Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Giải trình lý do lựa chọn địa phương thí điểm cơ chế đặc thù
Ngày 27-10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế.
Cảm ơn đại biểu đã góp ý qua 300 ý kiến (31 ý kiến tại hội trường và 269 ý kiến tại tổ), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của đại biểu trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
“Thực tế không phải không quan tâm đến các địa phương khác”
Về lý do lựa chọn các địa phương thí điểm, Bộ trưởng nhấn mạnh, mỗi địa phương có điều kiện, trình độ, khả năng phát triển khác nhau, nếu tạo cú huých cho các địa phương có tiềm năng, lợi thế thì cần một số cơ chế, chính sách đặc thù, đảm bảo để các địa phương trọng điểm làm đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Chủ trương này là nhằm khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, phát triển, tạo động lực mới, các cực tăng trưởng mới, lan tỏa, thúc đẩy các tỉnh trong vùng, đóng góp cho phát triển chung của cả nước và đặc biệt là điều tiết ngân sách lớn hơn về cho Trung ương.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: Thực tế không phải không quan tâm đến các địa phương khác. Đảng và Nhà nước luôn chú trọng hài hòa phát triển các vùng, miền. Các vùng khó khăn cũng có rất nhiều cơ chế chính sách, rất nhiều chương trình mục tiêu đều nằm ở các vùng này. Hiện nay, ba chương trình mục tiêu quốc gia đều nằm ở các vùng khó khăn.
Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu các nguyên tắc lựa chọn địa phương thí điểm là phải phù hợp với đường lối, phương hướng, nhiệm vụ phát triển địa phương, tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi. Bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội phải bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh, thành phố khác đã được áp dụng các cơ chế này. Một nguyên tắc nữa là phải được nghiên cứu dựa trên các cơ sở lý luận và thực tiễn, vừa tạo điều kiện để bứt phá, vừa đề cao tính tự lực, tự cường, vươn lên, tính chủ động, sáng tạo của các địa phương, phù hợp với khả năng của cân đối ngân sách và không ảnh hưởng đến bội chi, vượt trần nợ công.
Xác định chính sách dư nợ vay
Về chính sách dư nợ vay, Bộ trưởng nêu rõ: Việc xác định chính sách dư nợ vay phải phù hợp với nhu cầu đầu tư phát triển, khả năng hấp thụ vốn, khả năng vay và trả nợ của từng địa phương. Mức dư nợ này sẽ khác nhau, các tỉnh, thành phố có quy mô lớn, thu ngân sách khác nhau thì dư nợ mức trần cũng khác nhau. Ví dụ, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội là 90%; Nghệ An, Thừa Thiên - Huế là 40%, trong khi đó Thanh Hóa là 60%. Bên cạnh đó, việc tăng mức dư nợ vay của địa phương sẽ được kiểm soát trong giới hạn và bội chi ngân sách Nhà nước, trần nợ công được Quốc hội xem xét, quyết định hàng năm.
Có đại biểu nêu ý kiến một số địa phương chưa sử dụng hết dư nợ, nhưng Bộ trưởng cho rằng, nếu có được cơ chế này, các địa phương sẽ chủ động tính toán được nhu cầu của mình, thu xếp các nguồn vay, tính toán hiệu quả của các dự án để sử dụng khi có nhu cầu.
Về vấn đề bổ sung có mục tiêu từ tiền tăng thu trên địa bàn các tỉnh, thành phố, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó quy định ngân sách trung ương hỗ trợ mục tiêu cho các tỉnh, thành phố tăng từ tăng thu nhưng không vượt quá 70% và phải đảm bảo hai điều kiện khống chế là không vượt quá tổng số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu so với thực hiện thu của năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu. Chính sách này vẫn đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và khả năng thực tế hỗ trợ của trung ương, tránh việc dự toán không sát thực tế.
Về chính sách phí và lệ phí trên địa bàn, Bộ trưởng chỉ rõ: Việc thực hiện chính sách này là thực hiện chủ trương phân cấp, trao quyền cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được chủ động, linh hoạt trong thực hiện để bảo đảm nguồn thu phát huy hiệu quả. Mỗi địa phương có thể lựa chọn điều chỉnh phí và lệ phí khác nhau, việc ban hành các phí, lệ phí này phải có lộ trình phù hợp với thực tế.
Đối với tổ chức bộ máy và biên chế, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với các tỉnh, thành phố nghiên cứu bổ sung một số chính sách phù hợp với đặc thù của từng tỉnh, thành phố trên cơ sở diện tích, quy mô dân số. Việc thực hiện cơ cấu tổ chức bộ máy biên chế của các địa phương phải phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển.
QUỲNH NHƯ – TTXVN