Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Cần bổ sung cơ sở pháp lý cho đường sắt tốc độ cao

Thứ bảy, 19/11/2016 09:08

(Cadn.com.vn) - Tiếp tục Kỳ họp thứ 2, sáng 18-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường, thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Liên quan đến chính sách phát triển đường sắt, các đại biểu cho rằng với địa hình trải dài Bắc - Nam, Việt Nam cần có tuyến đường sắt để vận chuyển khối lượng lớn siêu trường, siêu trọng, an toàn, thân thiện môi trường để phát huy hiệu quả hệ thống giao thông vận tải thống nhất toàn quốc, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội), cần có chính sách phát triển và lộ trình thực hiện đường sắt tốc độ cao. Quốc hội cần bố trí một khoản nhỏ trong gói 8.000 tỷ đồng nghiên cứu khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để sau năm 2020 có điều kiện phát triển, triển khai dự án; có biện pháp giữ quỹ đất để xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sau này. Đại biểu cho rằng đây là vấn đề nhức nhối khi quỹ đất đường sắt Việt Nam bị "chia năm, xẻ bảy" bởi nhiều lý do; cần đổi mới quyết liệt mục tiêu phát triển đường sắt, hướng ra cơ chế thị trường, tăng cường quản lý Nhà nước sản xuất kinh doanh, có lộ trình kinh doanh hạ tầng.

Cùng quan điểm ủng hộ việc phát triển đường sắt tốc độ cao, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) nhấn mạnh: cần bổ sung các quy định để làm cơ sở pháp lý cho việc chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường sắt tốc độ cao sau này. Có tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ tận dụng được lợi thế giao thông đường sắt trong phát triển kinh tế và hội nhập. Dự án đường sắt tốc độ cao sẽ tự sản sinh ra tiền, trợ giúp ngành Giao thông Vận tải, tạo diện mạo mới cho 21 địa phương nơi tuyến đường đi qua. Nếu tận dụng hết tiềm năng, dự án này mang lại sẽ không phải vay vốn.

Đại biểu đề xuất Quốc hội điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, để Chính phủ có thể xây ít nhất 21 khu đô thị tại các ga hành khách nơi tuyến đường sắt đi qua, đồng thời xây dựng ít nhất 21 trung tâm thương mại tại các ga này. Tiền thu được sau khi bán đất nền thổ cư của các khu đô thị, tiền cho thuê mặt bằng các trung tâm thương mại này sẽ dành vào dự án, trong đó trích một phần cho địa phương để phát triển hạ tầng xã hội. Nếu thực hiện như vậy, dự án sẽ không phải vay vốn, chọn được công nghệ phù hợp. Sau này người dân, doanh nghiệp cũng được sử dụng tuyến đường sắt tốc độ cao, với chi phí thấp do Nhà nước đầu tư.

Đại biểu nhấn mạnh ngành công nghiệp đường sắt phát triển, yếu tố quan trọng là cần đầu ra tương đối lớn cho ngành công nghiệp đường sắt. Theo quy hoạch đến năm 2020 tập trung đầu tư nâng cấp, từng bước cải tiến kỹ thuật, hiện đại hóa tuyến đường sắt Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh. Đây là đầu ra duy nhất khả thi cho ngành đường sắt trong tương lai. Vì vậy, Chính phủ, Quốc hội cần quan tâm trong tổng số 80.000 tỷ đồng dự tính phân bổ cho các dự án trọng điểm quốc gia về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, dành vốn cho một dự án trọng điểm đó cải tiến, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam. Việc cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam không chỉ giúp giảm chi phí vận tải, nâng cấp năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong nước mà còn giúp ngành công nghiệp đường sắt phát triển, giúp nội địa hóa tối đa tuyến đường sắt tốc độ cao, tiền đề tiến tới Việt Nam làm chủ công nghệ công trình giao thông đường sắt trong cả nước.

Quan tâm đến vấn đề môi trường, bảo vệ môi trường và vệ sinh môi trường trong hoạt động đường sắt, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cho rằng: Dự án Luật chỉ quy định chung chung về nội dung quản lý hoạt động đường sắt, ngoài ra không có nội dung nào nhằm tăng cường quản lý lĩnh vực bảo vệ môi trường đường sắt. Thực tế, vệ sinh môi trường ở khu vực đường sắt đi qua, xử lý chất thải, rác thải trên các chuyến tàu dài ngày Bắc -Nam chưa hợp lý, rác thải ra môi trường tùy tiện. Ai sẽ kiểm soát, xử lý vấn đề này và chất lượng dịch vụ vệ sinh, sinh hoạt ăn uống trên các chuyến tàu để nhằm phục vụ tốt hơn cho khách hàng? Vấn đề này cần được triển khai cụ thể trong Luật.

Giải trình về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật Đường sắt, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa khẳng định sẽ ghi nhận, tiếp thu, từ đó cùng các cơ quan thẩm tra, xem xét quyết định những vấn đề mà đại biểu quan tâm; đặc biệt là làm rõ thêm thẩm quyền quản lý của các cơ quan Nhà nước đối với đường sắt; hoạt động kinh doanh đường sắt, thuế đất dành cho đường sắt, điều hành giao thông vận tải; phí và giá trong hoạt động kinh doanh đường sắt và những điều khoản chuyển tiếp từ Luật. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp cơ quan thẩm tra của Quốc hội nghiên cứu thấu đáo và làm rõ hơn các quy định nhằm tạo đồng thuận cao trước khi trình Quốc hội.

* Đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực du lịch, như thu hút đầu tư, cải cách hành chính theo lộ trình Chính phủ điện tử.

Phúc Hằng

Thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

Với 84,58% đại biểu tán thành, chiều 18-11, Quốc hội đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Với 9 Chương, 68 Điều, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo. Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo. Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo hoặc học tại cơ sở đào tạo tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo hoặc học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Luật cũng quy định chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.

Đặc biệt, để đảm bảo quyền con người theo quy định của Hiến pháp, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo khẳng định rõ người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.

Các tổ chức tôn giáo có quyền hoạt động tôn giáo theo hiến chương, điều lệ; tổ chức sinh hoạt tôn giáo; xuất bản kinh sách và xuất bản phẩm khác về tôn giáo; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm tôn giáo, đồ dùng tôn giáo; cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo được nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tự nguyện tặng cho.

Chu Thanh Vân