Kỳ án "tống tiền" doanh nghiệp tại Quảng Trị: Vì sao VKSND Tối cao kháng nghị điều tra lại?
(Cadn.com.vn) - Vụ án Hồ Văn Quang (1976) và Hồ Văn Rời (1990, đều trú xã Pa Tầng, H. Hướng Hóa, Quảng Trị) tống tiền Cty CP Cao su Khe Sanh được TAND H. Hướng Hóa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Quang 36 tháng tù, Rời 30 tháng tù về tội "Cưỡng đoạt tài sản".
Vụ án được tóm tắt như sau: Cty CP Cao su Khe Sanh được UBND tỉnh Quảng Trị cấp phép thực hiện dự án (DA) đầu tư trồng cao su tại xã Pa Tầng. Ngày 20-9-2012, Cty triển khai nhân công, thiết bị vào thôn Hun, xã Pa Tầng khai hoang đất thực hiện DA. Biết chuyện, Quang và Rời cùng nhiều thanh niên mang theo hung khí đến khống chế, ngăn cản không cho làm.
Tháng 1-2013, Cty tiếp tục đưa người và phương tiện vào thôn Hun để khai hoang thì Quang và Rời cùng một số người dân trong thôn đến gặp một số cán bộ trực tiếp thực hiện ra điều kiện: ngoài việc Cty san ủi 13ha đất cho bà con, làm đường và tuyển công nhân là người trong thôn khi có nhu cầu, ngoài ra Cty phải đưa cho Quang và Rời 200 triệu đồng. Qua thương thuyết, phía Cty chấp nhận sẽ đưa 50 triệu đồng cho Quang và Rời. Ngày 30-3-2013, cả hai đến Cty nhận tiền thì bị CA bắt quả tang.
Quang và Rời tại phiên tòa. |
Thế nhưng các bị cáo đều cho rằng mình bị oan nên kháng cáo và được TAND tỉnh Quảng Trị xét xử phúc thẩm vào cuối năm 2013. Qua thẩm vấn công khai và xét toàn diện chứng cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án, HĐXX tòa phúc thẩm nhận thấy: 2 bị cáo có hành vi ngăn cản nhưng chưa có hành vi đe dọa, cưỡng đoạt. Quang và Rời tác động đến 2 cán bộ kỹ thuật mà không thực hiện đe dọa trực tiếp người quản lý tài sản là người đứng đầu Cty. Đặc biệt, căn cứ vào 2 biên bản thỏa thuận được lập vào ngày 21-1-2013 giữa Cty và hai bị cáo về việc DA vào làng, Cty có thỏa thuận hỗ trợ san ủi, làm đường và nhận người của bản làm công nhân.
Bản thứ 2 được lập ngày 30-3-2013 là giấy nhận tiền 50 triệu đồng, Quang và Rời thỏa thuận không để cho dân phá Cty, biên bản lập tại văn phòng Cty. Vì vậy, HĐXX tòa phúc thẩm chấp nhận đơn kháng cáo của Quang và Rời, tuyên không phạm tội "Cưỡng đoạt tài sản", hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ vụ án và trả tự do ngay tại tòa. Phiên xét xử này được Báo Công an TP Đà Nẵng phản ánh chi tiết trong bài viết: "Phúc thẩm vụ án "Cưỡng đoạt tài sản" tại Quảng Trị: Tòa tuyên trắng án!".
Những tưởng phiên xét xử phúc thẩm của TAND tỉnh Quảng Trị đã là phán quyết cuối cùng đối với vụ án trên nhưng mới đây, TAND Tối cao bất ngờ có Kháng nghị số 28/2014/KN-HS đối với vụ án này. Theo đó, kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm và đề nghị Tòa Hình sự TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Quảng Trị và bản án hình sự sơ thẩm của TAND H. Hướng Hóa về phần tội danh, hình phạt, chuyển hồ sơ vụ án cho VKSND Tối cao để điều tra lại theo thủ tục chung. Kháng nghị số 28 hủy luôn hai phán quyết trái nhau trước đó khiến dư luận bội phần thắc mắc.
Biên bản thỏa thuận giữa người dân và đại diện Cty về một số điều kiện khi triển khai dự án. |
Theo TAND Tối cao, Tòa cấp phúc thẩm chưa có cơ sở vững chắc khi cho rằng Quang và Rời lấy 50 triệu đồng của Cty CP cao su Khe Sanh là do có sự thỏa thuận từ trước với Cty (dù thỏa thuận này không phù hợp với quy định của pháp luật), không có chứng cứ chứng minh 2 bị cáo đã đe dọa, uy hiếp để chiếm đoạt tài sản. Đối với cấp sơ thẩm, xét xử 2 bị cáo về tội "Cưỡng đoạt tài sản" nhưng chưa làm rõ được thỏa thuận của 2 bị cáo với Cty về số tiền 50 triệu đồng nên cần điều tra lại để làm rõ một số vấn đề.
Cụ thể trong quá trình điều tra, Quang và Rời đều khai có đòi Cty đưa 50 triệu đồng thì mới cho thực hiện dự án tại thôn Hun. Tuy nhiên, tại cả 2 phiên tòa sơ và phúc thẩm, 2 bị cáo cho rằng Cty đồng ý cho bị cáo 50 triệu đồng để thuyết phục bà con trong thôn không cản trở Cty nhưng những mâu thuẫn trong lời khai này chưa được làm rõ. Về việc Cty CP cao su Khe Sanh đưa 50 triệu đồng cho 2 bị cáo và viết "Giấy nhận tiền" ngày 30-3-2013 nhằm mục đích gì? Tại sao Cty phải đưa cho Quang và Rời khoản tiền này, nếu không đưa thì Cty có bị gây khó khăn trong việc thực hiện dự án hay không cũng cần phải điều tra làm rõ?
Bên cạnh đó, TAND Tối cao cũng yêu cầu làm rõ những hành vi khách quan của Quang và Rời, có việc dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần của những người phía Cty khi thực hiện dự án hay không để dẫn đến việc thỏa thuận của Cty cho các bị cáo số tiền trên. Tòa cấp phúc thẩm nhận định thỏa thuận này không phù hợp với quy định của pháp luật nhưng cũng không làm rõ tại sao Cty phải đưa tiền cho Quang và Rời. Việc điều tra làm rõ những vấn đề trên là hết sức cần thiết trong việc xem xét trách nhiệm của Quang và Rời.
Ngày 30-7-2014, qua trao đổi, Thẩm phán Nguyễn Đức Tân, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm vụ án trên tái khẳng định các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và qua thẩm vấn công khai không đủ cơ sở để buộc tội Quang và Rời phạm tội "Cưỡng đoạt tài sản". Như vậy, một lần nữa "kỳ án" này được kéo dài và không chỉ 2 bị cáo mà dư luận Quảng Trị rất chờ đợi kết quả từ VKSND Tối cao.
Bài, ảnh: Bảo Hà