Kinh tế Đà Nẵng đang phục hồi

Thứ ba, 02/11/2021 07:20

Sau khi áp dụng các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, kinh tế Đà Nẵng đang dần phục hồi, kỳ vọng năm 2021 không tăng trưởng âm.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của Đà Nẵng tháng 10 đạt hơn 5,2 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 21% so với tháng trước.

Những tín hiệu phục hồi

Từ đầu tháng 10, Đà Nẵng đã mở cửa hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh, do đó kinh tế TP nhanh chóng phục hồi, trước tiên là các lĩnh vực thương mại, dịch vụ tiêu dùng, vận tải… Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng Đà Nẵng tháng 10-2021 đạt hơn 5,2 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 21% so với tháng trước; tổng số khách cơ sở lưu trú phục vụ đạt hơn 28 ngàn người, tăng hơn 81%. Đặc biệt, doanh thu vận tải hành khách đạt gần 215 tỷ đồng, tăng hơn 122% so với tháng trước. Ông Trần Văn Vũ- Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, việc cho phép các hoạt động lưu trú, ăn uống, dịch vụ lữ hành và một số dịch vụ khác được mở cửa trở lại đã góp phần giải quyết việc làm, đóng góp vào chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế TP.

Bên cạnh thương mại, dịch vụ, việc trở lại hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đã góp phần thay đổi trạng thái hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, trong đó hoạt động sản xuất công nghiệp cũng có sự thay đổi đáng kể. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã bắt tay ngay phục hồi sản xuất, tăng ca để kịp tiến độ đơn hàng theo cam kết. Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt- Tổng Giám đốc Cty Cổ phần cao su Đà Nẵng cho biết, từ tháng 10 khi TP mở cửa trở lại, DN đã nhanh chóng tổ chức sản xuất khôi phục mảng thị trường trong nước những tháng trước bị gián đoạn, nhân lực phải nghỉ giãn cách. Hầu hết các DN sản xuất trong khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng đều đã trở lại hoạt động với 100% nhân lực, công suất. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 của Đà Nẵng đã tăng 7,6% so với tháng trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng 7,4%.

Với nỗ lực phục hồi sản xuất của DN, qua đó lượng hàng hóa xuất khẩu của Đà Nẵng cũng gia tăng. Trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đà Nẵng đạt hơn 142 triệu USD, tăng 6,6%. Tính từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng xuất khẩu đạt hơn 1,4 tỷ USD (xuất siêu hơn 340 triệu USD), đây là tín hiệu lạc quan, thể hiện nỗ lực duy trì sản xuất ổn định, giải quyết hàng tồn kho của DN trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn của dịch bệnh.

Một tín hiệu lạc quan khác, trong tháng 10 số doanh nghiệp đăng ký hoạt động mới của TP là 226 DN với tổng vốn điều lệ 756 tỷ đồng. So với tháng trước, số DN đăng ký kinh doanh đã tăng 162 DN và tăng 239 tỷ đồng.

Sản xuất công nghiệp trong quý IV phải tăng hơn 5% thì năm 2021 kinh tế Đà Nẵng mới không tăng trưởng âm.

Giải ngân đầu tư công ấn tượng

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, kéo dài thì việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công góp phần quan trọng thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế. Trong tháng 10, vốn đầu tư từ ngân sách địa phương quản lý, Đà Nẵng thực hiện giải ngân được 490 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với tháng trước. Nếu tính trong 10 tháng qua, Đà Nẵng giải ngân đầu tư công đạt hơn 5,1 ngàn tỷ đồng, tăng gần 31% so với cùng kỳ.

Nhiều dự án trọng điểm, có mức giải ngân khá, nổi bật như nhà máy nước Hòa Liên tổng kinh phí 1.170 tỷ đồng, hiện đã thực hiện được 973 tỷ đồng, trong đó tháng 10 thực hiện 20 tỷ đồng. Dự án Khu công viên phần mềm số 2 tổng vốn hơn 800 tỷ đồng, hiện đạt 433 tỷ đồng, trong đó tháng 10 thực hiện đạt 40 tỷ đồng. Dự án Khu Công nghệ cao tổng mức đầu tư hơn 8,8 ngàn tỷ đồng, hiện đạt hơn 3,1 ngàn tỷ đồng, trong tháng 10 thực hiện đạt 26 tỷ đồng. Dự án phát triển bền vững Đà Nẵng tổng vốn hơn 6,1 ngàn tỷ đồng, hiện thực hiện đạt hơn 5 ngàn tỷ đồng, trong tháng 10 đạt gần 20 tỷ đồng.

Kết quả giải ngân đầu tư công ấn tượng phản ánh hiệu quả các giải pháp mà Đà Nẵng tập trung triển khai thời gian qua. Trong đó, giải pháp nổi bật là tập trung rà soát, điều chỉnh giảm các công trình thừa vốn sau quyết toán, công trình chậm triển khai do vướng giải toả đền bù, đồng thời ưu tiên bổ sung vốn cho các công trình trọng điểm, động lực đảm bảo tiến độ thi công và giải ngân theo kế hoạch. Đặc biệt, TP đã yêu cầu các chủ đầu tư, quản lý dự án cam kết tiến độ thực hiện, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn được giao và chịu trách nhiệm toàn diện trước TP về kết quả thực hiện.

Theo kịch bản kinh tế khả quan nhất Đà Nẵng đưa ra, nếu GRDP quý IV tăng 3,46% thì GRDP cả năm 2021 của TP mới tăng 0,11%. Điều này dựa trên tốc độ tiêm phủ vaccine và sự phục hồi của các lĩnh vực kinh tế chủ lực, trong đó công nghiệp- xây dựng tăng 5,05%, dịch vụ tăng 4,45%. Dịch bệnh được kiểm soát, lưu thông hàng hóa, nguyên liệu thuận lợi, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh của TP sẽ là động lực quan trọng để ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh trở lại. Với lĩnh vực dịch vụ, hoạt động vận tải hành khách trở lại trong quý IV cùng với giải pháp kích cầu, thúc đẩy du lịch, mục tiêu tăng 4,45% vẫn có cơ sở. Với đà phục hồi các lĩnh vực kinh tế chủ lực như hiện nay, kỳ vọng kinh tế Đà Nẵng năm 2021 không tăng trưởng âm.

HẢI QUỲNH