Kỳ họp thứ 2 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX: Đà Nẵng đang đối mặt với nhiều thách thức
(Cadn.com.vn) - Các vấn đề ô nhiễm môi trường, thu hút đầu tư kém hiệu quả, du lịch “chui”, quản lý đất đai bất cập... đã được đề cập nhiều tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX hôm 9-8.
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh phát biểu khai mạc kỳ họp. |
Báo động du lịch “chui”
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đề nghị các đại biểu dành trọn tâm huyết, kinh nghiệm, trí tuệ, thẳng thắn tranh luận, chất vấn, không nể nang. Trên tinh thần đó, bên cạnh nhiều ý kiến ghi nhận thành tựu phát triển của TP, không ít ý kiến thẳng thắn chỉ ra những bất cập, bức xúc khiến cử tri hết sức lo lắng. Bà Đặng Thị Kim Liên- Chủ tịch UBMTTQVN TP Đà Nẵng đã nêu 4 vấn đề nóng bỏng thực tiễn đang đặt ra mà cử tri rất quan tâm, nổi bật là vấn đề chủ quyền biển đảo. Bà Liên cho biết, cử tri nhiệt liệt hoan nghênh sự kiện ngày 12-7-2016- Ngày Tòa trọng tài thường trực công tâm tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên trong vùng biển nằm trong đường 9 đoạn bao gồm huyện đảo Hoàng Sa- một phần máu thịt của thành phố vẫn đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Nhân dân thành phố rất vui mừng vì thấy công lý đang được thực thi. Một vấn đề khác cũng được bà Liên nhấn mạnh, đó là môi trường du lịch bị xâm hại. Hiện nay, dư luận rất quan tâm đến việc hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc, Hàn Quốc hoạt động trái phép tại các điểm du lịch nổi tiếng ở một số địa phương, trong đó có Đà Nẵng. Các đối tượng này cung cấp cho du khách những thông tin sai lệch, không chính xác về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Điều đáng lo lắng hơn chính là, do chạy theo lợi nhuận hoặc do thiếu ý thức dân tộc mà có sự tiếp tay của các Cty du lịch, lữ hành trong nước cũng như của một số hướng dẫn viên người Việt. Sai phạm này đã được thành phố xử phạt, tuy nhiên để làm trong sạch môi trường du lịch, cử tri mong muốn chính quyền TP cần thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, xúc phạm lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Theo thẩm tra của Ban Kinh tế- Ngân sách, trên lĩnh vực quản lý đất đai hiện dư luận đang nổi lên việc người nước ngoài thông qua người Việt đứng tên mua bán bất động sản. Vấn đề này được đánh giá tiềm ẩn bất lợi dâu dài trên nhiều mặt. Đại biểu Huỳnh Minh Chức cho rằng, với những dự án đầu tư ven biển, có vốn nước ngoài, họ làm gì trong đó mình không kiểm tra, không biết được. Trong khi khu vực ven biển Sơn Trà rất nhạy cảm, liên quan đến phòng thủ, an ninh. Do đó ĐB Chức đề nghị khi TP cấp phép cho các dự án ở vị trí nhạy cảm, ngoài các thủ tục thông thường như tác động môi trường, thì cần tranh thủ tham vấn thêm các cơ quan chức năng về QPAN. Trong khi đó, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn ông Lê Trung Chinh thì cho rằng, cần rà soát lại các dự án đầu tư ven biển và rút giấy phép đầu tư với các dự án chậm hoặc không triển khai. Dọc biển khu vực bãi biển Non Nước bên cạnh hàng chục resort kéo dài vẫn còn nhiều dự án chưa triển khai, nếu thu hồi làm các công trình phát triển dân sinh sẽ giải quyết được rất nhiều việc cho người dân. Số liệu của Ban KT-NS cho biết, việc rà soát xử lý thu hồi các dự án ven biển đến nay mới chỉ thu hồi được 1 dự án vào năm 2015.
Bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch UBMTTQVN TP phản ánh ý kiến cử tri. |
Quy mô kinh tế nhỏ
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội cả nước còn nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 của thành phố giữ được ổn định, có bước phát triển và đạt một số kết quả quan trọng, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn thành phố tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy vậy, ĐB Nguyễn Đức Trị nói, với quy mô kinh tế 6 tháng đầu năm của Đà Nẵng hơn 24 ngàn tỷ đồng thì quá nhỏ, chưa bằng 1 DN như FPT hay Vinamilk. Do đó, Đà Nẵng cần đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, xây dựng cộng đồng DN mạnh. Muốn thế hạ tầng cơ sở cần tập trung đầu tư hiện đại hơn. Phải nuôi dưỡng các DN đã đầu tư vào Đà Nẵng bởi chính họ cũng là một kênh xúc tiến quan trọng. Theo đánh giá của Ban KT-NS, sau 20 năm trực thuộc trung ương, nền kinh tế TP vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Số doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu trên 100 triệu USD còn rất ít. Năng lực sản xuất và tính cạnh tranh của các sản phẩm còn yếu. Chính sách, đề án, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành khá nhiều, tuy nhiên hiệu quả chưa cao, số doanh nghiệp tiếp cận và thụ hưởng rất khiêm tốn, chưa phân bổ đủ nguồn lực cần thiết để tạo sự chuyển biến căn bản và đạt được mục tiêu đề ra.
Cũng theo Ban KT-NS, TP đã cố gắng để cải thiện môi trường đầu tư, các chỉ số PCI, Par Index, ICT Index liên tục dẫn đầu, tuy nhiên kết quả thu hút đầu tư nhất là đầu tư nước ngoài vẫn chưa đạt yêu cầu, tình hình không những không cải thiện mà 6 tháng đầu năm sụt giảm cả về số lượng dự án cũng như số vốn đăng ký. Trong 22 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư trong 6 tháng đầu năm với tổng vốn đăng ký chỉ 10 triệu USD, trong khi đó điều chỉnh 1 dự án giảm vốn đến 14,3 triệu USD. Lũy kế cho đến nay thành phố có 409 dự án với số vốn đăng ký là 3,67 tỷ USD (trong đó số vốn được triển khai chưa đến 50%), cho thấy hầu hết các dự án có quy mô nhỏ...
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh: Tốc độ tăng trưởng kinh tế còn thấp, quy mô nhỏ. |
Ô nhiễm dai dẳng
Bà Đặng Thị Kim Liên nói, mặc dù những năm qua TP có nhiều cố gắng trong việc giải quyết các vấn đề môi trường, nhưng hiệu quả chưa cao, nhân dân một số nơi như KCN Hòa Khánh, Liên Chiểu, kênh Phú Lộc, âu thuyền Thọ Quang... vẫn phải sống chung với ô nhiễm. Theo ông Trần Anh Đức- Chủ tịch HĐND Q. Cẩm Lệ, việc quy hoạch, triển khai các dự án thiếu đồng bộ, khoa học dẫn tới nhiều khu dân cư bị cô lập, ngập úng, ô nhiễm. Bên cạnh đó, ở các KCN, trạm xử lý nước thải công nghệ lạc hậu, quá tải, gây ô nhiễm khiến người dân rất bức xúc, có những lần ô nhiễm nặng quá, dân tụ tập phá phách, gây mất ANTT. Ngoài ra ở Cẩm Lệ có hơn 250 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đang nằm xen kẽ trong khu dân cư, ô nhiễm âm thanh, khói bụi, cử tri nhiều lần phản ánh nhưng chưa được giải quyết. Ông Đức cho rằng, TP phải có lộ trình cụ thể, xử lý dứt điểm các điểm “nóng” ô nhiễm, chứ không thể cứ hứa mãi với cử tri được. ĐB Nguyễn Kim Dũng đề nghị TP hạn chế thu hồi đất nông nghiệp giao cho các nhà đầu tư làm dự án, nhất là đất bờ xôi ruộng mật, tránh tình trạng DN không triển khai dự án, chuyển nhượng lại trục lợi, gây bức xúc cho người dân. Mặt khác, khi triển khai các dự án, nhiều diện tích đất nông nghiệp khác cũng bị tác động môi trường, hoang hóa, bồi lấp, ngập úng không thể sản xuất được, trong khi, việc chuyển đổi nghề cho người dân sau khi giải tỏa là rất khó khăn.
Cũng liên quan tới môi trường, Đà Nẵng có Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, nơi sinh sống của loài voọc chà vá chân nâu vô cùng quý hiếm, tuy nhiên Khu bảo tồn này liên tiếp bị xâm hại. Bà Đặng Thị Kim Liên cho rằng TP cần có giải pháp hiệu quả hơn nữa bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, giữ nguyên hiện trạng kết cấu hạ tầng, không mở thêm đường lên núi, không xây thêm nhà cửa, biệt thự, rà soát thu hồi các dự án đầu tư đã cấp ở khu vực này. Theo Ban KT-NS, cần giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm chính và có quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đơn vị, địa phương cấp bách quản lý và khai thác Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
K.Thanh - H. Hậu
Đến nay Đà Nẵng đã có 61/61 đơn vị với tổng số 6.426/6.433 người thực hiện việc kê khai tài sản và thu nhập năm 2015. 7 người chưa kê khai có 3 người ốm nặng, 2 đang bị tạm giam, 2 đang nghỉ chế độ thai sản. Trong 6 tháng đầu năm 2016 Đà Nẵng chưa phát hiện, xử lý vụ tham nhũng nào. Theo Ban Pháp chế- HĐND TP, trong thời gian tới, TP cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, nhất là với các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, quản lý tài chính, đầu tư, đồng thời chỉ đạo sớm kết thúc điều tra đối với các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, làm trái quy định được dư luận quan tâm như vụ ông Nguyễn Ngôn (nguyên cán bộ sở Xây dựng-P.V), Vụ 37 tỷ đồng tiền tài trợ Bệnh viện Ung bướu... |