Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Tạo điều kiện cho báo chí phát triển lành mạnh
(Cadn.com.vn) - Ngày 26-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại; biểu quyết thông qua Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; thảo luận về dự án Luật báo chí (sửa đổi ).
Thảo luận về dự án Luật báo chí (sửa đổi), các đại biểu nhận định dự án luật trình Quốc hội lần này có nhiều điểm mới về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí. Dự án luật cũng mở rộng và quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; bổ sung một số quy định mới về tổ chức báo chí; lựa chọn luật hóa những quy định trong các văn bản dưới luật về thông tin trên báo chí, thẻ nhà báo, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú... đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật nhằm tăng tính khả thi của Luật.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Hồng Thắm cho rằng còn một số quy định trong dự án Luật chưa rõ ràng, cần quy định cụ thể, chi tiết, tránh để quá nhiều nội dung ủy quyền cho Chính phủ và Bộ TT&TT. Đại biểu Hà Minh Huệ đề nghị dự án Luật cần tiếp tục sửa đổi để tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho báo chí phát triển, phát huy ưu điểm, tính sáng tạo, tính trách nhiệm của báo chí, không nên quản lý theo hướng siết chặt hoạt động với nhiều thủ tục hành chính, hướng dẫn quá cụ thể.
Thảo luận về quy định: “Người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng giám đốc, giám đốc; cấp phó của người đứng đầu là phó tổng giám đốc, phó giám đốc”- đại biểu Thuận Hữu nhận định quy định này chỉ có thể áp dụng đối với các cơ quan báo đa phương tiện, có rất nhiều ấn phẩm nhưng đối với các cơ quan báo chí nhỏ, chỉ có một ấn phẩm, việc áp dụng quy định này gây thêm nhiều rắc rối trong quá trình quản lý...
Cũng trong phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí; về những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; về cung cấp thông tin cho báo chí.
TTXVN