Kinh tế Châu Á và tác động của Covid-19
Dịch bệnh Covid-19 sẽ gây thiệt hại cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhất là kinh tế Châu Á trong năm nay, người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định như vậy, nhưng cũng cho rằng, kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ và nhanh chóng.
Ngành du lịch, vận tải trên khắp Châu Á bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. |
"Có thể chúng tôi buộc phải cắt giảm mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhưng vẫn hy vọng chỉ nằm trong khoảng 0,1-0,2%", bà Kristalina Georgieva nói tại Diễn đàn Phụ nữ Toàn cầu ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hôm 16-2 (giờ địa phương). Theo bà Georgieva, thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu giữa Mỹ- Trung cũng giúp giảm tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu.
Trên thực tế, trong khi Mỹ Latinh và các nền kinh tế thuộc khu vực đồng EUR (Eurozone) được dự báo không bị tác động nhiều, dịch bệnh Covid-19 thật sự đang khiến nền kinh tế Châu Á điêu đứng.
Trung Quốc, Singapore hành động
So với tác động của dịch SARS hồi năm 2003, khi đó Trung Quốc chỉ chiếm 8% sản lượng kinh tế toàn cầu, trong khi hiện nay là 19%, đại dịch Covid-19 bùng nổ là bài toán đau đầu với nền kinh tế các nước. Trung Quốc hôm 17-2 đã đề ra biện pháp giải vây cho doanh nghiệp trong khi Singapore và Nhật Bản cùng đối diện với nguy cơ tăng trưởng suy giảm.
Trong thông báo ngày 17-2, Trung Quốc hạ lãi suất cho vay trung hạn (MLF) ở mức 10 điểm cơ bản xuống còn 3,15%. Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - ngân hàng trung ương) đã bơm 200 tỷ NDT (khoảng 28,66 tỷ USD) vào thị trường qua MLF. Trung Quốc áp dụng MLF từ năm 2014 nhằm giúp các ngân hàng chính sách và thương mại duy trì thanh khoản bằng cách cho phép các ngân hàng này vay tiền từ PBoC và sử dụng cổ phiếu làm thế chấp. Ngoài ra, PBoC còn bơm 100 tỷ NDT (khoảng 14,33 tỷ USD) vào hệ thống tài chính thông qua các thỏa thuận bán và mua lại cổ phiếu (repo) thời hạn 7 ngày, với mức lãi suất 2,4%.
Các động thái mới nhất này của chính phủ Trung Quốc được cho là nhằm giảm tác động tiêu cực của dịch Covid-19 với các doanh nghiệp, theo đó mở đường cho việc giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR), giúp giảm chi phí cho vay và nới lỏng tài chính đối với các Cty đang bị thiệt hại do dịch bệnh. Trong ngày 17-2, các chỉ số chứng khoán Trung Quốc đã tăng điểm nhờ các biện pháp tích cực của chính phủ.
Trong khi đó, vì Covid-19, Singapore cũng quyết định hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 xuống -0,5%-1,5%, từ mức dự báo tăng 0,5% - 2,5% được đưa ra hồi tháng 11-2019. Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) Singapore cho rằng, dịch Covid-19 được dự báo sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế Singapore, nhất là đối với các lĩnh vực chế tạo, thương mại bán buôn và du lịch. Dịch bệnh sẽ khiến lượng khách du lịch quốc tế đến Singapore giảm mạnh.
Ngành du lịch Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề
Các nền kinh tế khu vực của Nhật Bản bị giáng một đòn mạnh bởi lượng khách du lịch sụt giảm, phần lớn bị ảnh hưởng bởi việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm du lịch ra nước ngoài nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19.
Mặc dù chính phủ Nhật Bản tăng cường hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ hơn trong ngành công nghiệp du lịch, nhưng cuộc khủng hoảng toàn cầu có thể báo hiệu thảm họa cho các nền kinh tế địa phương nếu dịch Covid-19 còn kéo dài. “Chúng tôi đã nhận được những thông báo hủy không chỉ từ các du khách Trung Quốc mà còn từ Đông Nam Á. Với xu hướng người dân tránh các đám đông do lo ngại nhiễm virus, những tác động có thể sẽ kéo theo”, một đại diện từ Hiệp hội Xe buýt Hokkaido cho biết. Trong một cuộc khảo sát các thành viên điều hành xe buýt đạt chứng nhận, khoảng 1.700 xe bị hủy các chuyến du lịch từ giữa tháng 1 đến tháng 3, đồng nghĩa với việc tổn thất khoảng 110 triệu yen (1 triệu USD).
Trong khi đó, lễ hội tuyết thường niên tại thành phố Sapporo, miền Bắc Nhật Bản, nơi thu hút các du khách Trung Quốc, đã chứng kiến lượng du khách giảm còn 710.000 người, thấp hơn nhiều so với con số 2,02 triệu người hồi năm ngoái. Ông Tsutomu Yuguchi, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hamagin ở Yokohama, nhận định các nền kinh tế khu vực đang chịu thiệt hại từ nhu cầu thấp hơn sau đợt tăng thuế tiêu dùng hồi tháng 10-2019 và thiệt hại bởi những cơn bão năm ngoái trước khi bị virus tấn công. Chuyên gia này nêu rõ: “Phải mất 6 tháng hoặc một năm để kiềm chế virus, các doanh nghiệp liên quan du lịch đối mặt với mối đe dọa thực sự của sự phá sản theo phản ứng dây chuyền. Điều lo ngại nhất là số lượng người Nhật hạn chế đi du lịch hoặc ra nước ngoài do lo sợ nhiễm bệnh ngày càng tăng. Trong trường hợp như vậy, thiệt hại thậm chí sẽ lớn hơn”.
Do lo ngại dịch Covid-19, ngày 17-2, Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản cũng thông báo hủy lễ kỷ niệm ngày sinh Nhật hoàng Naruhito, vốn được ấn định tổ chức vào ngày 23-2 tới tại Cung điện Hoàng gia Nhật Bản.
KHẢ ANH