Khủng hoảng Ukraine và Châu Á

Thứ năm, 22/01/2015 11:04

(Cadn.com.vn) - Cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn chưa có lối thoát trong bối cảnh xung đột gia tăng ở miền đông trong những ngày qua. Và nếu tiếp tục đà này, cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ tiếp tục gây tác động mạnh mẽ trên khắp Châu Á.

Cuộc khủng hoảng Ukraine đến như là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với Châu Âu thời hậu hiện đại, một lời nhắc nhở rằng, các mối đe dọa hiện hữu vẫn còn tồn tại và các xung đột khó có thể tránh được vì những lợi ích và những tính toán kinh tế đơn thuần. Các cường quốc Châu Á, về phần mình, cũng nhận thức rằng, địa chính trị không phải là một điều của quá khứ.

Thứ nhất, cuộc khủng hoảng Ukraine đặt ra câu hỏi về tương lai hứa hẹn của Mỹ ở Châu Á, câu hỏi rất quan trọng đối với các đồng minh của Washington và các nước khác trong khu vực. Liệu cuộc khủng hoảng này có đánh lạc hướng Mỹ khỏi Châu Á? Nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chính sách "tái cân bằng" của Tổng thống Barack Obama? Thực tế mà nói, Trung Quốc luôn hy vọng, vấn đề Ukriane sẽ làm chệch hướng chiến lược của Mỹ ở Châu Á, nhưng các đồng minh của Mỹ vẫn luôn cảnh giác về khả năng này.

Thứ hai, bóng ma Ukraine cũng làm dấy lên câu hỏi về độ tin cậy của chính sách dự phòng của Mỹ ở Châu Á: Nếu Washington không thể giải quyết rốt ráo vấn đề ở Ukraine, liệu họ có thể quản lý các tranh chấp chủ quyền ở Châu Á, vốn đang nóng bỏng ở biển Hoa Đông và biển Đông.

Năm 2015, Moscow sẽ cố gắng đẩy mạnh hợp tác năng lượng với Châu Á để chống lại lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu sụt giảm. Kiểu trao đổi năng lượng này đã bắt đầu với 2 thỏa thuận ký kết vào năm 2014 giữa Trung Quốc và Nga trong việc cung cấp khí đốt. Ngoài việc đẩy mạnh hợp tác hạt nhân dân sự, Điện Kremlin cũng đã ký thỏa thuận cung cấp dầu thô 10 năm với Ấn Độ.

Sau khi bán đảo Crimea sáp nhập về với Nga, Moscow quyết định đầu tư 1 tỷ USD cho Triều Tiên nhằm vào chăm sóc sức khỏe, giáo dục, và một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên lớn chạy từ đảo Sakhalin của Nga thông qua bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc, nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn thứ hai trên thế giới sau Nhật Bản, rất quan tâm dự án này, cũng như các sáng kiến khác trong việc kết nối mạng lưới giao thông của Hàn Quốc sang các tuyến đường sắt xuyên Siberia.

Một nghịch lý, mối quan tâm được làm mới của Nga tại các thị trường năng lượng Châu Á có thể tạo điều kiện cho một bán đảo Triều Tiên thống nhất hơn. Nhưng đối với một quốc gia như Nhật Bản, năm 2015 sẽ chứng kiến thêm nhiều "diễn viên" cạnh tranh lối vào tài nguyên của Nga. Nỗ lực xích lại gần với Moscow trên quần đảo tranh chấp Kuril/Vùng lãnh thổ phía Bắc cũng phức tạp do lệnh trừng phạt của phương Tây.

Đối với Triều Tiên, khủng hoảng Ukraine càng khiến họ quyết tâm giữ vũ khí hạt nhân của mình. Ukraine từ bỏ kho vũ khí hạt nhân vào năm 1994 để đổi lấy bảo đảm an ninh từ các cường quốc hạt nhân khác, kể cả Nga.

Cuối cùng, rõ ràng, việc phương Tây dồn Nga đến chân tường càng khiến Moscow xích lại gần hơn với Bắc Kinh - điều mà Mỹ chắc chắn không hề mong muốn.

Thanh Văn