Kịch bản mới cho MH370
(Cadn.com.vn) - Sau gần 3 tháng, công cuộc tìm kiếm máy bay mất tích MH370 của Malaysia vẫn vô vọng. Trong động thái "dội gáo nước lạnh" vào những nỗ lực tìm kiếm, Australia cho biết, khu vực bờ biển phía tây nước này vẫn không phải là nơi điểm đến cuối cùng của MH370 mà có thể là khu vực miền nam Ấn Độ Dương.
Điều gì xảy ra?
Đầu tháng 4, Thủ tướng Australia Tony Abbott cho rằng, Australia "tự tin" về các tín hiệu ping phát ra từ máy ghi âm của máy bay MH370, thổi bùng lên niềm hy vọng cho các gia đình những người đi trên máy bay.
Nhưng cuối tháng 5, các quan chức Australia lại cho hay, khu vực ngoài khơi phía tây Australia lại không phải là nơi "an nghỉ cuối cùng" của MH370 bởi người ta không tìm thấy bất kỳ điều gì sáng sủa.
Kết luận dựa vào kết quả tìm kiếm trên diện tích rộng hơn 1.600km2 của Trung tâm Điều phối Cứu hộ nam Ấn Độ Dương (JAAC), Hải quân Mỹ và nhiều tổ chức cứu hộ khác. Nó cũng được đúc kết từ kết quả tìm kiếm của tàu ngầm tự hành, và các thiết bị cứu hộ hiện đại khác, kể cả tín hiệu ping được cho là phát đi từ hộp đen của máy bay.
Với giả thiết nói trên, khu vực rộng 850km2 nằm ngoài khơi bờ biển phía tây Australia bị loại, mà thay bằng khu vực nam Ấn Độ Dương. Theo ATSB, phương án tìm kiếm mới sẽ có nhiều phức tạp và thách thức.
Việc tìm kiếm dưới nước sẽ được dựa trên việc phân tích dữ liệu truyền hình vệ tinh do hãng Inmarsat của Anh cung cấp và dữ liệu radar tin cậy khác, nhất là những vùng nước chưa được kiểm tra dọc theo vòng cung kéo dài ở phía nam Ấn Độ Dương, diện tích rộng chừng 60.000km2.
Trong khi ATSB đang chuẩn bị cho cuộc tìm kiếm mới, một tàu của Trung Quốc có tên Zhu Kezhen tiến hành khảo sát, lập bản đồ nhiều vùng đáy biển, kể cả khu vực được chọn bởi ATSB phục vụ cho các hoạt động tìm kiếm mới, dự kiến sẽ bắt đầu từ tháng 8 tới và kéo dài 12 tháng.
Tháng 6 tới, ATSB và Bắc Kinh ký hợp đồng khảo sát thương mại cho cuộc tìm kiếm này. Tiến độ khảo sát lập bản đồ sẽ mất khoảng 3 tháng, khi hoàn thành sẽ cho ra đời bản đồ tổng thể giúp công việc tìm kiếm thuận lợi.
Những giả định về khu vực máy bay MH370 mất tích. |
26 nước, 60 triệu USD
Trong đợt tìm kiếm mới này, sẽ có 26 nước tham gia. 3 nước là Malaysia, Trung Quốc và Australia đóng vai trò chủ đạo bởi đây là những quốc gia có nhiều người đi trên máy bay nhất. Australia sẽ hợp tác với Hải quân Mỹ, sử dụng tàu ngầm dạng robot Bluefin-21 được tàu Ocean Shield kéo đi cùng các thiết bị công nghệ cao khác.
Việc tìm kiếm dưới nước, có thể kéo dài tới một năm, được thực hiện bởi một nhà thầu tư nhân hợp tác với các cơ quan của chính phủ Australia, Malaysia và của Mỹ. Ngoài ra, người ta có thể sử dụng thiết bị sonar được kéo đi bởi một con tàu, giống như xe tự hành dưới nước có gắn thiết bị sonar và thiết bị ghi hình quang học.
Một trong số những thiết bị này có tên Orion của Hải quân Mỹ, có thể truyền tải dữ liệu về trung tâm theo thời gian thực. Nó có khả năng quét khu vực lớn hơn robot Bluefin-21, chỉ quét được chừng 40 km2 cho mỗi lần vận hành. Theo dự toán của chính phủ Canberra, chi phí giai đoạn tiếp theo ước khoảng 60 triệu USD. Washington đóng góp một số thiết bị quan trọng, ước tính khoảng 40.000 USD cho một ngày vận hành.
Hy vọng tìm kiếm lại lóe lên khi chính phủ Australia cho hay, họ tin tưởng vào kết luận của nhóm chuyên gia Boeing và các cơ quan hàng không thế giới rằng MH370 bị nạn tại vùng nam Ấn Độ Dương. Cho dù còn ý kiến của các chuyên gia độc lập, nhưng theo Inmarsat, qua phân tích hàng loạt các thông tin liên lạc giữa máy bay và hệ thống vệ tinh Inmarsat, giả thiết MH370 bị nạn tại vùng biển nam Ấn Độ Dương là tin cậy nhất.
Kim Hùng
(Theo CNN)