Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận nhiều vấn đề nổi cộm về phát triển KT-XH
(Cadn.com.vn) - Ngày 24-3, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2015, 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm tới.
Các đại biểu cho rằng 5 năm qua, quy mô và tiềm lực của đất nước được nâng lên, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát giảm từ 11,75% năm 2010 xuống còn 0,6% năm 2015, chất lượng tăng trưởng có bước chuyển biến tích cực: đóng góp của khoa học, công nghệ tăng, năng suất lao động tăng bình quân 4,2%/năm cao hơn giai đoạn trước. Các cân đối lớn dần được cải thiện. Mặc dù vậy, đại biểu còn bày tỏ băn khoăn về nhiều vấn đề như cơ cấu thu chi ngân sách còn bất hợp lý, nợ công tăng nhanh, đang tiến đến ngưỡng cho phép, áp lực trả nợ lớn, không đảm bảo chi trả nợ và chi cho đầu tư phát triển, nợ Chính phủ đã vượt trần.
Đại biểu thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH. |
Cổ phần hóa DNNN đã đạt mục tiêu?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Hà Nội) đánh giá thực hiện chủ trương sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp – một trong ba trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế, giai đoạn 2011 – 2015, cả nước đã sắp xếp được 558 doanh nghiệp Nhà nước, trong đó cổ phần hóa 478 doanh nghiệp. Tuy nhiên, xét về giá trị, cả nước mới thoái vốn được 9.924 tỷ đồng, đây là con số rất nhỏ so với số vốn điều lệ hơn 1,2 triệu tỷ đồng, chỉ chiếm gần 1%. Nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa số lượng tỷ trọng bán ra hiệu quả rất ít, nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn chiếm trên 90%, điều này không đảm bảo đúng mục tiêu cổ phần hóa đặt ra là xã hội hóa đầu tư, làm thay đổi mô hình quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhà đầu tư chỉ thấy hấp dẫn khi bỏ tiền vào mua cổ phần, họ có cơ hội để thay đổi mô hình quản trị - đại biểu nhận định.
Phân tích một nguy cơ trong việc kiểm soát cổ phần hóa, đại biểu Bảo nêu: khi chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần, quyền tự chủ trong bộ máy quản lý điều hành của doanh nghiệp cao hơn rất nhiều trong khi các Luật và nghị định hướng dẫn chưa đảm bảo làm rõ trách nhiệm của người đại diện phần vốn cũng như việc quản lý để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, vì thế nhiều dự án đầu tư kém hiệu quả nhưng không xử lý được, để lại khoản nợ lớn, gánh nặng cho nhà nước. Ví dụ được đại biểu này đưa ra là tình trạng thua lỗ hơn 1.700 tỷ đồng của Cảng Đình Vũ (Hải Phòng) khi đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng với các thiết bị Trung Quốc kém hiệu quả, sản phẩm chất lượng không cạnh tranh và nguy cơ phải đóng cửa. Nhà máy Gang thép Thái Nguyên với dự án đầu tư mở rộng đã đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng nhưng không ra được sản phẩm và đến nay trở thành đống sắt vụn. Trách nhiệm cần xử lý như thế nào – đại biểu đặt câu hỏi.
Sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu
Đại biểu Trịnh Thế Khiết nhìn nhận sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu, các sản phẩm mặt hàng còn nhập nhiều, chưa có sản phẩm căn cơ, nền công nghiệp còn khó khăn, sản xuất nông nghiệp và các điều kiện tổ chức sản xuất còn manh mún, chưa có mặt hàng mang tính chiến lược lâu dài. Một thực trạng buồn được đại biểu nêu lên là Việt Nam xuất khẩu 7 triệu tấn gạo/năm nhưng chưa có thương hiệu gạo Việt Nam; cà-phê, hạt điều chủ yếu là xuất khẩu thô.
Các vấn đề về an sinh xã hội, giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, môi trường sống ô nhiễm, thực phẩm bẩn ảnh hưởng đến sức khỏe con người, sự vô cảm, băng hoại đạo đức trong xã hội... cũng là mối quan tâm của nhiều đại biểu. Các đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa), Trịnh Thế Khiết, Bùi Thị An, Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng giảm nghèo chưa thực sự bền vững, năng suất lao động xã hội thấp, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn đạt thấp so với mục tiêu đề ra, quản lý nhà nước chưa tốt, bộ máy còn cồng kềnh...
Nhìn nhận Việt Nam có thể tiến nhanh hơn nữa, bền vững hơn nữa nhưng lại chưa tận dụng hết được các lợi thế của mình, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh khẳng định do vấn đề thể chế. Cải cách hành chính chưa bảo đảm quyền tự do kinh doanh của các thành phần kinh tế, vẫn còn có những thủ tục làm khó cho doanh nghiệp. Còn lãng phí trong sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cải cách triệt để cơ chế tiền lương
Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá lại công tác quản lý nhà nước trong tất cả các lĩnh vực, cần quy rõ trách nhiệm cho từng cấp, từng ngành, cho người đứng đầu; làm không tốt, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm đầu tiên, như vậy mới mang lại hiệu quả, tăng trưởng bền vững được.
Đại biểu Phạm Huy Hùng đặt vấn đề: câu hỏi đặt ra là tại sao năng suất lao động của Việt Nam thấp nhất, giải pháp nào nâng cao năng suất lao động? Vấn đề này cần được mổ xẻ một cách nghiêm túc, muốn vượt qua thách thức, phải giải quyết được bài toán năng suất lao động.
Phân tích trên góc độ của một nhà kinh tế, đại biểu Hùng khẳng định không thể đổ lỗi rằng năng suất lao động thấp làm cho tiền lương thấp mà ngược lại, vì tiền lương thấp làm cho năng suất lao động thấp. Lương thấp đẩy người lao động đến chỗ cực khổ; công chức lương thấp làm không hết nhiệm vụ, nảy sinh các tiêu cực. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đều trích phần trăm trên phần lương thấp đó thì không thể có thuốc tốt, có dịch vụ tốt, không thể tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.
Ông Hùng đề xuất sớm nghiên cứu cải cách tích cực, triệt để hơn nữa cơ chế tiền lương, có lộ trình kiên quyết nâng tiền lương lên, tách bạch khu vực tiền lương của công chức, cơ cấu lại lao động, chất lượng lao động, đạo đức công chức, tách lương công chức với lương doanh nghiệp. Cũng theo ông Phạm Huy Hùng, cần chuyển nền hành chính bao cấp, quan liêu, ban phát sang nền hành chính phục vụ, lấy dân làm chính.
Xem lại quy hoạch sử dụng đất
Về quy hoạch sử dụng đất, đa số ý kiến tán thành với việc giữ nguyên diện tích đất lúa trên 3,8 triệu ha theo chỉ tiêu Quốc hội đã phê duyệt vì Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp, giữ đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực. Cần xác định rõ nước ta cần bao nhiêu diện tích rừng phòng hộ, các khu vực cần giữ để ứng phó, phòng chống thiên tai; đánh giá chất lượng rừng, không lấy đất rừng làm thủy điện.
Nơi đã lấy đất rừng để làm thủy điện, khai khoáng... phải trồng lại rừng và có kiểm soát chặt chẽ; quan tâm đặc biệt đến rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn xung yếu, không cho chuyển đổi. Đất khu công nghiệp cần giảm xuống bởi diện tích đất khu công nghiệp chưa được lấp đầy còn khá nhiều, cần rà soát lại, không nên đầu tư dàn trải chia cắt theo địa giới hành chính.
Các đại biểu cũng kiến nghị đánh giá lại tác động của biến đổi khí hậu, các điều kiện về trồng lúa, nước sông, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng để có giải pháp căn cơ lâu dài hơn. Đất chuyên dùng phải sử dụng một cách tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường liên kết “4 nhà” để phát huy hiệu quả của đất đai – đại biểu Chu Sơn Hà nói.
* Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tiếp cận thông tin. Qua thảo luận, đa số ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành Luật.
Thu Thủy – TTXVN