Kiểm soát nghiêm ngặt thị trường thực phẩm Tết

Thứ năm, 10/01/2019 11:11

Càng gần Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân tăng cao theo đó các loại hàng kém chất lượng, hết đát cũng len lỏi tuồn ra thị trường. Lãnh đạo Cục QLTT Đà Nẵng cho biết sẽ kiểm tra gắt gao thị trường thực phẩm dịp Tết 2019 này.

QLTT kiểm tra các mặt hàng thực phẩm đóng gói tại chợ Hàn.

Hàng Tết dồi dào

Tại các chợ, siêu thị ở Đà Nẵng hiện hàng hóa phục vụ tết như bánh mứt, bia rượu, hạt dưa, thực phẩm đóng gói, tươi sống... khá dồi dào. Ông Phan Thống, Giám đốc Co.opmart Đà Nẵng cho biết, siêu thị đã chuẩn bị 4 ngàn tấn hàng hóa ước giá trị khoảng 80 tỷ đồng để phục vụ người dân mua sắm dịp Tết này. Ngoài phân phối tại siêu thị, đơn vị còn tổ chức các phiên chợ lưu động đưa hàng hóa lên các khu vực vùng ven như Hòa Ninh, Hòa Bắc. Ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng BQL Chợ đầu mối Hòa Cường cho biết, lượng rau củ, trái cây về chợ hiện đã tăng đáng kể. Càng giáp Tết, lượng hàng nông sản càng tăng với số lượng từ 750-800 tấn/ngày, tức là gấp đôi so với bình thường. Theo Sở Công Thương Đà Nẵng, nguồn hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán năm nay trên địa bàn TP khoảng 1.600 tỷ đồng. Trong đó: 12 đơn vị, siêu thị dự trữ hàng hóa trị giá hơn 363 tỷ đồng (khoảng 250 tấn gạo, hơn 2,1 ngàn tấn thịt, 2 ngàn tấn thực phẩm chế biến đóng gói); Tại 6 chợ lớn của TP, tiểu thương dự trữ hàng hóa phục vụ Tết khoảng 750 tỷ đồng...

Ông Phan Thống cho biết, sở dĩ hệ thống phân phối ở Đà Nẵng phải dự trữ hàng hóa phục vụ Tết vì nhu cầu tăng cao, trong khi khả năng đáp ứng tại chỗ của TP không đủ. Đơn cử tại Co.opmart 90% hàng hóa phải chuyển từ nơi khác về. Tương tự các mặt hàng thực phẩm đóng gói, rau củ trái cây, trên 80% phải nhập từ địa phương khác về. Vào thời điểm cận tết, việc vận chuyển hàng hóa lưu thông khó khăn, chưa kể có những tác động về thời tiết tiêu cực, do đó việc chuẩn bị nguồn hàng dự trữ vẫn là phương án tối ưu. Việc chủ động nguồn hàng dự trữ sẽ giúp các đơn vị phân phối giữ giá từ nhà cung cấp, từ đó khuyến mãi, giảm giá cho người tiêu dùng để kích cầu. Chẳng hạn tại Co.opmart các mặt hàng thực phẩm sẽ được giữ giá giảm hơn so với thị trường từ 5-10%, kể cả khi cận Tết, nhu cầu mua sắm tăng cao.

Siết an toàn thực phẩm

Ông Hoàng Cung Thượng Đức, Phó BQL chợ Hàn cho biết, tại chợ có hơn 200 quầy hàng thực phẩm, không chỉ phục vụ cho người dân mà cả khách du lịch, do đó khâu kiểm soát an toàn luôn được BQL chợ và TP quan tâm.  Cụ thể, TP đầu tư thí điểm tại chợ Hàn được dán tem quy chuẩn các mặt hàng hóa thực phẩm chế biến, đóng gói. Theo đó, tất cả các mặt hàng đều có nguồn gốc, xuất xứ, tên đơn vị sản xuất, ngày sản xuất khi khách hàng tới chợ mua có thể sử dụng điện thoại thông minh soi chiếu để biết rõ. Với giải pháp truy gốc nguồn gốc thực phẩm rõ ràng như vậy, các đơn vị cung cấp hay cả tiểu thương buôn bán cũng luôn ý thức, đề cao khâu an toàn thực phẩm vì đó còn là uy tín, thương hiệu của họ. Ông Đức cho biết, việc dán tem quy chuẩn phát huy hiệu quả tốt, TP sẽ cho triển khai mở rộng ra các chợ khác.

Tại 2 chợ đầu mối Hòa Cường và Thọ Quang, công tác kiểm soát ATTP được BQL chợ phối hợp chặt chẽ với Ban ATTP TP. Theo đó, các sản phẩm nông sản, hải sản đều được lấy mẫu, thử test đảm bảo an toàn mới phân phối về các chợ lẻ. Trong khi đó, hàng hóa thực phẩm vào hệ thống siêu thị ở Đà Nẵng cũng được kiểm soát từ cơ sở xuất xứ tới cơ sở phân phối. Ông Phan Thống cho biết, các mặt hàng thịt cá, rau củ từ các cơ sở sản xuất của Đà Nẵng nhập vào siêu thị ngoài việc kiểm tra tại nguồn như các lò mổ, các vùng trồng rau... thì về tới siêu thị sẽ qua nhiều vòng kiểm soát khác. Dịp gần Tết, các mặt hàng này được siêu thị tăng số lần kiểm nghiệm gấp 5 lần, từ thử test hàn the, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, focmon... Với các sản phẩm còn 20% thời hạn sử dụng, đơn vị đều chủ động thanh loại.

Ông Trần Phước Trí, Quyền Cục trưởng QLTT Đà Nẵng cho biết, các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết như bia rượu, bánh mứt, thực phẩm đóng gói sẽ được lực lượng QLTT kiểm soát gắt gao dịp giáp Tết. Trong đó, việc kiểm tra nhắm vào nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, thời hạn sử dụng. Bởi lẽ phần lớn các mặt hàng thực phẩm kém chất lượng, hàng nhái, hết đát... sẽ thừa dịp nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao để tuồn ra thị trường. “Ngoài kiểm soát các cơ sở sản xuất, phân phối thực phẩm ở TP, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra nguồn thực phẩm lưu thông từ nơi khác tới TP thông qua việc phối hợp với CSGT, kiểm tra tại các cửa ngõ vào TP”. Ngoài ra, ông Trí cũng cho biết, dịp Tết người dân có xu hướng sử dụng các mặt hàng tự sản xuất như thịt heo muối, bò khô, gà xé, hành muối... được bày bán trên vỉa hè, chuyền tay, qua mạng Internet. Việc buôn bán hàng hóa theo hình thức tự làm tự bán rõ ràng không có hóa đơn, rất khó xử lý, song hậu quả khi xảy ra ngộ độc thực phẩm rất lớn. Do đó, ông Trí khuyến cáo người dân nên mua hàng hóa ở các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị được kiểm soát về nguồn gốc, xuất xứ, được kiểm nghiệm ATTP. Tại các đầu mối này, QLTT cũng sẽ tăng cường kiểm tra.

Ông Trí cho biết thêm, ngoài kiểm tra đảm bảo chất lượng hàng hóa ATTP, QLTT sẽ tập trung kiểm tra giá cả dịch vụ, việc đầu cơ tăng giá, đặc biệt kiểm soát chặt giá cước vận tải do nhu cầu đi lại dịp cuối năm tăng cao.

HẢI QUỲNH