Khủng hoảng ở Iraq: Mỹ, Anh cần sửa sai?

Thứ hai, 16/06/2014 10:22

(Cadn.com.vn) - Iraq đứng trước nguy cơ nội chiến đẫm máu và kéo dài nếu chính phủ Thủ tướng Maliki không tìm ra một giải pháp chính trị.

Các nhà quan sát trên thế giới vẫn đang choáng váng bởi tốc độ và phạm vi các cuộc tấn công của Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) nhằm vào tất cả các thành phố lớn nằm bên thung lũng sông Tigris - bao gồm cả Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq. Nhưng rõ ràng, ISIS đáng lẽ không nên làm thế. Sự sụp đổ của quân đội chính phủ Iraq ở Mosul và các thành phố phía bắc khác đang đẩy Iraq vào nguy cơ nội chiến kéo dài và có thể buộc Mỹ và các quốc gia đồng minh phải vào cuộc.

An ninh được thắt chặt tại thủ đô Baghdad phòng ISIS tấn công. Ảnh: AFP

Tín hiệu cảnh báo

Trong bối cảnh ISIS càn quét một loạt thành phố và đe dọa cả thủ đô Baghdad, chính quyền Thủ tướng Maliki tìm cách lấy lại các vùng đất bị mất với sự hỗ trợ của khoảng 1,5 triệu dân tự nguyện gia nhập cuộc chiến này.

Ngày 15-6, các máy bay trực thăng quân sự Iraq tấn công các vị trí ISIS nắm giữ ở phía bắc Baghdad. Bloomberg dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Iraq cho biết, ít nhất 300 chiến binh đã bị tiêu diệt. Các lực lượng ủng hộ chính phủ giành lại ưu thế, nắm quyền kiểm soát thành phố Muqdadiyah ở tỉnh Diyala nằm ở phía đông bắc  Baghdad. Trong khi đó, Mỹ điều tàu sân bay USS George H.W.Bush đến Vịnh Persian. Tàu sân bay được tàu tuần dương hạm tên lửa USS Philippine Sea và tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Truxtun, hộ tống đến nơi an toàn. “USS George H.W. Bush sẽ tạo “sự linh hoạt nếu cần đến các lựa chọn quân sự để bảo vệ sinh mạng, công dân và các lợi ích của Mỹ tại Iraq”, Lầu Năm Góc lý giải nguyên nhân điều tàu.

Trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn còn miễn cưỡng ra lệnh sử dụng quân sự tại Iraq sau khi kết thúc cuộc chiến này vào năm 2011, việc điều tàu chiến vào Vịnh Persian được cho là nhằm trấn an Thủ tướng Maliki và khẳng định, Mỹ sẵn sàng và có thể tấn công nếu giới lãnh đạo Iraq vượt qua những bất đồng sâu sắc. Động thái của Lầu Năm Góc cũng nhằm cảnh báo ISIS và nhắn gửi thông điệp, Washington sẽ hành động khi người Mỹ và lợi ích của Mỹ cần phải được bảo vệ hoặc di tản.

Giới phân tích nhận định, ông chủ Nhà Trắng có quyền sử dụng áp lực tại thời điểm này để cố gắng giành được sự nhượng bộ chính trị từ ông  Maliki, người bị cáo buộc xa lánh nhóm dân tộc thiểu số Sunni và người Kurd bằng những hành động quá ưu ái cho người Shiite, bao gồm cả tiền lương và chương trình ưu đãi trong quân đội.

“Sai lầm của Mỹ, Anh”

Có thể thấy, Iraq giờ đây đang cần sự hỗ trợ của Mỹ hơn bao giờ hết. Thậm chí Iran - vốn không ưa gì Mỹ - cũng ủng hộ việc Lầu Năm Góc đem quân giúp đỡ Baghdad. Tổng thống Iran Hassan Rouhani còn gây bất ngờ khi tuyên bố Tehran có thể xem xét phối hợp với Washington nhằm chiến đấu với các phiến quân ISIS tại Iraq.

Nhiều người hối thúc Mỹ phải làm gì đó vì cho rằng, chính cường quốc số 1 này và đồng minh thân cận Anh -  hai quốc gia vốn dẫn đầu cuộc xâm lược Iraq năm 2003 - là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng ở quốc gia Vùng Vịnh này. Cựu phóng viên cấp cao của tạp chí Time, David DeVoss cho rằng, Mỹ thật sự mắc sai lầm khi đưa quân tới Iraq năm 2003.  Lầu Năm Góc mất gần 4.400 binh sĩ trong cuộc chiến tranh Iraq nhưng tới nay các vấn đề tại quốc gia này vẫn chưa được giải quyết hoặc có thể lại tạo thêm nhiều vấn đề hơn.

Tuy nhiên, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cho rằng, “chúng tôi không phải là nguyên nhân gây khủng hoảng Iraq”. Phát biểu với BBC, vị cựu Thủ tướng từng quyết định tham chiến ở Iraq cùng với cựu Tổng thống Mỹ G.W.Bush, khẳng định: “Bạo lực xung đột vẫn là “vấn đề lớn” của Iraq thậm chí dù không có việc lật đổ ông Hussein trong năm 2003”. Theo ông, “thậm chí nếu ông Saddam vẫn tại nhiệm, sau đó khi xảy ra những cuộc cách mạng Arab vốn càn quét Tunisia, Libya, Yemen, Bahrain, Ai Cập và Syria – chắc chắn sẽ xảy ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn ở Iraq”.

Vấn đề cốt lõi của Iraq thực sự không phải là an ninh mà là chính trị. Nếu Thủ tướng Maliki thực sự muốn khôi phục chính phủ quyền kiểm soát các tỉnh của người Sunni, ông phải tiếp cận với các nhà lãnh đạo Sunni và người Kurd và yêu cầu họ giúp đỡ. Nhưng đây lại là những bước đi mà ông Maliki chứng tỏ không muốn và không thể thực hiện. Tại thời điểm này, giới phân tích nhận định, ông Maliki chính là vấn đề cần giải quyết của Iraq.          

 Khả Anh