Khủng hoảng mới ở Eurozone
(Cadn.com.vn) - Việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ trích thỏa thuận cứu trợ mới nhất giữa Athens và các nước Khu vực đồng EUR (Eurozone) là đòn giáng mạnh mới vào những nỗ lực thuyết phục Quốc hội ủng hộ các đề xuất cải cách của Thủ tướng Hy Lạp.
Eurozone lại vướng vào một cuộc khủng hoảng mới khi IMF tối 14-7 (sáng 15-7, giờ Việt Nam) quyết liệt chỉ trích thỏa thuận cứu trợ mới mà nhóm này mới đạt được với Hy Lạp, động thái làm dấy lên lo ngại IMF sẽ “đứng ngoài” công cuộc cứu Athens lần này.
Người Hy Lạp biểu tình phản đối chính sách khắc khổ theo yêu cầu của các chủ nợ. Ảnh: AFP |
IMF chỉ trích Eurozone
BBC dẫn báo cáo của IMF cho biết, nợ công Hy Lạp hiện ở mức “cao không bền vững” và cho rằng, gói cứu trợ mới đã “vượt ra ngoài những gì được quan tâm cho đến nay”. Các chuyên gia kinh tế của IMF cho biết, các nước Liên minh Châu Âu (EU) có thể sẽ phải chờ 30 năm nữa Hy Lạp mới trả hết nợ, bao gồm cả các khoản vay mới.
Theo các điều khoản cứu trợ tài chính mới, Eurozone sẽ góp khoảng 40 -50 tỷ EUR cho gói cứu trợ tài chính kéo dài 3 năm dành cho Hy Lạp, dự kiến lên đến 86 tỷ EUR. Trong khi đó, IMF dự kiến sẽ đóng góp khoản lớn, và phần còn lại sẽ đến từ việc bán hết tài sản nhà nước và thị trường tài chính của Athens. Trong khi đó, định chế tài chính có trụ sở tại Washington (Mỹ) cũng có kế hoạch giải ngân 16 tỷ EUR cho Athens trong khuôn khổ chương trình hiện nay, có thời hạn đến tháng 3-2016.
Sự chia rẽ giữa IMF và các chủ nợ Châu Âu của Hy Lạp về cách tốt nhất để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ của Athens từng được ám chỉ nhiều lần. Nhưng đây là lần đầu tiên, sự bất đồng đó đã được công khai. Thậm chí, một quan chức cấp cao của IMF cho biết, quỹ này sẽ chỉ tham gia vào gói cứu trợ lần này cho Hy Lạp nếu chủ nợ EU có “một kế hoạch rõ ràng”. “Thỏa thuận hiện tại không toàn diện, chi tiết”, quan chức này nói. IMF cam kết thực hiện khoản cứu trợ trên nếu Hy Lạp hoàn trả đúng hạn 2 khoản vay trị giá 2 tỷ EUR trong tháng này. Athens bỏ lỡ hai thời hạn trả nợ cho IMF và là quốc gia phát triển đầu tiên không thể trả nợ như vậy.
IMF cũng lo ngại, dự báo tăng trưởng Hy Lạp là không thực tế và Athens không thể thực thi đúng cam kết thực hiện các biện pháp khắc khổ đề ra.
Khó khăn cho Thủ tướng Tsipras
Sự chia rẽ giữa IMF và EU bùng nổ chỉ vài giờ trước khi Quốc hội Hy Lạp bỏ phiếu thông qua những cải cách theo đòi hỏi của Eurozone như một điều kiện để “xứ sở thần tiên” có thể nhận cứu trợ. Vụ việc bất ngờ này khiến Thủ tướng Tsipras đối mặt nhiều khó khăn trên con đường thuyết phục Quốc hội ủng hộ các biện pháp khắc khổ.
Thực tế hiện nay cho thấy, các nghị sĩ trong đảng Syriza của Thủ tướng Tsipras kiên quyết phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng này – vốn bao gồm tăng thuế và cắt giảm lương hưu. Giới phân tích cho rằng, Thủ tướng Tsipras phải cầu viện đến các đảng đối lập có đường lối thân Châu Âu nhằm giúp thông qua dự luật trên, trong cuộc họp diễn ra vào đêm 15-7 (sáng 16-7, giờ Việt Nam).
Phát biểu trên truyền hình trước cuộc bỏ phiếu mang tính quyết định này, Thủ tướng Hy Lạp phê phán sức ép của các chủ nợ quốc tế với Athens trong các cuộc đàm phán. Ông Tsipras cho rằng, việc Eurozone gây sức ép với Athens trong các cuộc đàm phán “không phải là truyền thống của Châu Âu” đồng thời thừa nhận có thể đã phạm một số “sai lầm” trong đàm phán và ký kết một thỏa thuận “không tưởng” với các chủ nợ. Tuy nhiên, ông tuyên bố sẵn sàng để thực thi các thỏa thuận nhằm “tránh thảm họa cho đất nước” và sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Tsipras cũng kêu gọi các nghị sĩ Hy Lạp nói “có” với thỏa thuận đã ký với Eurozone. Theo thăm dò dư luận mới nhất, khoảng 70% người dân Hy Lạp được hỏi mong muốn Quốc hội thông qua chương trình cải cách và thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu các chủ nợ.
Khả Anh