Kiểm soát chặt, sẵn sàng mọi tình huống phòng chống dịch MERS-CoV

Thứ ba, 09/06/2015 11:09

(Cadn.com.vn) - Chiều 8-6, Bộ Y tế tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến về giám sát, điều trị và phòng chống dịch bệnh hội chứng viêm đường hô hấp Trung Đông do virus Corona (MERS-CoV) với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại đầu cầu Đà Nẵng có bác sỹ Ngô Thị Kim Yến – Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố cùng lãnh đạo các đơn vị, ban ngành, cơ sở khám chữa bệnh...

Ngành Y tế Đà Nẵng sẵn sàng mọi phương án ứng phó dịch MERS-CoV. Trong ảnh: Điểm cầu trực tuyến tại TP Đà Nẵng.

Cần áp dụng triệt để các biện pháp dự phòng

Tính đến chiều 8-6, Hàn Quốc có 87 trường hợp nhiễm virus MERS-CoV và 6 trường hợp đã tử vong. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện tại các chùm ca bệnh chủ yếu tập trung trong cơ sở y tế và chưa ghi nhận có sự lây lan trong cộng đồng. Dịch có khả năng lan truyền quốc tế nên nếu không nỗ lực kiểm soát, phòng chống dịch thì tình hình sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn dẫn đến nhiều sinh mạng sẽ bị cướp đi, kinh tế xã hội ảnh hưởng trầm trọng và nguy cơ dịch sẽ lan truyền sang các nước khác là rất lớn.

Theo khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam, để dịch MERS-CoV không xâm nhập và bùng phát, cần tập trung vào công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và phát hiện ca bệnh cũng như tổ chức cách ly đúng cách ngay khi nghi ngờ, bắt đầu từ phòng chờ; vẫn tiếp tục cho cách ly kể cả có kết quả âm tính nếu thực sự vẫn nghi ngờ đây là ca bệnh; áp dụng triệt để các biện pháp dự phòng và tránh các giọt tiết khi tiếp xúc với bệnh nhân có các triệu chứng về hô hấp và nên đeo khẩu trang N-95 khi làm các thủ thuật khí dụng. Đặc biệt, cần khai thác/sàng lọc tiền sử đi lại đối với tất cả các nước Trung Đông; lấy đúng mẫu xét nghiệm từ đường hô hấp dưới, không lấy dịch phết mũi...

TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, kết quả xét nghiệm hoàn tất sáng 8-6 và các báo cáo cho thấy cả 3 người Việt Nam đi từ vùng dịch về có biểu hiện sốt đều âm tính với bệnh lý MERS-CoV. Như vậy tính đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm MERS-CoV. Dù các trường hợp nghi ngờ đều âm tính, song đứng trước nguy cơ bệnh có thể du nhập và lây lan vào nước ta qua công dân trở về từ vùng có dịch, công dân từ các quốc gia khác đã xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch nhập cảnh vào Việt Nam...

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương cần thắt chặt giám sát lượng người nhập cảnh từ các nước có bệnh. Theo đó, tất cả hành khách đều phải được đo thân nhiệt tại sân bay, những người này cũng đồng thời được hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nơi sinh sống; những trường hợp trở về từ vùng dịch bỗng dưng sốt, phải đến ngay cơ sở y tế trình báo. Hiện tại, Bộ Y tế đã có quyết định thành lập 4 đội phản ứng nhanh tại miền Bắc, miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. Nhiệm vụ của các đội là sẵn sàng trong công tác phát hiện, cách ly và điều trị khi phát hiện các ca nghi nhiễm bệnh...

BV Đà Nẵng và BV Phụ sản – Nhi sẽ tổ chức cách ly...

Đà Nẵng đưa ra 4 tình huống phòng chống dịch MERS-CoV

Theo bác sỹ Ngô Thị Kim Yến – Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống trên địa bàn thành phố, Sở Y tế đã đưa ra 4 tình huống.

 Khi chưa ghi nhân ca bệnh tại Việt Nam (tình huống 1), tổ chức các đoàn thanh kiểm tra, giám sát, hướng dẫn công tác giám sát, sẵn sàng thu dung, điều trị, xử lý ổ dịch tại các địa phương, đơn vị; tăng cường giám sát hành khách tại cửa khẩu, thực hiện đo thân nhiệt và tờ khai y tế đối với hành khách đi từ vùng có dịch trở về, kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu. Đồng thời, tổ chức tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân có yếu tố dịch tễ liên quan thông qua hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia và giám sát các trường hợp nghi ngờ tại các cơ sở khám chữa bệnh, tại cộng đồng; chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, sinh phẩm y tế để xét nghiệm chẩn đoán xác định MERS-CoV...

Bên cạnh đó, các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly, giường bệnh cũng như tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, đẩy mạnh công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các BV; thiết lập mạng lưới các đơn vị thu dung điều trị, khu vực cách ly riêng để khám và điều trị các trường hợp nghi ngờ nhiễm MERS-CoV không được để lây nhiễm trong BV...

Đối với trường hợp ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam nhưng chưa xuất hiện ca bệnh tại thành phố (tình huống 2), huy động toàn bộ hệ thống giám sát y tế từ thành phố đến xã, phường, thôn, tổ dân phố tăng cường công tác giám sát tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, tiến hành cách ly, điều trị và xử lý theo quy định của Bộ Y tế, không để dịch lây lan ra cộng đồng; tăng cường công tác giám sát tại cửa khẩu (kể cả chuyến bay nội địa đến thành phố) bến xe, nhà ga,... phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh xâm nhập vào thành phố để xử lý theo quy định.

...và thu dung điều trị nếu thành phố xuất hiện bệnh MERS-CoV. 

Trường hợp xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào thành phố (tình huống 3), thực hiện theo quy trình giám sát các ca bệnh đầu tiên: từ 1 đến 36 bệnh nhân sẽ điều trị tại BV Đà Nẵng và BV Phụ sản – Nhi (30 bệnh nhân tại BV Đà Nẵng và 6 bệnh nhi tại BV Phụ sản – Nhi); tổ chức ê-kíp thường trực cấp cứu, thu dung, điều trị tại các đơn vị khám, chữa bệnh, thực hiện tiếp nhận bệnh nhân theo phân tuyến của mạng lưới điều trị đã xây dựng, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong; thực hiện nghiêm ngặt việc tổ chức cách ly đối với bệnh nhóm A, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các BV; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân; tổ chức thường trực cấp cứu, thu dung, điều tri tại các đơn vị khám, chữa bệnh; các đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ địa phương cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi có yêu cầu.

Tăng cường giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của những người có tiếp xúc gần với người bệnh trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối; tiếp tục duy trì kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu thông qua máy đo thân nhiệt từ xa; triển khai việc khai báo y tế đối với hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu; tăng cường giám sát trọng điểm và giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng chưa rõ nguyên nhân để xét nghiệm xác định sự lưu hành, biến đổi, mức độ lây lan MERS-CoV; tổ chức thường trực phòng chống dịch tại các đơn vị y tế...

Trước việc dịch lây lan trong cộng đồng (tình huống 4), tăng cường giám sát các chùm ca bệnh MERS-CoV tại cộng đồng; tổ chức khoanh vùng ổ dịch, triển khai các biện pháp hạn chế đi lại khi cần thiết, áp dụng các biện pháp phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ người dân trong khu vực ổ dịch. Đồng thời, tiếp tục triển khai giám sát MERS-CoV thông qua hệ thống giám sát trọng điểm cúm; thực hiện quyết liệt việc phân tuyến, triển khai BV dã chiến để điều trị bệnh nhân theo quy định nhằm giảm tải các bệnh viện tuyến thành phố; các BV chủ động triển khai kế hoạch mở rộng việc thu dung, điều trị bệnh nhân; làm thông thoáng buồng bệnh tại khu cách ly điều trị để giảm nồng độ virus, tập trung tối đa nguồn lực và chuyên môn kỹ thuật để điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa trường hợp tử vong...

Lê Hùng