Kinh tế chật vật, Tổng thống Iran sẽ bị chất vấn

Thứ năm, 02/08/2018 10:41

Đây là lần đầu tiên Quốc hội triệu tập Tổng thống Hassan Rouhani, người đang chịu sức ép từ các đối thủ có quan điểm cứng rắn trong việc cải tổ nội các, sau khi mối quan hệ với Mỹ xuống dốc và nền kinh tế khó khăn.

Tổng thống Hassan Rouhani sẽ bị chất vấn vì các vấn đề liên quan đến nền kinh tế khó khăn của Iran.    Ảnh: Reuters

Các nghị sĩ Iran ngày 1-8 đã ra thời hạn 1 tháng cho Tổng thống Hassan Rouhani phải xuất hiện trước Quốc hội để trả lời các chất vấn liên quan tới cách thức xử lý của chính phủ đối với nền kinh tế chật vật của nước này.

Chủ tịch Quốc hội Ali Larijani tuyên bố, Tổng thống Rouhani sẽ có một tháng để chuẩn bị cho phiên chất vấn trước các nghị sĩ và giải quyết các vấn đề. Chính phủ Iran lâu nay đã thành công trong nỗ lực thuyết phục các nghị sĩ hủy bỏ việc chất vấn Tổng thống Rouhani tại Quốc hội. Nhưng lần này có vẻ như những nỗ lực vận động hành lang như vậy đã thất bại. Hồi tuần trước, nhà lãnh đạo Iran bất ngờ hủy bỏ một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, động thái dường như đã khuyến khích nhiều nghị sĩ nghi ngại về khả năng giải quyết bài toán kinh tế của tổng thống.

Chủ yếu vì vấn đề kinh tế

Đây là lần đầu tiên Quốc hội triệu tập Tổng thống Hassan Rouhani, người đang chịu sức ép từ các đối thủ có quan điểm cứng rắn trong việc cải tổ nội các, sau khi mối quan hệ với Mỹ xuống dốc và kinh tế khó khăn.

Reuters dẫn nguồn tin từ hãng thông tấn ISNA của Iran cho biết, các nghị sĩ muốn chất vấn ông Rouhani về các vấn đề liên quan sự sụt giảm đồng nội tệ rial, vốn mất một nửa giá trị kể từ tháng 4 cũng như việc kinh tế tăng trưởng yếu kém và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Các nghị sĩ cũng muốn ông Rouhani giải thích lý do vì sao sau hơn 2 năm ký thỏa thuận hạt nhân nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt quốc tế, các ngân hàng của nước này vẫn chỉ được tiếp cận một cách hạn chế đối với hệ thống tài chính toàn cầu.

Tổng thống Rouhani, nhân vật theo chủ nghĩa thực dụng, đã giúp hạ nhiệt căng thẳng với phương Tây bằng cách ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Nhưng ông Rouhani đang đối mặt với nền kinh tế thụt lùi kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hồi tháng 5 và tuyên bố sẽ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm làm trì trệ nền kinh tế Iran. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở Iran kể từ đầu năm nay liên quan giá cả cao, khan hiếm nước sạch, mất điện, và nạn tham nhũng. Hôm 31-7, hàng trăm người tập hợp ở các thành phố trên khắp cả nước, gồm Isfahan, Karaj, Shiraz và Ahvaz, để phản đối lạm phát cao do đồng tiền nội tệ của nước này suy yếu.

Cú hích cực đại

Tổng thống Trump hôm 31-7 bất ngờ dịu giọng khi tuyên bố sẽ sẵn sàng gặp Tổng thống Rouhani mà không cần các điều kiện tiên quyết và vào bất kỳ thời gian nào mà phía Tehran muốn, để cải thiện quan hệ. Tuy nhiên, phía Iran đã “dội gáo nước lạnh” vào  ông chủ Nhà Trắng khi tuyên bố đề xuất này là vô giá trị và chỉ là “một giấc mơ”. Ông Hesamoddin Ashna, một cố vấn của Tổng thống Rouhani đáp trả Tổng thống Trump trên Twitter hôm 1-8: “Các ông đã khởi động một cuộc chiến kinh tế chống lại chúng tôi bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt. Rồi các ông nói dừng cuộc chiến này và sau đó yêu cầu các cuộc đàm phán. Không có điều kiện tiên quyết có nghĩa là không có trừng phạt”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi cũng rất ngờ vực khi tuyên bố: “Làm sao ông Trump có thể chứng minh với Iran rằng những phát biểu mà ông ta đưa ra cho thấy ý định đàm phán thực sự của ông ấy”. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Motahari cũng nêu rõ: “Nếu ông Trump không rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và không áp đặt các lệnh trừng phạt với Iran, thì sẽ không có vấn đề gì với các cuộc đàm phán với Mỹ. Nhưng đàm phán với Mỹ hiện nay sẽ là một sự sỉ nhục”.

Mỹ đã rời bỏ thỏa thuận hạt nhân, còn được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) bất chấp nỗ lực kêu gọi của các nước còn lại trong nhóm P5+1. Hành động này đã đẩy hai nước vào cuộc chiến khó lường. Trong khi nền kinh tế Iran chật vật, Mỹ cũng lo về nguồn cung dầu mỏ. Theo giới phân tích, ông Trump đã sai lầm khi hy vọng Saudi Arabia và các nhà sản xuất dầu mỏ khác bù lấp những thiếu hụt nguồn cung loại nhiên liệu này do các biện pháp trừng phạt của Washington đối với Iran.

KHẢ ANH