Eurozone nói “không” với Hy Lạp

Thứ sáu, 03/07/2015 07:03

(Cadn.com.vn) - Bộ trưởng tài chính các nước Khu vực sử dụng đồng EUR (Eurozone) loại trừ bất kỳ cuộc đàm phán thêm nào về gói cứu trợ mới cho Hy Lạp cho đến khi Athens hoàn thành trưng cầu dân ý vào ngày 5-7 tới.

Người dân Hy Lạp sẽ tự quyết định chấp nhận hoặc từ chối các đề xuất của các chủ nợ quốc tế tại cuộc trưng cầu dân ý dự kiến diễn ra vào ngày 5-7 tới, cũng như quyết định số phận của “xứ sở thần tiên” này.

Trong khi đó, bất chấp nỗ lực của Athens, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vẫn quyết định không nâng trần quỹ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng đang gặp khó khăn của Hy Lạp. ECB chỉ tuyên bố “sẵn sàng can thiệp nếu cần thiết”. Các bộ trưởng tài chính Eurozone cũng nhất trí sẽ không thảo luận về cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp cho đến khi có kết quả cuộc trưng cầu ý dân của nước này về gói cứu trợ gây tranh cãi.

Những người nghỉ hưu ở Hy Lạp xếp hàng trước các chi nhánh ngân hành nhà nước yêu cầu được rút tiền. Ảnh: Reuters

Áp lực đè nặng nền kinh tế

Các ngân hàng Hy Lạp không mở cửa từ hôm 29-6 (cho đến ngày 7-7), sau khi ECB đóng băng huyết mạch hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho Athens. Việc rút tiền tại các máy ATM cũng chỉ giới hạn ở mức 60 EUR/ngày.

Tuy nhiên, một số chi nhánh ngân hàng mở cửa trở lại vào hôm 1-7 để người nghỉ hưu - nhiều người trong số này không sử dụng thẻ ngân hàng - được rút 120EUR. Ngày 2-7, nhiều người tiếp tục xếp hàng chờ đợi bên ngoài các ngân hàng để được rút một ít tiền. Giới truyền thông địa phương nói về những áp lực ngày càng tăng đối với nền kinh tế Hy Lạp khi các doanh nghiệp ngừng sản xuất vì không thể trả tiền cho các nhà cung cấp, và một số cửa hàng xem xét cho nhân viên nghỉ không lương.

Mối lo cho kinh tế quốc gia bị vỡ nợ này càng gia tăng khi hôm 1-7, hãng xếp hạng tín dụng Moody’s hạ mức tín dụng của Hy Lạp, từ mức Caa3 xuống còn Caa2, bất chấp kết quả cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 5-7 tới. Trước đó, hai hãng xếp hạng tín dụng khác là Fitch và Standard & Poor’s cũng có các bước đi tương tự.

Người dân  muốn “có”,  chính phủ muốn “không”

Áp lực kinh tế đè nặng đang khiến người dân Hy Lạp lao đao và có khuynh hướng ngả theo các chủ nợ. Theo thăm dò mới nhất, 47% số người được hỏi cho biết sẽ nói “có” trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới trong khi 43% nói “không”.

Tuy nhiên, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras vẫn giữ nguyên quan điểm phản bác những yêu cầu của các chủ nợ. Ông Tsipras có bài phát biểu được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc về cuộc khủng hoảng nợ ở nước này, trong đó kêu gọi người dân Hy Lạp hãy nói “không” với các kế hoạch thắt lưng buộc bụng, như một cách gây sức ép lên các chủ nợ quốc tế. Nhà lãnh đạo Hy Lạp tiếp tục lên án bộ ba chủ nợ quốc tế - gồm IMF, ECB và Ủy ban Châu Âu (EC) - gây ra tình trạng hiện nay ở nước này. Trong bài phát biểu, Thủ tướng Tsipras cũng phê phán những cáo buộc cho rằng, ông và Bộ Tài chính Hy Lạp muốn đưa Athens ra khỏi Eurozone. Cuối cùng, ông trấn an người dân khi cam kết sẽ không để tình hình hiện nay tiếp tục kéo dài và người gửi tiền, người hưởng lương hay người nhận lương hưu sẽ không bị mất tiền. Bản thân Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis cũng cáo buộc các chủ nợ “tống tiền” Hy Lạp. Nhưng ông cam kết, một thỏa thuận sẽ sớm đạt được sau cuộc trưng cầu dân ý và sẽ giảm dần việc áp đặt kiểm soát vốn và giá trị tiền rút.

Cuộc trưng cầu dân ý sắp tới cũng được cho là sẽ quyết định tương lai của đảng Syriza cánh tả của Thủ tướng Tsipras, vốn được bầu nhờ cam kết chống thắt lưng buộc bụng.

Khả Anh

Tổng thống Hy Lạp hủy thăm Đức

AP ngày 2-7 dẫn nguồn tin từ Phủ Tổng thống Đức cho biết, Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos quyết định hủy chuyến thăm Berlin theo kế hoạch vào ngày 7-7.

Phủ Tổng thống Đức không nói rõ nguyên nhân sau quyết định này nhưng có thể thấy rõ, Tổng thống Pavlopoulos buộc phải ở nhà để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng và tham gia cuộc trưng cầu ý dân theo kế hoạch vào ngày 5-7 tới.