Kỳ họp thứ 12, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021: Tập trung tháo gỡ những điểm “nghẽn” để phát triển

Thứ tư, 11/12/2019 08:38

Ngày 10-12, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 khai mạc kỳ họp thứ 12 nhằm đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, QPAN năm 2019, bàn phương hướng, giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2020 với sự tham dự của Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP  Trương Quang Nghĩa; Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ VN thành phố và 43/47 đại biểu HĐND TP khóa IX.

Chủ tịch UBMTTQVN TP Đà Nẵng Đặng Thị Kim Liên thay mặt cử tri nêu những vấn đề tồn tại.

Kinh tế giữ được mức tăng trưởng khá nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Báo cáo về tình hình KT-XH, QPAN năm 2019 do Phó Chủ tịch UBND TP  Hồ Kỳ Minh trình bày tại kỳ họp, cho biết: Năm 2019, trong bối cảnh thành phố vẫn tiếp tục đối mặt với không ít thách thức, khó khăn, với sự nỗ lực ngay từ đầu năm, kinh tế thành phố duy trì ổn định và tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng GRDP ước tăng 6,47%; quy mô GRDP đạt giá trị 109.150 tỷ đồng (tăng 8.465 tỷ đồng so với năm 2018); GRDP bình quân đầu người đạt 4.095 USD (tăng 171 USD so với năm 2018). Công tác chỉ đạo, điều hành trên lĩnh vực kinh tế tiếp tục có nhiều đổi mới, chú trọng vào xử lý những vấn đề lớn, dài hạn.

Thành phố đã  tập trung triển khai  Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về "Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", chỉ đạo tích cực triển khai xây dựng Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với chiến lược phát triển KT-XH đến năm 2030; rà soát, điều chỉnh những bất cập trong quy hoạch phát triển, thực hiện nhất quán chủ trương phát triển bền vững, phục vụ tốt cho cộng đồng và đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những “điểm nghẽn” trong phát triển. Kết quả nổi bật là các Chương trình: “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”, “Tọa đàm Mùa xuân 2019” đã phát huy hiệu quả với tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài tăng cao; thu ngân sách vượt dự toán giao; các công trình trọng điểm động lực được đẩy nhanh tiến độ; từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp… Chương trình “Thành phố 4 an” được tập trung thực hiện gắn với các chương  trình Thành phố “ 5 không, 3 có”; xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh đạt kết quả tốt. ANCT-TTATXH cơ bản được giữ vững, TNGT giảm cả 3 tiêu chí. Chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Thành phố tiếp tục duy trì thứ hạng cao về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính.

Báo cáo giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách (KT-NS) HĐND TP do ông Trần Chí Cường, Trưởng Ban KT-NS trình bày bên cạnh đánh giá những kết quả tích cực của kinh tế thành phố năm 2019, đồng thời chỉ ra những trở ngại, hạn chế cần tập trung khắc phục để đảm bảo cho kinh tế phát triển bền vững. Đó là: 6/11 chỉ tiêu kinh tế đạt thấp so với kế hoạch do một số nguyên nhân như: Vốn đầu tư phát triển đạt thấp, chỉ tăng 3,6% trong khi kế hoạch đề ra là từ 5-6%; nguồn vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất (khoảng 64%) là vốn đầu tư ngoài Nhà nước giảm 3,17%, vì vậy đề nghị HĐND cần phân tích rõ hơn các yếu tố tác động dẫn đến việc hạn chế trong huy động nguồn lực vốn này, bên cạnh đó cần đánh giá tác động của khoa học công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế, nhất là những ngành sản xuất cần hàm lượng khoa học công nghệ để tạo giá trị gia tăng cho phát triển.

Về lĩnh vực dịch vụ-du lịch, tuy lượng khách tăng cao nhưng doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành tăng chưa tương xứng và có xu hướng chậm lại. Số ngày lưu trú bình quân của khách thấp hơn năm 2018, công suất sử dụng buồng phòng giảm, còn thiếu các sản phẩm du lịch để tăng chi tiêu của du khách. Biển là sản phẩm du lịch chủ yếu của Đà Nẵng nhưng tiến độ giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường biển còn chậm. Việc quản lý, kê khai doanh thu và phương thức thanh toán qua các ứng dụng điện tử ở các điểm kinh doanh chưa được kiểm soát hiệu quả. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp có dấu hiệu trì trệ, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay; một số ngành sản xuất trước đây chiếm tỷ trọng lớn như: sắt, thép, điện tử, sản xuất xe có động cơ... giảm mạnh từ 10% đến 28%; nhiều doanh nghiệp vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu, tính cạnh tranh yếu... Sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi đã tác động lớn đến số lượng chăn nuôi; vấn đề xử lý đất nông nghiệp không sản xuất được còn chậm thống kê, đề xuất.

Ban KT-NS đề nghị UBND TP cần chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp với quyết tâm cao nhất, phấn đấu tăng trưởng GRDP năm 2020 đạt trên 9%, làm động lực để thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 43/NQ-TW của Bộ Chính trị với kỳ vọng tăng trưởng GRDP bứt phá 12%/năm trong giai đoạn 2021-2030.

Nhân dân bức xúc nhiều vấn đề nóng

Theo Chủ tịch UBMTTQVN TP Đặng Thị Kim Liên thì hiện nay 3 vấn đề nóng đang khiến nhân dân bức xúc, đó là: Năng lực yếu kém của các đơn vị thi công công trình xây dựng phục vụ dân sinh; đất nông nghiệp không sản xuất được do ảnh hưởng của các dự án; bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước nguy cơ bị bạo hành và xâm hại tình dục. Bà Đặng Thị Kim Liên cho biết: 6 tháng đầu năm 2019, các tổ chức thành viên Mặt trận giám sát 339 công trình, phát hiện 45 công trình có sai phạm đã tiến hành lập biên bản đình chỉ thi công, đến nay 38 công trình đã khắc phục. Qua giám sát cho thấy nhiều công trình dân sinh như: Trường học, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, đường giao thông, cống thoát nước... chất lượng thấp, thi công sai thiết kế, thiếu vật tư, vật tư không đúng quy cách, thiếu nhân lực, kéo dài thời gian thi công, một số đơn vị thi công cản trở, gây khó khăn cho công tác giám sát...

Hiện nay TP Đà Nẵng có gần 189 ha đất nông nghiệp không sản xuất do ảnh hưởng của các dự án, rất lãng phí, đề nghị thành phố chỉ đạo ngành chức năng rà soát, thống kê, đề xuất đối với từng diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được như: chuyển đổi cây trồng, bồi thường để nhân dân chuyển đổi ngành nghề, hủy bỏ các dự án treo nhiều năm để người dân yên tâm sản xuất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... Bà Đặng Thị Kim Liên đề nghị đưa các nội dung trên vào nội dung thảo luận tại Kỳ họp để UBND TP và các ngành, địa phương liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải quyết.

K.T – V.THUẤN