Khuyến cáo khi ồ ạt trồng chanh dây

Thứ ba, 13/09/2016 10:08

(Cadn.com.vn) - Thời gian qua, H. Mang Yang trở thành đại lý thu mua chanh dây lớn nhất của tỉnh Gia Lai. Nơi đây không chỉ tập trung thương lái thu mua mà còn là huyện có diện tích cây chanh dây lớn nhất của tỉnh. Ở bất cứ hàng quán nào, đều nghe người dân bàn về cây chanh dây bởi hiện nay đây là loại cây cho lợi nhuận cực lớn so với các loại cây công nghiệp khác. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư thấp, thu lợi nhanh khiến nhiều nông dân đổ xô trồng loại cây này. Chỉ mới đầu năm đến nay, giá chanh dây tăng cao đột biến cũng kéo theo diện tích trồng loại cây này phát triển ồ ạt. Dù cây chanh dây đã có mặt trên địa bàn H. Mang Yang 5 năm qua, thế nhưng chỉ là diện tích nhỏ, lẻ và tính đến giữa năm 2015 chỉ mới xấp xỉ 200ha. Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay đã lên đến 400ha, chưa kể khoảng 500ha của một DN lớn trên địa bàn đã và đang trồng loại cây này. Theo một cán bộ nông nghiệp của huyện thì diện tích trồng chanh dây có lẽ còn nhiều hơn bởi nhiều xã vẫn chưa báo cáo cụ thể diện tích.

Người người đua nhau trồng chanh dây khiến những nông dân khác cũng thấp thỏm. Trong khi đó, giá mủ cao su từ năm ngoái đến nay vẫn cứ nằm dưới đáy, còn giá cây cà-phê nhảy múa thất thường khiến người dân mang tâm lý lo ngại. Dù thế, trước siêu lợi nhuận mà cây chanh dây mang lại, người dân trên địa bàn ồ ạt phá bỏ nhiều diện tích cây cà-phê, cao su trồng trước đây để trồng chanh dây. Thực tế, cây chanh dây đầu tư ít, chỉ từ 100-150 triệu đồng/ha và chỉ 3-6 tháng sau là cho thu hoạch quanh năm. Với giá chanh dây có thời điểm lên đến 52.000 đồng/kg thì việc thu lợi nhuận khủng là hiển nhiên.

Chanh dây được phun thuốc bảo vệ thực vật trung bình 10 ngày/ lần khiến thứ quả này trở thành quả “độc” hơn bao giờ hết.

 Hộ gia đình anh Phan Thanh Hải (xã Đăk Djrăng, H. Mang Yang) sau khi trồng xen 5 sào chanh dây trên diện tích cà-phê, sau một đợt thu hoạch với giá cao ngất ngưởng, đã quyết định chặt bỏ hơn 1ha cà-phê đang trong thời kỳ kinh doanh để trồng chanh dây. Nhiều nông dân tại Gia Lai phá bỏ cà-phê để trồng chanh dây diễn ra khá phổ biến với tâm lý “được ăn cả, ngã về không”. Nếu tính bình quân theo giá hiện tại (21.000 đồng/kg), trung bình 1ha chanh dây thu  khoảng 500 triệu đồng. Đó là một con số cực lớn mà ít có loại cây nào sánh bằng thời điểm này. Và giá cây giống cũng biến động tăng liên tục, từ 30 nghìn đồng tăng lên đến hơn 50 nghìn đồng nhưng có khi “cháy hàng”. Cùng với việc cung cấp cây giống, các đại lý thu mua chanh dây trên địa bàn H. Mang Yang đều khẳng định, toàn bộ số chanh dây trên đều được các thương lái người Trung Quốc đặt hàng. Chỉ cần đủ hàng sẽ được vận chuyển. Còn việc sử dụng hay đưa đi đâu thì các chủ đại lý cũng không rõ. “Họ chỉ dùng đất, công chăm sóc ở đây để trồng thôi. Chứ toàn bộ giống, thu mua đều là thương lái Trung Quốc “lo” hết!”, một đại lý thu mua chanh dây cho hay.

Ông Phạm Ngọc Cơ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn H. Mang Yang cho biết: “Trồng chanh dây luôn sử dụng rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Không chỉ ảnh hưởng lớn đến người trồng, chăm sóc mà dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để lại trong môi trường rất lớn. Lâu ngày, đất sẽ bị chai đi và người dân khó có thể canh tác được các loại cây trồng khác. Dịch bệnh trên cây chanh dây như: nấm, rệp bùng phát rất mạnh và dễ lây lan lên cây hồ tiêu. Bên cạnh đó, cây chanh dây hiện nay chỉ có một thị trường duy nhất – thị trường Trung Quốc. Vì vậy, giá cả chanh dây sẽ không ổn định và đầy rủi ro”. Ông Cơ cũng cho biết chính quyền địa phương cũng đã khuyến cáo người dân cần thận trọng phát triển cây chanh dây mà tập trung vào cây hồ tiêu và tái canh cây cà-phê để phát triển kinh tế, bởi đây là cây công nghiệp thị trường đa quốc gia.

Dù được khuyến cáo, thậm chí người dân đều nhận thức được những hệ lụy mà cây chanh dây mang lại, thế nhưng nhiều nông dân vì lợi nhuận mà bỏ qua tất cả. Những bài học bất chấp sức khỏe, môi trường để chạy theo lợi nhuận vẫn còn đó dai dẳng đối với nhiều người.

Minh Tân