Kinh tế Trung Quốc lao dốc

Thứ tư, 20/01/2016 06:55

(Cadn.com.vn) - Tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 25 năm qua đặt thêm nhiều áp lực lên chính quyền Trung Quốc trong nỗ lực khôi phục niềm tin của nhà đầu tư sau những bước đi sai lầm gây rúng động thị trường toàn cầu.

Số liệu thống kê chính thức do chính phủ Trung Quốc công bố ngày 19-1 cho thấy, GDP của nước này năm 2015 tăng 6,9%. Đây là mức tăng trưởng hàng năm thấp nhất của nền kinh tế số 2 thế giới trong 25 năm qua.

Giới phân tích cho rằng, con số tăng trưởng đáng lo ngại này đè nặng áp lực lên chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực khôi phục lại niềm tin của giới đầu tư sau những cú nhảy múa khó chịu trên sàn chứng khoán.

Bên trong một nhà máy lắp ráp ô-tô điện ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Tăng trưởng thấp nhất trong 25 năm qua

Tăng trưởng hàng năm 6,9%, là con số tuyệt vời theo tiêu chuẩn phương Tây, nhưng là mức tăng trưởng thấp nhất của nền kinh tế số 2 thế giới trong 25 năm qua. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là một sự “lao dốc nguy hiểm”.

Số liệu trên, do Cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 7,3% vào năm 2014. Theo báo cáo của NBS, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bị mất nhiều trong tháng 12-2015. Trong đó, sản lượng công nghiệp chỉ tăng 5,9%. Doanh số bán lẻ, chỉ số chủ chốt về mức chi tiêu của người tiêu dùng, tăng 11,1% cũng trong tháng 12-2015. Trong khi đó, thị trường bất động sản đang gặp khó khăn – khiến nhu cầu vật liệu xây dựng từ xi-măng, sắt thép cũng chững lại.

Trong động thái trấn an người dân và giới đầu tư, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, tăng trưởng yếu vẫn “chấp nhận được” miễn là vẫn có đủ việc làm mới cho người dân. Tuy nhiên, rõ ràng, chính quyền nước này đang đứng trước nhiều bài toán khó khăn, trong đó có việc phải tung thêm các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng nhằm xua tan mối lo về nguy cơ “hạ cánh cứng” (tình huống xảy ra khi nền kinh tế một nước nhanh chóng chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp, và sau đó là suy thoái) đối với nền kinh tế.

Hồi tháng 12-2015, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố chính phủ sẽ “xem xét lại” các Cty làm ăn thua lỗ như một phần của những nỗ lực giảm bớt dư thừa công suất trong hệ thống kinh tế. Tuy nhiên, đây sẽ là một quyết định khó khăn vì sẽ dẫn đến hệ quả nhiều Cty tuyên bố phá sản và sa thải nhân viên.

Triển vọng kinh tế toàn cầu

Sau khi chứng kiến những năm tăng trưởng thần tốc, kinh tế Trung Quốc trải qua thời kỳ suy giảm sâu trong 2 năm qua. Xuất khẩu yếu, năng suất nhà máy dư thừa, đầu tư chậm, thị trường bất động sản đóng băng và nợ công cao ngất ngưởng. Tất cả càng khiến kinh tế phủ màu u ám trong bối cảnh Bắc Kinh nỗ lực chuyển đổi từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang mô hình định hướng thị trường.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nỗ lực ngăn đà giảm sút của các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán và “khủng hoảng” tỷ giá đồng nhân dân tệ đã làm dấy lên những lo ngại, kinh tế Trung Quốc càng ngày càng xấu hơn. Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn lẹt đẹt như thế này, đây thật sự sẽ là “thảm họa” đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đang dần chết yểu. Thực tế, tăng trưởng của Trung Quốc luôn được coi là động lực của nền kinh tế toàn cầu và là mối quan tâm lớn đối với các nhà đầu tư trên toàn thế giới.

Sụt giảm tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và Mỹ trong năm nay so với dự báo công bố hồi tháng 10-2015. Trong báo cáo “Triển vọng Kinh tế Thế giới” điều chỉnh công bố hôm 19-1, IMF dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,4 % trong năm 2016, giảm 0,2% so với dự đoán trước đó. Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã quyết định hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 xuống còn 2,9%, thấp hơn 0,4% so với mức dự báo mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 6-2015.

Khả Anh