

Theo BBC, Viện Hàn lâm Thụy Điển cho biết sẽ công bố người chiến thắng năm 2018 cùng với người chiến thắng năm 2019 vào năm tới. Hiếm khi các giải thưởng Nobel bị trì hoãn như thế này. Ngoài 6 năm trong các cuộc chiến tranh thế giới, chỉ có một năm giải thưởng không được trao là vào năm 1935 vì không tìm được người chiến thắng xứng đáng.

Những năm tháng tai hại

Trong những tuần gần đây, 6 thành viên trong số 18 thành viên của Viện Hàn lâm Thụy Điển - một hội đồng bao gồm nhiều học giả danh tiếng - đã từ chức, trong đó có người đứng đầu tổ chức, Sara Danius.

Những tuyên bố từ chức liên tiếp như thế này gây ra hậu quả thảm khốc cho học viện 230 năm tuổi này, nơi mà các thành viên, được bầu bởi lá phiếu bí mật, phải được Nhà vua chấp thuận và theo truyền thống giữ chức vụ đến suốt đời. Trong một thông báo hồi tháng 4, Viện Hàn lâm Thụy Điển thừa nhận đang rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng và niềm tin đối với tổ chức này bị sụt giảm nghiêm trọng.

Hiện nay, khủng hoảng tập trung vào Jean-Claude Arnault, một nhiếp ảnh gia người Pháp và là chồng của nhà thơ Katarina Frostenson, một trong 6 thành viên đã tuyên bố từ chức. Ông Arnault, một nhân vật văn hóa hàng đầu ở Thụy Điển, đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc về hành hung và quấy rối tình dục, lần đầu tiên được tờ báo Thụy Điển Dagens Nyheter tiết lộ vào cuối năm 2017. Trong một tuyên bố gửi qua email cho CNN, luật sư của ông Arnault, Bjorn Hurtig, cho biết, thân chủ của ông phủ nhận tất cả các cáo buộc.

Viện Hàn lâm Thụy Điển cũng đang bị điều tra về xung đột lợi ích cung cấp tài trợ cho Diễn đàn Kulturplats, một trung tâm văn hóa do ông Arnault và bà Frostenson điều hành. Ông Arnault còn bị cáo buộc rò rỉ thông tin về người thắng giải trước thời hạn công bố. Tuy nhiên, cả ông Arnault và bà Frostenson bác bỏ mọi cáo buộc.

Nhiếp ảnh gia bị cáo buộc tấn công tình dục Jean Claude Arnault và vợ, bà Katarina Frostensson tại Stockholm hồi năm 2015.   Ảnh: Purepeople

Liên quan đến cả công chúa Thụy Điển?

Hồi tháng 11-2018, khi phong trào MeToo - một phong trào mới được xướng lên khuyến khích nạn nhân bị quấy rối lên tiếng - đạt được đà thành công, 18 phụ nữ tố cáo một người đàn ông, sau này được xác định là Arnault, trong một loạt hành vi tình dục sai trái từ năm 1996-2017. Hai người trong số này, Gabriella Hakansson và Elise Karlsson, đã công khai tố cáo Arnault.

Một cuộc điều tra độc lập do một Cty luật Thụy Điển thực hiện cho thấy, Arnault có những hành vi “thân mật không mong muốn” với nhiều phụ nữ xung quanh. Các luật sư cũng phát hiện, Viện Hàn lâm Thụy Điển thực ra đã nhận được một bức thư vào năm 1996 nêu rõ vụ tấn công tình dục của Arnault tại một diễn đàn văn hóa nhưng đã phớt lờ. Trong tuyên bố của mình, Viện này bày tỏ “vô cùng hối tiếc vì vụ việc này vì đã không vào cuộc điều tra các cáo buộc”.

Bà Ebba Witt-Brattstroem, giáo sư ngôn ngữ học và là vợ cũ của Horace Engdahl, thư ký thường trực của Viện từ 1999-2009 và hiện là thành viên của Ủy ban Nobel về Văn học, cũng nghi ngờ về tuyên bố rằng, các thành viên của Viện Hàn lâm hầu hết không biết về hành vi sai trái của Arnault. “Mọi người biết và bạn không được nghĩ gì về việc đó”, bà nói với CNN và nhấn mạnh thêm: “Đó là chuyện nổi tiếng trong giới nghệ thuật. Ai cũng biết, những phụ nữ trẻ không nên lại gần ông ta”, cô nói với CNN.

Và điều gây chú ý hơn nữa là việc bà Witt-Brattstroem cho biết, nhiếp ảnh gia Arnault thậm chí đã quấy rối Công chúa Thụy Điển Victoria tại một sự kiện của Viện Hàn lâm Thụy Điển cách đây hơn 10 năm, một cáo buộc mà ông Arnault phủ nhận. Theo bà Witt-Brattstroem, trợ lý của công chúa đã phải gạt tay Arnault ra. “Nữ trợ lý của công chúa đã lao vội tới phía trước, đẩy ông ta ra chỗ khác”, bà nói và cho biết nhiều người đứng gần đó cũng chứng kiến vụ việc. Bà Witt-Brattstroem nói với CNN rằng, vụ việc đã xảy ra vào tháng 12-2004 khi đó, các thành viên của Viện Hàn lâm và gia đình hoàng gia đã ăn tối cùng nhau sau cuộc họp hàng năm và trò chuyện với nhau. Witt-Brattstroem cho biết, bà đã thấy Arnault “vuốt ve phía sau công chúa”.

Khi được hỏi liệu điều đó có đúng không, một nhân chứng được nhắc đến tên Engdahl không bình luận. Margareta Thorgren, phát ngôn viên của Tòa án Hoàng gia Thụy Điển, từ chối bình luận về bất kỳ tuyên bố nào liên quan đến công chúa. Viện Hàn lâm Thụy Điển cũng không có bất kỳ bình luận gì khi được CNN hỏi về các cáo buộc chống lại Arnault và các cuộc điều tra tiếp theo.

Giải Nobel Văn học bị “chết yểu”

Vụ bê bối, nhấn chìm một tổ chức vốn được tôn trọng trên toàn cầu và bắt nguồn từ một quốc gia được ca ngợi là một mô hình bình đẳng giới, đã gây ra làn sóng tranh cãi trên khắp thế giới. Các cáo buộc này đang làm tê liệt danh tiếng của Viện Hàn lâm, một trong những tổ chức có uy tín nhất của Thụy Điển.

Cuộc khủng hoảng bao trùm cơ quan trao giải Nobel Văn học đã khiến Viện Hàn lâm quyết định không trao giải thưởng này trong năm nay. Thực tế, Viện này chỉ còn 10 thành viên (2 thành viên khác không tham gia công việc của viện vì lý do khác). Hôm 11-4, trong động thái được đánh giá là nhằm giải cứu Viện Hàn lâm, Nhà vua Thụy Điển Carl XVI Gustaf đã quyết định can thiệp. “Những tranh cãi đã nổi lên trong Viện Hàn lâm Thụy Điển là rất đáng tiếc và làm tổn hại đến công việc quan trọng của viện”, Nhà vua Carl XVI Gustaf nói trong một tuyên bố. 7 ngày sau, trong khi cuộc khủng hoảng xoắn ốc, ông đã tuyên bố ý định thay đổi các quy định của học viện – vốn có từ năm 1786 - theo đó mở đường cho phép các thành viên từ chức và tuyển người mới. Tuy nhiên, hiện không rõ liệu điều đó có thể có hiệu lực từ lúc nào.

KHẢ ANH