Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Nhiều ý kiến khác nhau về lực lượng kiểm ngư
(Cadn.com.vn) - Sáng 6-6, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình dự án Luật Thủy sản (sửa đổi). Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới của Đảng về thủy sản; phù hợp với chiến lược phát triển ngành Thủy sản, phát triển theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, tái cơ cấu ngành Thủy sản, thúc đẩy phát triển ngành Thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững.
Chương VI trong dự án Luật về Lực lượng Kiểm ngư là chương mới so với Luật Thủy sản 2003, quy định cụ thể về chức năng kiểm ngư; nhiệm vụ kiểm ngư; quyền hạn và trách nhiệm của kiểm ngư; phối hợp trong hoạt động của lực lượng kiểm ngư. Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết có ba loại ý kiến khác nhau.
Hiện tồn tại 3 nhóm ý kiến khác nhau về lực lượng kiểm ngư. Trong ảnh: Tàu kiểm ngư Việt Nam |
Thứ nhất, có ý kiến đề nghị tiếp tục duy trì lực lượng Kiểm ngư Trung ương như hiện nay, không thành lập thêm hệ thống Kiểm ngư cấp tỉnh; nhưng có chính sách tăng cường nguồn lực, chế độ cho thanh tra chuyên ngành thủy sản, luật hóa các quy định về tổ chức, hoạt động của Kiểm ngư trong dự án Luật. Theo Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng, báo cáo tổng kết 13 năm thi hành pháp luật về thủy sản chưa đánh giá kỹ về hoạt động, hiệu quả hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản cũng như lực lượng kiểm ngư. Vì thế, việc chuyển lực lượng thanh tra chuyên ngành tại Chi cục Thủy sản của 28 tỉnh sang kiểm ngư là chưa phù hợp mà chỉ cần tăng nguồn lực, chế độ cho thanh tra và có sự phối hợp tốt của Kiểm ngư vùng. Ngoài ra, các quy định về Kiểm ngư trong dự án Luật còn chung chung, khá đơn giản tuy về tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư đã qua 4 năm triển khai thực hiện. Vì thế, Ban soạn thảo cần rà soát, luật hóa các quy định để đảm bảo tính cụ thể của Luật, tính pháp lý cao nhất cho lực lượng Kiểm ngư hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ ngư trường, bảo vệ ngư dân và phối hợp cùng với các lực lượng chấp pháp khác bảo vệ sự toàn vẹn lãnh hải của Tổ quốc.
Thứ hai, có đại biểu đề nghị bên cạnh lực lượng Kiểm ngư trung ương, cần thành lập thêm hệ thống Kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển như dự án Luật trên cơ sở chuyển từ lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản tại các chi cục thủy sản. Hiện nay, lực lượng thanh tra chuyên ngành địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ do đang hoạt động theo Luật Thanh tra, không có các công cụ hỗ trợ đi kèm cũng chưa có các chế tài cưỡng chế như các kiểm ngư viên, không được hưởng chính sách, chế độ khi thực hiện thanh tra trên biển như kiểm ngư viên.
Thứ ba, nhiều ý kiến đề nghị bên cạnh lực lượng Kiểm ngư trung ương, tùy vào tính chất đặc thù của từng địa phương mà thành lập thêm Kiểm ngư cấp tỉnh trên cơ sở cơ cấu lại lực lượng thanh tra chuyên ngành về thủy sản tại địa phương. Chính phủ sẽ căn cứ tính chất, yêu cầu của từng địa phương để quy định thành lập lực lượng kiểm ngư tại một số tỉnh cho phù hợp, như tỉnh có bờ biển dài, có địa hình phức tạp, có lượng tàu thuyền hoạt động lớn... Việc chuyển đổi từ lực lượng thanh tra chuyên ngành về thủy sản sang kiểm ngư tại một số tỉnh có vùng biển đặc thù cơ bản sẽ không làm phát sinh thêm biên chế.
Cũng trong buổi sáng, Quốc hội nghe Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam-Lào; Tờ trình về việc phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
T.Thủy – P.Phương – TTXVN