"Kỳ án" thương nhân có thuật phân thân?

Thứ sáu, 04/12/2015 11:39

(Cadn.com.vn) - Do 2 bên đương sự đều kháng cáo bản án sơ thẩm TAND TP Đông Hà đã tuyên nên cuối tháng 11-2015, TAND tỉnh Quảng Trị xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn là ông Phạm Thanh (1967, trú  TP Đà Nẵng) và bị đơn là ông Hoàng Đức Dục (trú TP Đông Hà, Quảng Trị). Trước phiên phúc thẩm, VKSND tỉnh Quảng Trị cũng có kháng nghị một số nội dung bản án nhưng sau đó đã rút kháng nghị. Khi tòa phúc thẩm tuyên y án, ông Thanh cho biết tiếp tục khiếu nại yêu cầu xem xét lại bản án theo thủ tục Giám đốc thẩm để đòi lại công bằng cũng như số tiền hàng tỷ đồng thuộc về mình...

"Lật kèo"

Năm 2006 và năm 2007, ông Thanh và ông Dục thỏa thuận về việc ông Dục mua gỗ từ Lào về Việt Nam bán cho ông Thanh và ông Thanh đã đưa cho ông Dục tổng cộng 475.000 USD. Nhưng sau đó, ông Dục gặp rủi ro nên không có gỗ để giao như cam kết, 2 bên thống nhất chuyển số tiền trên thành tiền cho ông Dục vay. Ngày 15-9-2008, ông Dục viết biên bản xác nhận nợ ông Thanh 475.000 USD và cam kết thế chấp tài sản vay tiền để trả gốc và lãi 3% tháng cho ông Thanh trước ngày 30-11-2008. Quá thời điểm trên, ông Dục vẫn chưa trả hết nợ nên ngày 19-9-2010, tại TP Đông Hà, ông Dục tiếp tục viết biên bản xác nhận còn nợ ông Thanh 123.000 USD, chưa tính lãi, và cam kết trả vốn trong năm 2010.

Bản nhận nợ và cam kết trả nợ của ông Dục năm 2008 và bản kê các đợt trả tiền của ông Dục
đến ngày 17-1-2009.

Sau thời gian "chốt" nợ quá lâu mà ông Thanh vẫn không nhận được tiền như cam kết nên đầu năm 2013 đã có đơn tố cáo lên CQĐT CA Quảng Trị. Giải quyết vụ việc, CA Quảng Trị thực hiện lấy lời khai, đối chất giữa ông Thanh và ông Dục và xác định đây là vụ án dân sự nên ông Thanh tiếp tục khởi kiện ra TAND TP Đông Hà. Đến tháng 7-2015, vụ án được TAND TP Đông Hà đưa ra xét xử. Trước đó, ông Thanh đã rút một phần khởi kiện yêu cầu về tiền lãi (hàng trăm ngàn USD) chỉ còn yêu cầu về tiền gốc gồm 118.000 USD (tương đương hơn 2,5 tỷ đồng). Ông Thanh "chốt" 118.000 USD là do có trừ 5.000USD liên quan đến thực bán 30m3 gỗ nhận gián tiếp.

Theo tường trình của nguyên đơn, số tiền mà ông Thanh nhận của ông Dục trả gồm: ngày 22-11-2008 là 1 tỷ đồng; ngày 24-11-2008 là 1 tỷ đồng; ngày 16-1-2009 là 1 tỷ đồng; ngày 17-1-2009 là 500 triệu đồng; ngày 24-1-2009 là 1,6 tỷ đồng; ngày 11-2-2009 là 50.000 USD; 1 lần khác trong tháng 2-2009 là 10.000 USD (không có giấy nhận). Ông Thanh khai trong các khoản trên thì số tiền ngày 24-11-2008 và ngày 16-1-2009 do bà Lê Thị Ngọc Bích (vợ ông Dục) chuyển qua tài khoản ngân hàng theo chỉ định của ông Dục, chiều cùng ngày gửi, ông Thanh đều rút ra tại Đà Nẵng. Ngày 17-1-2009, tại TP Đông Hà, ông Thanh viết giấy nhận tiền với nội dung xác nhận có nhận của ông Dục những đợt cụ thể trên. Cộng tất cả các lần trả trên và quy đổi ra USD thì ông Dục còn nợ 123.000 USD và đến tháng 9-2009, ông Dục viết bản "chốt" nợ là 123.000 USD như đề cập.

Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, ông Dục cho rằng không còn nợ nần gì, ngoài số tiền ông đã trả có giấy nhận tiền của ông Thanh thể hiện ngày 17-1-2009 còn có lô gỗ 30m3 cùng với khoản 2 tỷ đồng bà Bích chuyển qua tài khoản ngân hàng chưa được tính vào. Ông Dục khai rằng, ngày 24-11-2008 và ngày 16-1-2009, chính ông lần lượt trả cho ông Thanh 2 tỷ đồng, không liên quan đến khoản bà Bích chuyển qua tài khoản. Tức là, theo ông Dục, trong 2 ngày 24-11-2008 và ngày 16-1-2009, ông Thanh nhận tổng cộng 4 tỷ đồng nhưng khi lập biên bản nhận này, ông "quên" mất 2 tỷ đồng đã bảo vợ chuyển trả cho ông Thanh. Để chứng minh điều đó, ông Dục viện dẫn giấy nhận tiền mà ông Thanh viết ngày 17-1-2009 không có phần nào ghi do bà Bích chuyển khoản.

Bản chốt nợ còn 123 ngàn USD vào tháng 9-2010.

Phân thân đi trả nợ

Quá trình xét xử, TAND TP Đông Hà cũng "chốt" lại giấy nhận tiền ghi ngày 17-1-2009 không có nội dung nào thể hiện số tiền 2 tỷ đồng được rút ra tại ngân hàng do bà Bích chuyển vào. Do đó xác định số tiền 2 tỷ đồng bà Bích chuyển cho ông Thanh không phải số tiền ghi trong giấy nhận tiền và nằm ngoài số tiền ông Dục đã trả. Sau khi cộng 2 tỷ đồng "dôi" ra này cùng với một khoản tiền gỗ 30m3 hơn 15.000 USD khác, Tòa tuyên ông Dục chỉ phải trả cho ông Thanh số tiền hơn 340 triệu đồng...

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Thanh tiếp tục trình bày những mâu thuẫn, khai nại của ông Dục, đặc biệt khoản tiền 2 tỷ đồng vào các ngày 24-11-2008 và 16-1-2009. Khi HĐXX hỏi địa điểm ông Dục đã trả cho ông Thanh? Ông Dục trình bày trao ở Việt Nam nhưng không nhớ thời gian, địa điểm cụ thể. Khi được hỏi vì sao khi "chốt" nợ còn 123.000 USD, diễn ra rất lâu sau khi ông Dục chỉ định cho vợ chuyển ngân hàng gửi trả ông Thanh lại không đưa vào. Ông Dục trình bày do chỉ nhớ loáng thoáng (?!) nên chưa đưa vào.

Nhưng điều lạ nhất trong vụ án này rơi vào một chứng cứ đã có trong hồ sơ của TAND TP Đông Hà nhưng bị... bỏ quên. Đó là liên quan đến khoản 2 tỷ đồng (ngày 24-11-2008 và ngày 16-1-2009) mà ông Dục khẳng định giao tiền cho ông Thanh ở Việt Nam (không rõ địa điểm) đã được Tòa chấp nhận. Ông Thanh viện dẫn cụ thể hộ chiếu của Dục đã thể hiện rõ từ ngày 11-1-2009 làm thủ tục xuất cảnh sang Lào tại ĐBP Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và đến ngày 20-1-2009 mới về Việt Nam. Như vậy, cùng một thời điểm mà ông Dục vừa ở Lào vừa có mặt tại Việt Nam trả tiền cho ông Thanh (?). Khó hiểu là, cấp phúc thẩm cũng bỏ qua mấu chốt này, tuyên y án sơ thẩm.

B.Hà