Kỳ 2: Phơi bày âm mưu kích động, lôi kéo tầng lớp sinh viên của các thế lực thù địch
Sinh viên - “lực lượng đi đầu, vượt qua thách thức, lập thân lập nghiệp, bảo vệ tổ quốc”; giữ vị trí quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Do đặc điểm nhận thức và tâm lý lứa tuổi nên sinh viên đang là đối tượng mà các thế lực thù địch, phản động tập trung kích động, lôi kéo nhằm thực hiện âm mưu chống phá.
Sinh viên - lực lượng đi đầu, quan trọng
Theo Điều 2 Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT quy định: “Sinh viên được quy định tại quy chế này là người đang học chương trình đào tạo trình độ đại học hệ chính quy tại các cơ sở giáo dục đại học. Sinh viên là trung tâm của các hoạt động giáo dục và đào tạo trong cơ sở giáo dục đại học, được bảo đảm Điều kiện thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền trong quá trình học tập và rèn luyện tại cơ sở giáo dục và đào tạo” [2]. Sinh viên là tầng lớp thế hệ trẻ - những mầm mống quyết định tương lai của đất nước. Bởi vậy vai trò của sinh viên trong việc nhận diện những âm mưu thủ đoạn mới của các thế lực thù địch là vô cùng quan trọng. Sinh viên là bộ phận tri thức, được tiếp cận với thời đại công nghệ hiện đại ngày nay, rèn luyện và đào tạo trong các môi trường chuyên nghiệp, chất lượng cao bởi vậy việc hiểu biết về con người đất nước cũng như gắn liền với quá trình đất nước ngày càng phát triển. Tầng lớp sinh viên luôn là những người tiếp bước cha anh để bảo vệ nền độc lập dân chủ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, là bộ phận duy trì đạo đức, lý tưởng cách mạng của Đảng và Nhà nước để phát huy vai trò cũng như sức trẻ của mình đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của tổ quốc. Thế hệ sinh viên còn là những người đi đầu trong công tác tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng như đấu tranh phòng chống các thế lực thù địch, chống phá nhà nước. Sinh viên còn là những nhà tri thức, khoa học nhỏ với những sáng tạo, linh hoạt trong việc tạo ra các phát minh, hình thức mới hỗ trợ, góp phần đẩy mạnh sự phát triển.
Dòng chảy lịch sử và thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh, từ sau khi Đảng ra đời, các tổ chức Đoàn được thành lập và từ khi các tổ chức sinh viên thống nhất thành Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam (nay là Hội Sinh viên Việt Nam), đến nay sinh viên nước ta luôn ra sức học tập, rèn luyện vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Ngược dòng lịch sử, tháng 7-1955, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I Hội Sinh viên Việt Nam được tổ chức tại thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 244 đại biểu chính thức và 255 đại biểu dự thính của các trường đại học, đại biểu sinh viên miền Nam, đại biểu lưu học sinh ở nước ngoài. Đại hội quyết định thống nhất các tổ chức sinh viên thành Hội liên hiệp sinh viên Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng thông qua sự định hướng chính trị và vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trải qua thăng trầm lịch sử, đông đảo học sinh, sinh viên đã được giác ngộ cách mạng và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ “đoàn kết mọi lực lượng sinh viên cùng với nhân dân cả nước đấu tranh cho hòa bình, độc lập và Thống nhất Tổ quốc” [3]. Sau khi đất nước thống nhất, sinh viên hăng hái tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, xung kích, sáng tạo, cống hiến sức trẻ vào công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp to lớn vào quá trình phát triển đất nước và giữ vững độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.
Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã khẳng định vị trí, vai trò to lớn của sinh viên Việt Nam “các thế hệ sinh viên chính là nguồn nhân lực có chất lượng cao rất quý báu của xã hội ta. Các bạn là lực lượng sẽ có những đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đi đầu chiếm lĩnh những đỉnh cao của khoa học và công nghệ tiên tiến”. Đảng xác định: “sinh viên là một trong những lực lượng quan trọng kế thừa và phát huy thành quả cách mạng của Đảng, của dân tộc, luôn xung kích đi đầu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng các thế hệ thanh niên, sinh viên trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước, mang sứ mệnh khẳng định trí tuệ và tầm vóc Việt Nam với bạn bè thế giới” [4]. Được sự quan tâm, chăm lo, dìu dắt của Đảng, sự định hướng chính trị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và sự đồng hành, hỗ trợ của Hội Sinh Viên Việt Nam, phần lớn sinh viên luôn ý thức được trách nhiệm của bản thân là học tập, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phấn đấu theo mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tích cực tham gia xây dựng Đảng. Đông đảo sinh viên đã chủ động, mạnh dạn đấu tranh với những luận điệu sai trái, thù địch, góp phần làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, các văn kiện của Đảng và của đoàn cũng chỉ ra những hạn chế: “Một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Một số ít thanh niên bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong giới trẻ diễn biến phức tạp” [5]; “Một số ít sinh viên còn thờ ơ về chính trị, sống thiếu lý tưởng, lệch lạc về quan điểm sống, dễ bị ảnh hưởng của những trào lưu không phù hợp với thuần phong mỹ tục, không lành mạnh, mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Không ít sinh viên thiếu ý chí phấn đấu, không tích cực học tập, thiếu kỹ năng thực hành xã hội, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động sau khi ra trường” [6]. Đặc biệt phải kể đến “căn bệnh ngại học” các môn lý luận chính trị của một bộ phận sinh viên. Qua khảo sát trong một nghiên cứu gần đây của giảng viên và học viên Trường Đại học An ninh nhân dân, sinh viên hệ Chính quy của hai trường Đại học An ninh nhân dân và Đại học Cảnh sát nhân dân, có 41.4% trong tổng số 671 sinh viên đồng ý rằng chỉ có một số môn học Lý luận chính trị tạo được cảm giác có hứng thú nghiên cứu, học tập, tỉ lệ sinh viên học đối phó, cảm thấy chán nản, không hứng thú học tập còn cao, chiếm 28.7% trong tổng số 671 sinh viên. Ngoài ra, thói quen học tập chủ yếu dựa vào cách ghi chép và tiếp thu kiến thức thụ động từ giáo viên ở bậc phổ thông, khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài liệu, giáo trình môn học mang tính hàn lâm, trừu tượng… cũng là một số những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sinh viên khó tiếp thu các môn lý luận chính trị. Những hạn chế, bất cập đó đã và đang ảnh hưởng xấu đến chất lượng, hiệu quả công tác củng cố lập trường tư tưởng, giáo dục lý tưởng cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho sinh viên; đến công tác xây dựng Đảng.
Âm mưu kích động, lôi kéo sinh viên
Các thế lực thù địch luôn nhắm vào đối tượng sinh viên, vì sinh viên là thế hệ trẻ đang tiếp thu những quan điểm của Đảng và Nhà nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Theo đó, chúng luôn hướng mũi tên vào sinh viên để gieo những luận điểm xuyên tạc, bịa đặt, sai trái về quan điểm của Chủ nghĩa Mác- Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, sinh viên có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đặc biệt cần đấu tranh triệt để trên mọi lĩnh vực không để chúng có thời cơ hoạt động. Sinh viên cũng là thế hệ dễ thích nghi với sự phát triển của đất nước nói chung và công nghệ 4.0 nói riêng. Vai trò của sinh viên càng quan trọng khi phải nhận diện các thế lực thù địch âm mưu chống phá Đảng. Đồng thời ngăn chặn không để chúng có cơ hội lan truyền rộng rãi đến người dân, khiến người dân có những nghi ngờ không đúng về những quan điểm của Đảng.
Với hàng loạt thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, các thế lực thù địch muốn phủ nhận vai trò thanh niên nói chung, sinh viên nói riêng đối với sự nghiệp cách mạng bằng cách đăng tải thông tin sai sự thật hoặc sai về bản chất lên các trang mạng xã hội để tạo ra các cuộc “Cách mạng màu” và đánh lừa người đọc. Hơn hết, các luận điệu xuyên tạc mà chúng đưa ra nhằm hạ thấp vai trò, chức năng, nhiệm vụ, uy tín của các tổ chức thanh niên, sinh viên; làm giảm uy tín của các tổ chức thanh niên, sinh viên, tác động đến niềm tin của giới trẻ. Ngay khi sinh viên trở thành đối tượng bị nhắm tới, các thể lực thù địch đã trực tiếp xâm nhập vào các ký túc xá, giảng đường, đến các hội thảo khoa học, sinh hoạt hướng nghiệp... nhằm lôi kéo, kích động, tụ tập đông người, phản ứng tập thể, tạo ra các hiệu ứng đám đông tiêu cực... nhằm tạo ra sự bất ổn về chính trị, tư tưởng trong sinh viên. Thông qua các chương trình học bổng, hội thảo quốc tế, chúng còn tiếp xúc, lôi kéo số du học sinh ở nước ngoài tham gia các tổ chức phản động lưu vong; các tổ chức tôn giáo trá hình; lôi kéo du học sinh tụ tập đông người, phản ứng tập thể hoặc biểu tình gây rối.
Mặt khác, lợi dụng sự tò mò, mong muốn tìm tòi những điều mới của thế hệ trẻ, kinh nghiệm sống, sự trải nghiệm thực tiễn còn hạn chế, phần lớn sinh viên chưa đủ năng lực để nhận diện các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, lập trường chưa vững vàng, vẫn còn dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông nên hành vi còn bột phát, thiếu suy xét. Vì vậy, sinh viên là đối tượng thường bị các phần tử xấu nhắm đến để dụ dỗ, kích động, lợi dụng để gây bạo loạn, biểu tình, lan truyền những thông tin tiêu cực, mang tính phản động. Với nhiều thủ đoạn mới, các thế lực thù địch thông qua các “công cụ” như truyền hình, sách báo và nhất là hệ thống Internet mà đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội để phục vụ cho âm mưu của chúng. Các thế lực thù địch đã tận dụng triệt để khả năng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo, Instagram, Tiktok... để phát tán các tin phản động, châm ngòi cho các cuộc “Cách mạng màu” trên mạng xã hội. Chúng bịa đặt, lan truyền những thông tin sai lệch, hướng dư luận theo tư tưởng cực đoan, kích thích sự tò mò, lôi kéo thanh niên, sinh viên vào diễn đàn do chúng quản lý rồi đăng tải và bình luận theo hướng tiêu cực để làm “chuyển hóa” trong suy nghĩ và tư tưởng của thanh niên, sinh viên. Chiến lược “Diễn biến hòa bình” được các thể lực thù địch triển khai thực hiện theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, “nội công, ngoại kích”. Chúng ra sức xuyên tạc với mục đích làm suy giảm niềm tin, tạo ra trong thế hệ trẻ một không có về mục tiêu lý tưởng, vô ơn với lịch sử, truyền thống và thành tựu của cách mạng. Chúng lợi dụng các sự kiện xã hội, các vấn đề nóng để thổi phồng, xuyên tạc, nhằm tạo ra những cuộc tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội và các diễn đàn, từ đó làm phân hóa khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Không thể không nhắc đến câu chuyện đáng tiếc của nam sinh viên Nguyễn Viết Dũng, tự là Dũng Phi Hổ sinh năm 1986 trong một gia đình thuần nông tại Nghệ An. Bản thân Nguyễn Viết Dũng là một người rất ham học như bao người con xứ Nghệ khác, tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia và cũng đã đậu vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội (năm 2004) với số điểm rất cao. Tuy nhiên, trong suốt thời gian học ở Hà Nội, Dũng lại có thái độ tự mãn với những gì mình đã làm được, chơi bời lêu lổng, bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo, cho rằng mình là thiên tài, học hành ở môi trường này không xứng đáng với tầm cỡ của Dũng. Chính những tư tưởng lệch lạc này đã khiễn Dũng bày tỏ thái độ bất mãn trong học hành, thường xuyên bỏ học, nợ môn và cuối cùng y cũng đã bị đuổi học vào năm 2006. Sau khi bị đuổi học, Dũng càng bày tỏ thái độ bất mãn và tiến hành các hoạt động phản động, liên lạc với bè lũ “ăn không ngồi rồi” và thực hiện các hoạt động chống phá. Tại quê nhà, Dũng đã tự treo cờ của Việt Nam cộng hòa lên nóc nhà mình, ăn mặc quần áo của quân đội Việt Nam cộng hòa, lập ra cái gọi là Đảng Cộng hòa và Quân lực Việt Nam cộng hòa do Dũng làm Chủ tịch lâm thời. Sau này, Dũng bị lực lượng chức năng bắt vì tội gây rối trật tự công cộng. Sau khi ra tù, Dũng lại tiếp tục kích động bè lũ thực hiện các hoạt động chống phá đất nước khiến dư luận hết sức phẩn nộ.
Đáng lo ngại hơn, một số sinh viên do thiếu kinh nghiệm sống và nhận thức chưa đầy đủ mà dễ dàng bị cuốn vào những cuộc tranh luận vô bổ, thậm chí tham gia vào các hoạt động trái pháp luật. Thời gian gần đây có thể kể đến vụ việc em C.N.Q.V - thí sinh nổi bật tại Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24 có phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận. Xác định đây là bài viết có tính chất nhạy cảm diễn ra vào dịp Quốc khánh 2/9, Công an tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ tiến hành mời C.N.Q.V đến trụ sở Công an phường Yên Thịnh, TP Yên Bái để làm việc với sự chứng kiến của mẹ và cô giáo chủ nhiệm. Tại buổi làm việc, Công an tỉnh Yên Bái cùng giáo viên chủ nhiệm, gia đình đã giải thích rõ để em nhận thức về Đảng, Nhà nước, lịch sử dân tộc, thuyết phục C.N.Q.V nêu rõ vấn đề và nhận thức lại về các nội dung trên. Sau khi làm việc với lực lượng Công an, nam sinh nhận thức được hành vi của mình là trái với quy định pháp luật, tuy nhiên do hiểu biết còn hạn chế dẫn đến thực hiện hành vi trên.
Những cá nhân trên không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến bản thân mà còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của sinh viên, thanh niên Việt Nam. Theo đó, cách tốt nhất để chống lại mọi đòn tấn công đến tầng sinh viên, thanh niên của kẻ thù là phải tập trung xây dựng môi trường lành mạnh, giáo dục đạo đức, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm nhằm tăng cường “sức đề kháng” cho sinh viên trước âm mưu lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch là yêu cầu đặt ra cấp thiết trong giáo dục hiện nay.
-----------------------------
[1] Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ 2018 – 2023.
[2] Xem: Theo Điều 2 Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT.
[3] Nhiệm vụ được đề ra trong Đại hội lần thứ nhất Hội sinh viên Việt Nam, tháng 7-1955 tại Hà Nội.
[4] Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X, ngày 10-12-2018.
[5] Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24-3-2015, của Ban Bí thư, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030”.
[6] Văn kiện Đại hội X, nhiệm kỳ 2018 - 2023, của Hội Sinh viên Việt Nam.
THANH HOÀNG - QUỲNH CHI
Dòng sự kiện:Đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc
Truy tố bị can Trần Đình Triển
Phạt TikToker Phạm Đức Tuấn 30 triệu đồng vì xúc phạm danh nhân
Phản bác luận điệu xuyên tạc công cuộc cải cách, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
Xử phạt đối tượng đăng tải nội dung xuyên tạc, xúc phạm đến lực lượng Công an
Quảng Nam, khởi tố đối tượng xúc phạm lãnh tụ