Kịch bản nào cho tỷ giá USD cuối năm?

Thứ tư, 30/10/2013 11:59

(Cadn.com.vn) - Vài đồn đoán đã xuất hiện khi Chính phủ dự kiến phá giá tiền đồng khoảng 2% từ nay đến cuối năm. Dư luận cho rằng, nếu tỷ giá USD/VND tăng 2%, giá USD giáp Tết Giáp Ngọ (2014) ít nhất là 21.500 đồng. Thế nhưng, các chuyên gia nhận định, mức điều chỉnh này sẽ không nhảy vọt, cần qua nhiều nấc để thị trường khỏi “giật mình” nhằm đảm bảo tính ổn định của nền kinh tế.

Áp lực tỷ giá cuối năm?

Có nhiều dấu hiệu tích cực về kinh tế vĩ mô như dịch vụ phát triển, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng trong 10 tháng, ước 108 tỷ USD (tăng 15,2%), nhập khẩu ước 108,16 tỷ USD (tăng 15,2%), nhập siêu khoảng 187 triệu USD, bằng 0,17% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Dự trữ ngoại hối tăng nhanh, đảm bảo được khoảng 12 tuần nhập khẩu, mức dự trữ này đã tăng từ 6 tuần nhập khẩu (cuối năm 2010) lên 6,5 tuần (cuối năm 2011) và đạt mức 12 tuần (cuối năm 2012 và năm 2013). Trên cơ sở đó, Ngân hàng ANZ ước tính lượng ngoại hối dự trữ của Việt Nam hiện nay khoảng 32 tỷ USD.

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, thị trường ngoại hối đang đối mặt với áp lực tăng do cầu ngoại tệ của DN sẽ tăng cùng với động lực hỗ trợ xuất khẩu. Các chuyên gia đưa ra những lý do khiến cầu ngoại tệ tăng từ nay đến cuối năm. Thứ nhất, theo chu kỳ của mùa vụ, nhu cầu thanh toán bằng USD thường tăng cao trong những tháng giáp Tết. Thứ hai, NHNN tiếp tục nhập khẩu vàng (chi tiêu dự trữ) để cung cấp vàng miếng cho thị trường trong nước. Thứ ba, các sản phẩm cấu trúc (cho vay bằng USD bán lấy VND thu hàng xuất khẩu) đến hạn trả nợ khiến cầu về USD tăng lên.

Kỳ vọng tỷ giá tiếp tục tăng lên sau cuộc trả lời phỏng vấn hãng Bloomberg nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Theo đó, từ nay đến cuối năm, Chính phủ dự kiến sẽ phá giá tiền đồng tối đa là 2%.

 

Mức tăng hợp lý

Các chuyên gia dự đoán, nếu áp lực quá lớn, NHNN có thể điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1%. Đầu năm nay, NHNN khẳng định sẽ tăng tỷ giá từ 2 - 3% cho mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ. Trên thực tế, cơ quan này đã quyết định tăng 1% vào ngày 28-6, nâng tỷ giá USD/VND từ mức 20.828 đồng/USD lên 21.036 đồng/USD.

Nếu theo kế hoạch, dư địa tăng tỷ giá vẫn còn nên chuyện NHNN điều chỉnh tăng thêm 1-2% trong thời gian tới để hỗ trợ các DN xuất khẩu là bình thường. Mức điều chỉnh này có thể chấp nhận được trong năng lực điều hành của NHNN. Tuy nhiên, theo công bố mới đây, cơ quan quản lý này vẫn chưa phát đi tín hiệu chính thức sẽ điều chỉnh tỷ giá trong ngắn hạn.

Dự đoán về tương lai của tỷ giá, ông Phạm Hồng Hải (Phó Tổng Giám đốc NH HSBC Việt Nam) cho biết, mức biến động tỷ giá tăng 2% vẫn nằm trong cam kết “tỷ giá sẽ không biến động quá 2-3%”, phù hợp với thông điệp “tỷ giá sẽ ổn định chứ không cố định” của Thống đốc NHNN vào đầu năm nay.

So sánh tương quan các đồng tiền trong khu vực, từ đầu năm đến nay, VND đã giảm 1,3% so với đồng USD trong khi các đồng tiền khác của Châu Á như Philippines và Malaysia đã sụt ít nhất 5%.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô tháng 10-2013, HSBC Việt Nam cũng đưa ra dự báo tỷ giá đến cuối năm sẽ ở mức 21.250 đồng/USD, nếu so với tỷ giá liên NH hiện tại, thì mức này cũng tương đương tăng 1%.

Gửi tiết kiệm VND hay USD?

Chị P.T.M.D, chủ một cửa hàng lớn ở Đà Nẵng cho biết, mặc dù lãi suất USD đang khá thấp nhưng vào cuối năm, giá USD thường tăng lên nên chị quyết định chuyển đổi 2 tỷ đồng đến hạn sang tiết kiệm USD để gửi tiết kiệm với hy vọng tỷ giá sẽ tăng vào cuối năm nay.

Chị tính rằng, với 2,112 tỷ đồng, nếu gửi tiết kiệm (kỳ hạn 3 tháng, lãi suất 7%/năm), số tiền lãi chị nhận được là 36,96 triệu đồng, tổng số vốn rút ra (cả gốc và lãi) là 2,149 triệu đồng. Trong khi đó, nếu quy đổi 2,112 tỷ đồng (tỷ giá mua hiện nay 21.120 đồng/USD) ra ngoại tệ, chị sẽ có khoảng 100.000USD.

Với số ngoại tệ này, gửi tiết kiệm USD (kỳ hạn 3 tháng, lãi suất 1,2%/năm) chị sẽ thu được tiền lãi là 300USD. Nếu cuối năm tỷ giá USD được điều chỉnh tăng 1% (mức 21.331 đồng/USD), tổng số tiền VND quy đổi thu về (gốc và lãi) là 2,140 tỷ đồng, không lợi hơn so với gửi tiết kiệm bằng VND, ít hơn 9 triệu đồng.

Tuy nhiên, nếu tỷ giá USD được điều chỉnh tăng thêm 2% so với mức hiện nay (tỷ giá lên 21.542 đồng/USD), số tiền chị nhận được sẽ là 2,160 tỷ đồng, nhiều hơn 11 triệu đồng so với gửi tiết kiệm bằng VND.

Như vậy, dễ dàng nhận thấy, chỉ cần tỷ giá nhích lên cao, người gửi tiết kiệm bằng USD sẽ lợi hơn tiết kiệm VND. Ngược lại, tỷ giá tăng ít (khoảng 1%) hoặc không tăng, kỳ vọng lợi nhuận sẽ không có, thậm chí lỗ do hoán đổi tỷ giá (chênh lệch giá mua vào và bán ra) từ VND sang USD. Do vậy, tốt hơn hết, người dân đã gửi tiết kiệm VND nên giữ nguyên để hưởng lãi suất 7%/năm, tránh những rủi ro không đáng khi chưa biết được tỷ giá ngoại tệ trong tương lai tăng bao nhiêu. Đó là chưa kể đến trường hợp mất lãi do rút trước hạn.

Khi tỷ giá VND/USD được điều chỉnh, các loại đồng tiền khác cũng sẽ điều chỉnh tương ứng, vì được quy chiếu theo đồng USD. Chính vì vậy, để tránh rủi ro theo cách “không bỏ trứng vào một giỏ”, nếu có số tiền lớn, người dân nên phân bổ số tiền tiết kiệm thành các loại ngoại tệ khác nhau như USD, EUR, JPY... theo một tỷ lệ thích hợp. Riêng các DN ở thời điểm hiện tại, nên hạn chế việc vay USD vì tỷ giá tăng ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận.

Từ nay đến cuối năm, lộ trình điều chỉnh tỷ giá đều nằm trong “kịch bản” của NHNN. Vấn đề còn lại, tỷ giá tăng đến đâu, tăng ở thời điểm nào cần phải tính toán cẩn thận để phù hợp với cung cầu, nhằm đảm bảo tính ổn định của thị trường, thúc đẩy kinh tế phát triển theo định hướng.

Văn Khoa