Kịp thời loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất, đạo đức

Thứ ba, 18/06/2019 07:00

Ngày 17-6, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ban hành Công văn số 219-CV/BCĐTW gửi Ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, về việc rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng. Toàn văn nội dung công văn như sau:

"Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân. Tuy nhiên, tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gợi ý, lót tay, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc vẫn còn diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, mới nhất là vụ việc cán bộ thanh tra của Bộ Xây dựng có hành vi “vòi tiền” trong quá trình thanh tra tại H. Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã gây bức xúc trong dư luận xã hội. Để chấn chỉnh, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo:

1- Rà soát, đánh giá, kịp thời chấn chỉnh, thay thế, loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất, đạo đức, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, đảm bảo những người trực tiếp làm việc trong các cơ quan này phải thực sự liêm chính, trong sạch. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng là phải “chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng”.

2- Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy trình, quy chế hoạt động của các Đoàn thanh tra, kiểm toán đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ, không để sơ hở để thực hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thanh tra, kiểm toán.

3- Đảng ủy Công an Trung ương chỉ đạo khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ vụ việc “vòi tiền” của một số cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng trong quá trình thanh tra tại H. Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

4- Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc bổ nhiệm Phó Trưởng phòng Phòng phòng, chống tham nhũng thuộc Thanh tra Bộ Xây dựng đối với bà Nguyễn Thị Kim Anh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan nếu có sai phạm; báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng (qua Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo) trước ngày 30-6-2019".

l Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Công điện số 724 về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Theo Công điện, gần đây, đã xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong một số lĩnh vực (hải quan, thuế, quản lý thị trường...) và ngay cả trong chính lực lượng chức năng của thanh tra một số địa phương và Bộ, ngành. Dư luận xã hội cũng bức xúc về sự thiếu minh bạch, thiếu kiểm soát, nguy cơ tiềm ẩn tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ của một số lĩnh vực nhạy cảm khác (điều tra, thi hành án, kiểm toán, tổ chức nội vụ...).

Trước tình hình nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp sau:

Quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về phòng chống tham nhũng, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, các chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22-4-2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Người đứng đầu bộ, ngành, địa phương phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng; nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại đơn vị, cơ quan mình thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước; phải coi đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục, lâu dài, đặc biệt quan trọng và lấy làm tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của từng cơ quan, đơn vị.

B.T – TTXVN