Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Cần quản lý tốt hoạt động xuất nhập khẩu
(Cadn.com.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, sáng 25-5, Quốc hội đã nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Quản lý ngoại thương; Tờ trình Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Trao đổi với phóng viên bên lề Kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ nhiều ý kiến liên quan đến quản lý xuất nhập khẩu cũng như xử lý vấn đề nợ công.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật quản lý ngoại thương. Ảnh: TTXVN |
Đảm bảo hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho biết: Hoạt động xuất nhập khẩu có tác động rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế của đất nước. Năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã lên đến hơn 350 tỷ USD, nghĩa là độ mở kinh tế của đất nước tăng mạnh, bằng 170% GDP quốc gia (khoảng hơn 200 tỷ USD). Luật Quản lý ngoại thương được Quốc hội thảo luận và thông qua trong thời gian tới sẽ tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu thuận lợi hơn. Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, để đảm bảo hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu, phải tạo ra được rào cản kỹ thuật nhằm bảo hộ các sản phẩm sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu những loại hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn lao động, an toàn kỹ thuật... Dựa trên nguyên tắc tuân thủ những điều khoản đã cam kết trong các Hiệp định thương mại quốc tế, Việt Nam đã quy định rất chi tiết những điều khoản liên quan đến hạn ngạch xuất khẩu, nhập khẩu, những mặt hàng cấm xuất hoặc nhập khẩu...
Một vấn đề mà các đại biểu quan tâm là có nên để Bộ Công Thương quyết định kim ngạch, hạn ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hay không. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, Chính phủ và Thủ tướng cần đứng ra quyết định điều này. Ông Trần Hoàng Ngân ví dụ, để đưa ra hạn ngạch về xuất khẩu nông sản hay gạo cần trao đổi với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, phù hợp với nền kinh tế vĩ mô.
Trong buổi thảo luận tại tổ vào chiều 25-5, đề cập vấn đề trên, Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, trong năm 2016 xuất khẩu từ các mặt hàng công nghiệp chủ yếu từ các mặt hàng gia công, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là may mặc, giày da, các sản phẩm điện tử của một số nhà máy điện tử mà chủ yếu là gia công, lắp ráp. Do đó, dù giá trị xuất khẩu lớn nhưng giá trị gia tăng trong giá trị xuất khẩu còn thấp. Vì vậy, Đại biểu đề nghị nên làm rõ hơn vấn đề này để thấy được thực trạng của nền kinh tế quốc gia của Việt Nam hiện nay chủ yếu là nền kinh tế gia công, hàm lượng sáng tạo trong đó là rất thấp. ĐB cũng cho rằng, hiện nay có một vấn đề rất nóng nhưng trong báo cáo của Chính phủ chưa đề cập đến, đó là tình trạng khai thác tài nguyên tràn lan, đặc biệt là khai thác cát gây sạt lỡ nghiêm trọng tại các dòng sông. ĐB đề nghị cần có đánh giá về thực trạng này và đưa ra giải pháp khắc phục triệt để trong thời gian đến.
Báo cáo KT-XH còn khô khan
Chiều 25-5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và kết quả thực hiện Ngân sách Nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017 và Quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2015.
Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng tham gia thảo luận ở tổ 3 cùng với các Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, Lai Châu, Trà Vinh. ĐB Nguyễn Đắc Vinh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, Tổ trưởng tổ 3, chủ trì buổi thảo luận.
Tham gia thảo luận, Đại biểu Nguyễn Thanh Quang, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng và Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố cùng thống nhất cho rằng, Báo cáo về kinh tế- xã hội của Chính phủ trình bày rất đầy đủ, toàn diện các vấn đề quan trọng của đất nước, số liệu phong phú và điển hình, các chỉ tiêu sử dụng khá tiêu biểu của mọi lĩnh vực... Tuy nhiên, trong báo cáo sử dụng rất nhiều chỉ tiêu định lượng, phần phân tích, diễn giải khá ít, tạo cảm giác khô khan, tính hấp dẫn không cao, nặng về số liệu; thành tựu các lĩnh vực còn thiên về số lượng, hầu như tất cả các nội dung trong báo cáo mới chỉ đề cập đến khía cạnh số liệu thông qua việc mô tả; việc phân tích, bình luận các số liệu chưa rõ nét.
Đại biểu Quang nhận định, việc dự báo về thị trường, kiểm soát thông tin thị trường nhằm định hướng sản xuất chưa tốt, rất ít các cảnh báo được đưa ra kịp thời nhằm hạn chế tình trạng phát triển nóng trong sản xuất một vài loại nông sản nào đó đã dẫn đến lặp đi lặp lại tình trạng “được mùa rớt giá”, ảnh hưởng đến cuộc sống của người nông dân. ĐB cho rằng, chúng ta có cảm giác đang quản lý theo kiểu ứng phó và chữa cháy chứ chưa theo kế hoạch, chưa chủ động một cách khoa học nhất. Vì vậy, ĐB nêu vấn đề trách nhiệm này thuộc về ai? Vai trò của Chính phủ các bộ, ngành, các địa phương như thế nào và tình trạng này còn tiếp diễn đến bao lâu?...
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên Thường trực UBCVĐXH của Quốc hội thì quan tâm đến việc hoàn trả số tiền đóng bảo hiểm xã hội thất nghiệp cho Ngân sách Nhà nước và chuyển trả số tiền BHXH của người lao động trong khu vực Nhà nước trước ngày 1-1-1995 mà Nhà nước phải chi trả vào quỹ BHXH. Bên cạnh đó, ĐB cũng quan tâm đến việc triển khai một số chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian đến.
Thu Thủy - Trần Vinh – Vũ Hưng