Kiểm tra, kiểm soát ATTP chủ yếu bằng trực quan và kinh nghiệm
(Cadn.com.vn) - Thực phẩm lưu thông trên thị trường vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ; công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm chủ yếu dùng trực quan, kinh nghiệm là chính, chưa có áp dụng trình độ KHCN; sản phẩm rau, củ, quả nhập về Đà Nẵng chỉ mới nắm được phần “ngọn” nguồn gốc, còn xuất xứ của hàng nhập về thì “chịu”... là những nội dung chính được đề cập tại hội nghị tổng kết công tác quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm năm 2015 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2016 do Sở Y tế tổ chức vào chiều 13-1.
Sản phẩm rau, củ, quả nhập về chợ đầu mối Hòa Cường chỉ mới nắm được phần “ngọn” nguồn gốc, xuất xứ của hàng nhập về thì “chịu”. |
Trong năm 2015, TP Đà Nẵng chỉ xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm nhỏ với 9 người mắc, không có tử vong. Đặc biệt nhiều năm liền thành phố không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm đông người, không có vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể khu công nghiệp. Ngoài ra, trong các năm gần đây thành phố chưa phát hiện trường hợp nào ngộ độc thực phẩm liên quan đến thực phẩm nhiễm các chất độc hại... Tuy nhiên, theo đại diện các sở, ngành và địa phương thì hiện nay vấn đề ATTP trên địa bàn thành phố vẫn còn đáng lo ngại, chưa thể kiểm soát hết được nên nguy cơ tiềm ẩn mất ATTP rất lớn.
Ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó Chủ tịch UBND Q. Sơn Trà cho biết, hiện trên địa bàn quận có 1.007 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó 36 cơ sở chế biến thực phẩm, 230 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 848 nhà hàng, quán ăn và khoảng 257 cơ sở thức ăn đường phố. Trong năm 2015, quận đã tiến hành kiểm tra 958 cơ sở (chiếm 95,1%), qua đó phát hiện 80 cơ sở vi phạm. Tuy nhiên, cũng theo ông Xứng, hiện nay thực phẩm lưu thông trên thị trường vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, VSATTP đang là một trong những vấn đề phức tạp gây nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý và xã hội. Với nhu cầu cuộc sống hiện nay, thức ăn đường phố được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, bởi sự thuận tiện, nhanh chóng và hợp túi tiền...
Tuy nhiên, loại thực phẩm, thức ăn đường phố lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến những vụ ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về VSATTP của một số tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng còn chưa cao. Đối với các nhóm trẻ gia đình dưới 4-5 trẻ phát triển nhanh, không có giấy phép, vì vậy việc đảm bảo ATTP cho trẻ rất khó kiểm soát... Chính vì vậy, để thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo VSATTP, Chi cục ATVSTP thành phố cần tăng cường công tác phối hợp với địa phương khi thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn và hỗ trợ các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ nhằm thực hiện hiệu quả công tác VSATTP...
Loại thực phẩm, thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm. |
Theo ông Thái Văn Quang, Trưởng phòng Quản lý Kỹ thuật Sở NN&PTNT TP, sau 4 tháng triển khai Đề án kiểm soát rau, củ, quả tại chợ đầu mối Hòa Cường, ngành NN&PTNT đã tiến hành kiểm tra được 131.000 tấn rau, củ, quả các loại được nhập về chợ đầu mối Hòa Cường từ 9 tỉnh, thành phố của Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan (55.000 tấn rau và 76.000 tấn củ, quả), trong đó trái cây Trung Quốc chiếm 24%. Từ đó cho thấy, số lượng rau, củ, quả nhập về chợ đầu mối Hòa Cường hằng ngày rất lớn. Tuy nhiên, việc lấy mẫu xét nghiệm chất lượng ATTP các loại hàng hóa của lực lượng chức năng cũng chỉ ở “mức độ” vì còn liên quan đến kinh phí và nhiều việc khác nên khó có thể đánh giá hết được chất lượng của nguồn hàng nhập về Đà Nẵng.
Ông Quang khẳng định: Gần như 100% nguồn hàng rau, củ, quả được nhập về chợ đầu mối Hòa Cường từ 9 tỉnh, thành phố này, chúng ta không thể biết được có an toàn về VSTP hay không. Bởi, chúng ta chỉ nắm được phần “ngọn” đó là khi về đến nơi còn nguồn gốc, xuất xứ của hàng nhập về thì “chịu”, không thể biết được. Sở dĩ có tình trạng này xảy ra là hầu hết những người kinh doanh tại chợ đầu mối Hòa Cường đều có “bạn hàng riêng” và khi lực lượng chức năng hỏi về “bạn hàng” thì họ không chịu trả lời hoặc giấu kín. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có quy định nào cụ thể yêu cầu tiểu thương phải kê khai, báo cáo vấn đề ATTP trong chợ đầu mối Hòa Cường... Chính vì vậy, hiện nay cơ sở để cơ quan chức năng xem xét vấn đề VSATTP của sản phẩm thì còn thiếu, gây những khó khăn trong công tác kiểm soát.
Ông Võ Văn Nhựt – đại diện Sở Công thương thành phố thì cho rằng, hiện nay, điều kiện về trang bị kỹ thuật, cơ sở vật chất, phân tích, xét nghiệm để phục vụ công tác quản lý ATTP của ngành Công thương hầu như chưa có. Công tác kiểm tra, kiểm soát chủ yếu dùng trực quan, kinh nghiệm là chính, chưa có áp dụng trình độ KHCN, nhất là bản quyền, sở hữu trí tuệ vào khâu kiểm tra, kiểm soát nên có một số trường hợp rất khó khăn, phức tạp để xác định hành vi vi phạm. Do đó, công tác quản lý ATTP của ngành Công thương mới chỉ ở mức kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người... còn trong thực phẩm chứa những gì thì ngành Công thương chưa thể kiểm tra, xác định được.
Ngoài ra, công tác phân công, phân cấp quản lý ATTP giữa các ngành, các cấp còn chưa có sự thống nhất, cách hiểu, cách làm khác nhau dẫn đến nhầm lẫn, bỏ sót... Ông Nhựt khẳng định: Hiện nay hàng hóa về TP Đà Nẵng bằng nhiều con đường nên gây khó khăn trong kiểm soát, nhất là mặt hàng trái cây, thịt, trứng... Cùng với đó, nạn buôn bán hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, hàng không đảm bảo ATTP ngày càng tinh vi, bất chấp mọi thủ đoạn, tránh sự kiểm tra kiểm soát của lực lượng chức năng. Tại một số chợ cơ sở vật chất còn hạn chế như không gian dành cho các hộ tiểu thương kinh doanh thực phẩm còn đan xen, lẫn lộn với các mặt hàng khác, hệ thống cống rãnh thoát nước trong khu vực chợ xuống cấp... góp phần làm cho công tác đảm bảo VSATTP tại các chợ còn gặp nhiều khó khăn.
Từ thực tế trên, để công tác quản lý nhà nước về ATTP ngành Công thương đạt hiệu quả, ông Nhựt cho rằng việc tổ chức, biên chế phục vụ công tác quản lý nhà nước về ATTP của ngành cần được quy định rõ ràng. Bởi hiện nay, chức năng nhiệm vụ thì có phân công nhưng bộ máy biên chế, trình độ, năng lực thì không quy định cụ thể và kinh phí hoạt động kiểm tra, kiểm soát, quản lý ATTP, lấy mẫu, xét nghiệm mẫu, vật phẩm hầu như không có. Bên cạnh đó, công tác phối, kết hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, hàng không đảm bảo chất lượng VSATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các hộ tiểu thương tại các chợ, siêu thị cần được các cấp, ngành quan tâm đúng mức...
Trí Dũng