KTS Nguyễn Văn Nguyên và Bảo tàng gốm Thanh Hà

Thứ năm, 24/11/2016 10:44

(Cadn.com.vn) - Sinh ra và lớn lên ở làng gốm Thanh Hà, Hội An (Quảng Nam), với tình yêu đất nung và nghề gốm từ thuở bé, chàng thanh niên trẻ tuổi – kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên đã có ý tưởng độc đáo và đầy sáng tạo: khôi phục lại ngành nghề truyền thống ở Hội An, làng nghề gốm Thanh Hà bằng cách xây dựng bảo tàng hay còn gọi là công viên gốm Thanh Hà ở Hội An. Từ Bảo tàng, Nguyên đem vẻ đẹp của gốm Việt, làng gốm Thanh Hà ra giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế.

Một góc triển lãm sản phẩm bên trong Bảo tàng gốm.

Men theo lối đi dọc dòng sông Thu Bồn, từ đường Hùng Vương đến đường Duy Tân thuộc P.Thanh Hà, TP, bạn sẽ gặp một công viên rộng lớn trưng bày nhiều sản phẩm gốm. Đó là công viên gốm Thanh Hà, một công trình kiến trúc do kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên, giám đốc công ty Nhà Việt Corp thiết kế và xây dựng. Làng gốm Thanh Hà là cái tên khá quen thuộc của người dân ở Hội An. Trải qua bao thăng trầm cùng thời gian, làng gốm Thanh Hà ngày nay vẫn còn tồn tại, những ngọn lửa lò gốm vẫn đỏ, những bàn tay con người vẫn nâng niu từng động tác tạo hình cho gốm với bàn xoay, đất sét. Công viên gốm Thanh Hà khởi công xây dựng từ tháng 7-2011 với  tổng kinh phí đầu tư 22 tỷ đồng, khánh thành ngày 30-4-2015, mở cửa bán vé  phục vụ khách du lịch từ tháng 6-2016 trên diện tích rộng lớn đến 6.000 m2. Từ cái nhìn đầu tiên, bạn sẽ thích thú khi nhìn ngắm một tổng thể khá chi tiết và hoành tráng về công viên đất nung Thanh Hà. Trong một công viên rợp bóng cây xanh, Bảo tàng gốm nhô cao với những bức tường xây bằng gạch gợi nhớ đến những đấu trường La Mã cổ xưa ở Hy Lạp. Một hồ nước lớn xây dựng chính diện ở lối vào khuôn viên Bảo tàng được trang trí đẹp mắt bởi sản phẩm gốm, cỏ cây và những khóm sen nở bông tím biếc mang lại cảm giác nhẹ nhàng, thoáng đãng và thư thái cho du khách. Những cây xanh rợp bóng bao quanh công viên gốm như mang lại sức sống và hơi thở cho những sản phẩm gốm được trưng bày sắp đặt nơi đây.

Công viên gốm Thanh Hà có 5 hạng mục chính: khu bảo tàng gốm, khu trưng bày ngoài trời, khu làng nghề Nam Diêu, khu trại sáng tác, khu vực dịch vụ và xúc tiến thương mại. Khu bảo tàng trưng bày quá trình hình thành làng nghề gốm, các hiện vật liên quan đến quá trình phát triển của các làng nghề gốm; Khu trưng bày ngoài trời gồm các tượng gốm lớn, cũng là không gian cảnh quan. Đặc biệt có khu trưng bày các mô hình thu nhỏ của các di sản văn hóa Việt Nam như Thành nội Huế, đền tháp Mỹ Sơn, đặc biệt là di sản Đô thị cổ Hội An. Cạnh đó để làm phong phú thêm còn có các công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới của các nền văn minh như: kim tự tháp, đền panthenon, đấu trường coliseum, khải hoàn môn, tòa thánh Vatican… Khu làng nghề Nam Diêu, hình thành các mô hình sản xuất điển hình của làng nghề gốm như: chuốt hũ bình, khu điêu khắc gốm với làm hàng gốm trang trí nội thất, ngoại thất. Khu trại sáng tác, tổ chức định kỳ các cuộc thi sáng tác dành cho các nghệ sĩ trẻ, người quan tâm đến các sản phẩm về gốm, tạo không gian sáng tạo tối đa. Bên cạnh đó, du khách cũng có thể thử tài, và thực hiện các kỷ vật riêng cho mình. Khu vực dịch vụ và xúc tiến thương mại, trưng bày các sản phẩm sản xuất tại chỗ, hàng thủ công, mặt hàng lưu niệm liên quan đến chất liệu gốm, tạo môi trường xúc tiến thương mại.

Cụ bà nặn gốm ở làng gốm Thanh Hà, Hội An.

Tác giả của Bảo tàng là kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên đã nghiên cứu khá kỹ lưỡng về kiến trúc xây dựng và thiết kế, tạo nên tổng thể hoàn hảo, sống động và đẹp mắt. Một góc của Bảo tàng sinh động như một nốt nhạc. Ở một góc khác thì trầm lắng, u uẩn như ẩn chứa  điều gì sâu kín... Mọi ngóc ngách và lối ra vào Bảo tàng trưng bày dày đặc những sản phẩm gốm tạo nên sự phong phú một ngành nghề truyền thống lâu đời của người Việt. Là một kiến trúc sư trẻ nhưng Nguyễn Văn Nguyên với tình yêu đất nung và làng nghề gốm đã đem những vẻ đẹp nguyên sơ thô mộc từ đất sét vào một bảo tàng kì vĩ, với đầy đủ chi tiết quá trình hình thành và phát triển của nghề gốm ở Hội An. Đặc biệt là những bức tường gốm kéo dài hàng chục mét mô tả cảnh sinh hoạt của nghề gốm và lịch sử nghề gốm, cảnh sinh hoạt thường ngày của người dân lao động TP Hội An như: tưới nước, trồng rau, làng nghề mộc Kim Bồng. Hình ảnh từ những em bé đến cụ già tay nâng niu từng lọ gốm như nói lên lòng hăng say và tình yêu lao động của người Hội An. Nguyên và cộng sự đã khéo léo sắp đặt rất chi tiết từng vị trí bảo tàng, tôn vinh từng nghệ nhân có những đóng góp đặc biệt cho làng gốm Hội An. Từng khoảng không gian nhỏ trong bảo tàng gốm, cầu thang, lối đi... đều  được thiết kế rất độc đáo, cổ kính tạo nên những cảm xúc lan tỏa trong lòng người thưởng ngoạn. Một nét đặc sắc nữa của làng gốm là hình ảnh những bà mẹ già Hội An lưng còng, miệng bỏm bẻm nhai trầu ngồi chắt chiu từng vạt đất sét nhỏ của quê hương để nặn nên hồn dân tộc Việt qua từng sản phẩm như bình hoa, chum vại, con tò he... Ước mơ đẹp của cậu bé làng gốm Thanh Hà năm xưa là đem vẻ đẹp của gốm Thanh Hà ra với bạn bè trong nước và quốc tế đã được toại nguyện. Từ một cậu bé  với hai bàn tay trắng bước ra từ làng gốm Thanh Hà, Nguyên với tình yêu đất sét và gốm ngày nào giờ đã có một gia sản-không chỉ của riêng anh mà cả của Hội An. Nhìn từng đoàn khách du lịch bước xuống từ những chiếc xe du lịch đỗ lại bên cổng công viên gốm Thanh Hà, ta như thấy được làng gốm đang hồi sinh từ đôi bàn tay nhỏ bé và trí óc thông minh của những người dân nơi đây.

Hồng Sơn