Phận sự không của riêng ai

Kỳ 2: Sự đánh đồng nguy hiểm

Thứ bảy, 22/06/2024 10:05

Trong cuộc trao đổi của RFA tiếng Việt ngày 19-1-2024 chúng tôi đề cập ở kỳ trước, ngoài Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, cựu Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội TP Đà Nẵng, còn có hai vị học giả tiếng tăm nữa, là nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc và Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương.

BBC tiếng Việt làm chương trình về sự kiện 50 năm hải chiến Hoàng Sa. Nguồn: Youtube. Ảnh chụp từ màn hình.
Cuộc trao đổi giữa Đài RFA tiếng Việt về vấn đề Biển Đông ngày 19-1-2024. Nguồn: Youtube. Ảnh chụp từ màn hình.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng: “Tất cả chiến sĩ của Việt Nam cộng hòa (VNCH) đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa đều phải được tôn trọng, được coi như là những người anh hùng của dân tộc đã ngã xuống để bảo vệ độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chứ không phải là ta hay là địch”. Ủng hộ ý kiến này, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn cho rằng: “Anh Đinh Kim Phúc nói rất hay, đó là, máu của người Việt Nam đổ xuống bảo vệ cho Tổ quốc chúng ta, tuy nhiên cái máu đó cũng bên nặng bên nhẹ”.

Hàm ý “máu đó cũng bên nặng bên nhẹ” mà những người tham gia cuộc trao đổi chính là so sánh 74 sĩ quan, binh lính VNCH tử trận ở Hoàng Sa năm 1974 với 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh tại Gạc Ma năm 1988. Ngày 14-3-1988, diễn ra trận chiến quyết liệt của các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam để bảo vệ các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao trên quần đảo Trường Sa. Trong trận chiến này, 64 cán bộ, chiến sĩ chiến đấu và anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đây đích thị là thủ đoạn đánh tráo khái niệm, trắng đen lẫn lộn, như một luận điểm đã từng được nêu ra, rằng bà mẹ nào mất con cũng đau xót như nhau, nên Mẹ Việt Nam anh hùng thì cũng giống như bao bà mẹ mất con khác.

Ở tầm trí tuệ này, đối với người bình thường như chúng tôi mà nói, chưa đủ sức hình dung.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam luôn đề cao tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc - thậm chí nói đến hòa hợp, hòa giải vào lúc này dường như cũng đã lạc hậu lắm rồi, bởi lẽ nó đã trở thành điều hiển nhiên, không bàn cãi. Thế nhưng, sự kiện lịch sử thì không thể nào thay đổi được. Sự thật là, hải quân VNCH, kể cả tàu chiến tham gia hải chiến Hoàng Sa năm 1974 (HQ4, HQ5, HQ10, HQ16) là lực lượng tay sai của thế lực ngoại bang, đế quốc, từng ra sức tìm diệt “tàu không số” của quân giải phóng. Thiết nghĩ, trước thực tế đó, để đạt được đòi hỏi của mình, có lẽ, trước hết, quý vị tham gia cuộc trao đổi của RFA tiếng Việt hãy hỏi ý kiến của thân nhân các gia đình liệt sĩ hy sinh trên Biển Đông suốt hai mươi năm từ 1954 - 1975 xem tất cả họ có đồng ý hay không; đồng thời, quý vị hãy dựng tượng đài anh hùng liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Cali xem có được không, thử xem sao(!?).

Nhân đây, chúng tôi cũng muốn nhắc lại, từ nhiều năm qua, chính quyền TP Đà Nẵng luôn giữ mối liên lạc, thăm hỏi, động viên những người từng phục vụ trong chế độ VNCH có thời gian làm việc tại Hoàng Sa; không ai trong số họ bị lãng quên, hắt hủi, thậm chí còn được ưu ái hơn rất nhiều trường hợp khác. Đó là nghĩa cử cao thượng, hành xử theo đạo lý “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại” của dân tộc Việt Nam. Nhưng suy tôn Hải quân VNCH là anh hùng dân tộc, đánh đồng những sĩ quan, binh lính tử trận ở Hoàng Sa năm 1974 với những anh hùng liệt sĩ Gạc Ma 1988 là chuyện hoang đường, như giới trẻ ngày nay thường nói: “Được voi đòi... Hai bà Trưng”!

Trở lại cuộc thảo luận, sau màn tung hứng của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc và Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, đến lượt Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương lên tiếng. Tiến sĩ Trương đi xa hơn, cho rằng, nếu bỏ qua vấn đề tình cảm, có thể công nhận rằng đã từng có 2 nước Việt Nam song song tồn tại và đã có một nước Việt Nam bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa, nếu chúng ta chấp nhận việc đó thì lập luận của chúng ta trước quốc tế vững chãi hơn!?

Ngắn gọn, súc tích nhưng ngụ ý của Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương không hề đơn giản. Đó chính là cách thức công nhận sự chính danh của chế độ VNCH, một chế độ tay sai không hơn không kém. Chưa nói đến những hệ quả khôn lường của việc làm mạo hiểm trên, xin hỏi Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương, trên thực tế, một chế độ tay sai đã cáo chung khỏi lịch sử nửa thế kỷ, có ký lô trọng lượng nào trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay hay không?, hay đó chỉ là trò chơi của những kẻ cơ hội, xét lại mà thôi?

Về nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, theo Báo Bình Phước Online, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của đài RFA tiếng Việt chủ đề “Lịch sử là môn tự chọn có thu hút được học sinh?”, ông cho rằng: “Khi học sinh làm bài thi là trả lại những gì thầy cô đã dạy thì cũng nên cho học sinh tự chọn hoặc bỏ luôn môn Lịch sử. Vì việc này chẳng ảnh hưởng gì đến sự phát triển nhân cách của học sinh”.

Tác giả Thảo Linh trên Báo Bình Phước Online nhận xét: “Đọc đến đây, hẳn nhiều người sẽ nghĩ, có thể việc này chẳng ảnh hưởng gì đến sự phát triển nhân cách của học sinh, nhưng rõ ràng phải đặt một dấu hỏi to tướng về nhân cách của “nhà nghiên cứu lịch sử” Đinh Kim Phúc. Nếu ông ta thực sự “trăn trở” về cách dạy môn Lịch sử khiến môn này trở nên nhàm chán đến mức Bộ GD-ĐT phải nhiều lần có những cách giải quyết (nhưng vẫn chưa thấu đáo) thì ông cũng không nên “xổ toẹt” như thế! Tự nhận mình là “nhà nghiên cứu lịch sử”, chẳng nhẽ ông lại đứng ngoài để ngó lơ và hễ khó thì bỏ luôn chứ không có trách nhiệm gì để làm cho môn Lịch sử bớt nhàm chán!? (Trích “Đừng vì “trăn trở” mà giẫm đạp lịch sử”, Báo Bình Phước Online, ngày 7-6-2022).

Về Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương, trang facebook của Đài RFA tiếng Việt có trích dẫn một luận điểm của ông: “Theo tôi, Hoa Kỳ có chiến lược dù không trường kỳ đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nếu như nói đó là một sự giật mình nhẹ từ phía Hoa Kỳ thì cũng không sai. Đối với ASEAN, sự hiểu biết và cảm nhận về Trung Quốc là khá tốt và trong đó Việt Nam là nước có sự chuẩn bị đón nhận sự việc này. Tuy vậy, sự dàn trải của nhiều vấn đề trong sự trỗi dậy này của Trung Quốc cũng khiến chính giới và các bên quan tâm có phần bị động. Điều tệ hại nhất không phải là tiêu cực, chủ quan (bị động) hay tích cực (chủ động) mà là sự e sợ không đáng có của một số thành phần trong chính giới và doanh giới VN” (facebook Đài Á Châu Tự Do, ngày 22-9-2019).

Thưa Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương, dân thường như chúng tôi cứ tưởng, những kẻ mang tâm lý sợ hãi trước ngoại bang đã bỏ chạy hết rồi! “Một số thành phần trong chính giới và doanh giới” còn có tâm lý “e sợ không đáng có” là ai, xin vạch mặt chỉ tên để Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam biết mà chấn chỉnh. Hay đó chỉ là võ đoán, tệ hại hơn, nhại lại lời lẽ chống cộng cũ rích của các thế lực thù địch, hoặc giả, chính là Tiến sĩ đang nói lên tâm sự của mình chăng?

Vài chi tiết trên đây hẳn cũng phần nào giúp bạn đọc hiểu thêm logic của các nhà khoa học tài giỏi của chúng ta, góp phần lý giải vì sao họ cùng nhau tung hứng về chủ đề hải chiến Hoàng Sa của RFA tiếng Việt.

BBC tiếng Việt làm chương trình về sự kiện 50 năm hải chiến Hoàng Sa. Nguồn: Youtube. Ảnh chụp từ màn hình.

Trở lại câu chuyện nhóm người đến Nhà trưng bày Hoàng Sa ở kỳ trước, có một hình ảnh khá khôi hài: Nhóm người giăng băng rôn đứng chụp ảnh ngay trước hiện vật trưng bày ngoài trời, là tàu cá số hiệu ĐNA TS 90152 của ngư dân Đà Nẵng. Chính con tàu này, vào năm 2014, đã dũng cảm vươn khơi bám biển, kề vai sát cánh cùng các lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam trong vụ tàu Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. Xin thưa quý vị giăng băng rôn và những diễn giả của RFA tiếng Việt đáng kính, ngư dân tàu ĐNA TS 90152 họ không lớn tiếng hô hào, không huênh hoang, ta đây gì cả, họ chỉ biết có mặt đúng nơi, đúng lúc khi Tổ quốc cần đến mà thôi.

Và, thưa quý vị, theo tầm nhìn thiển cận của chúng tôi, trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, từ những ngư dân ngày đêm bám biển, công nhân trong nhà máy, người ở đồng bằng, ven biển, biên cương, hải đảo, bà con Việt kiều ở xa Tổ quốc đến các chiến sĩ trên tuyến đầu hay lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, đoàn thể..., ai ai cũng có phận sự của mình cả, đâu có riêng gì quý vị mới có phận sự! Huống hồ, cách thức của quý vị chưa biết đem đến lợi ích gì hay không, chứ chúng tôi đồ rằng, thế lực ngoại bang, thù địch ngày đêm rình mò, kiếm cớ phá hoại công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa lẫn một số kênh tiếng Việt rẻ tiền ở nước ngoài, chắc là ưng ý với quý vị lắm lắm.

Nguyên An – Thanh Tú