“Kiếm sống” ở đường 9
* KỲ 1: “ VƯỢT BARIE”
(Cadn.com.vn) - Cung đường 9 (QL9) vang dội trong chiến tranh gắn với những địa danh Lao Bảo, Khe Sanh, Làng Vây... và càng biết đến nhiều hơn khi trở thành huyết mạch trong Hành lang kinh tế Đông – Tây. Song cùng với sự phát triển của cung đường này, tình trạng buôn lậu càng phức tạp. Ở bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến vài hiện tượng buôn lậu kiểu “nhỏ lẻ” song cũng rất dai dẳng, nhức nhối.
Hàng lậu vẫn vô tư về xuôi cách Trạm Kiểm soát liên ngành Hướng Hóa không xa. |
Nâng ly cà-phê đen tôi hỏi bác thợ sửa xe máy bên dãy xe lột sạch vỏ, gia cố thêm những giá gỗ chắc chắn: “Xe đi đâu mà ghê vậy bác, mà lạ thật chiếc nào cũng có giá phía sau là sao?”. Người đàn ông đứng tuổi không trả lời mà chỉ hất mặt về phía hai con đường tiểu ngạch như gọng kìm kẹp chặt Trạm Kiểm soát liên ngành Hướng Hóa.
Rong xe vào địa điểm chỉ cách nơi kiểm soát này vài trăm thước, phía trên là cái cổng cao báo hiệu đường rẽ vào nhà máy Thủy điện Rào Quán được xây như cổng làng. Thật bất ngờ khi nhiều tay cửu vạn chuyên nghiệp đang đóng từng kiện hàng chất thành khối. Tôi lờ mờ nhận ra rằng chỉ có hàng lậu mới lao tâm khổ tứ ngụy trang, mai phục chứ hàng có “số má” ai đời lại mất công như vậy. Mà cũng thật là trùng hợp, hàng họ không sang sạc ở nơi nào lại chọn bên cánh gà của nơi tựa cái khu kim bắt mọi phương tiện phải luồn qua thế này.
Người đóng kiện, kẻ chuyển làm huyên náo cả một khu vực. Dường như các “trinh sát” đã phát hiện sự xuất hiện của tôi có dấu hiệu bất thường nên mọi hoạt động tạm dừng. Một số lượng hàng lớn đặt ngay khoảng sân được phủ kín bạt, cây cỏ được phủ lên nhanh chóng tựa hồ các sản phẩm nông nghiệp không mấy giá trị. Giảm nhẹ ga vì phía sau là ba bốn chiếc xe máy ngoài thì cà tàng nhưng bên trong thì được doa tiện một cách cẩn thận. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu, nếu mình vê ga vắt chân lên cổ mà chạy thì chắc chắn là có vấn đề.
Còn mình cứ thong dong tự tại thì ai lại bắt ép mình chứ. Két. Tiếng phanh xe thét lên vì bùn đất đặc quánh ở bánh xe. “Đi đâu mà lượn lờ ở đây vậy?. Nãy giờ thấy chạy qua chạy lại ba bốn lần rồi đấy nhé”. Một thanh niên áo quần lấm lem bùn hất hàm. Tôi đáp cứ như không: “Đi mua chào mào, không biết ở đây có ai bán, mua về chơi Tết. Nếu anh biết thì giới thiệu giùm nhé”. “Cút. Ở đây làm gì có chim với chiếc. Mày không thấy bọn tao bận làm ăn chứ có phải như cái ngữ rảnh rỗi mà suốt ngày chim với cò không?”, gã kia làm mặt bặm trợn.
“Con trâu sắt đeo biển số” chất đầy gỗ lậu đang chờ thời cơ. |
Rẽ vào con đường mòn bê bết bùn đất mà chốc chốc từng chiếc xe chất phía sau kiện hàng vẫn lao vào. Những gã thanh niên bám theo và cương quyết dừng xe: “Đã bảo với mày rồi, ở đây làm gì có chim cò. Muốn mua thì ra ngoài chợ mà mua. Không nghe, tao cho bọn nó dần một trận nhừ tử”.
Hai con đường tiểu ngạch quây lấy Trạm Kiểm soát liên ngành Hướng Hóa đóng trên địa bàn xã Tân Hợp như một sợi thắt lưng. Vì một nhẽ, trạm được dựng ở vị trí đắc đạo hai bên là vực sâu nếu không ôm sát thắt lưng mà chuyển bằng xe máy hay gùi gánh thì không còn cách nào khác. Mà đây là nơi bất kỳ con trâu sắt bốn bánh nào cũng phải vượt cái barie sơn trắng đỏ nếu không muốn lao xuống vực.
Những chiếc xe khách dừng lại trước trạm kiểm soát để sang hàng. |
Xuôi ngược dọc QL9, có những chuyến xe khách vô cùng lạ lùng. Xe vẫn tuyệt nhiên đề tuyến chạy hẳn hoi, nhưng dù khách muốn quá giang vẫy đến mỏi tay vẫn không chịu dừng. Trong khi đó, nhất là thời điểm cận Tết các nhà xe tranh giành khách của nhau có khi đánh nhau đến bầm mặt tím mũi.
Một anh bạn thổ địa bảo rằng cứ ra đường mà thấy chiếc xe khách nào dùng sơn hay bạt để bịt cửa sổ lại, đít xe trịu xuống là y như chở hàng “không chơi được”. Không thuốc lá, rượu ngoại, đường trắng, bò húc Thái Lan, thì cũng là “trâu húc”. Trâu húc ở đây nghĩa là gỗ quý đã xẻ thành phách, chỉ có sức của trâu mới chuyển chúng từ rừng ra được. Còn con trâu có đeo biển số kia thì chúng chấp xa những con trâu lầm lũi ở rừng. Chúng biết luồn lách, biết lúc nào đi lúc nào dừng, biết cả mối nguy hiểm đang rình rập chúng.
Tiếp tục bám QL9, những chuyến xe khách không bao giờ chở khách vẫn thoắt ẩn thoắt hiện. Hai đầu của cái trạm lắm binh nhiều lính này được giới buôn tổ chức thành hai điểm cầu thông suốt và được bơm “máu” qua hai thắt lưng tiểu ngạch mấp mé bên vực thẳm.
B.Đ.T
(còn nữa)