Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Chính phủ nói không với tăng trần nợ công!

Thứ sáu, 17/11/2017 08:10

Sáng 16-11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội chất vấn, các bộ trưởng, trưởng ngành gồm: Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực, các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan đến các nhóm vấn đề chất vấn trong quá trình diễn ra phiên họp khi cần thiết sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình báo cáo làm rõ thêm những nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo thông lệ kỳ họp cuối năm, Quốc hội sẽ dành toàn bộ buổi chiều 18-11 để chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về những vấn đề liên quan tới trách nhiệm của Chính phủ để làm rõ hơn các nội dung chất vấn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tính toán kỹ, quyết định không tăng trần nợ công.

Nợ công trong giới hạn cho phép

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn. Bộ trưởng trả lời các câu hỏi về công tác quản lý thuế, hải quan, tăng cường quản lý nợ công an toàn hiệu quả. Vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là giải pháp tăng cường quản lý nợ công. Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, nợ công hiện nay sát trần cho phép, trong khi Chính phủ vẫn đàm phán ký kết các khoản vay mới. “Điều này ảnh hưởng thế nào trong kiểm soát chi tiêu nợ công? Bộ trưởng cho biết, giải pháp quản lý rủi ro?”, đại biểu Nguyễn Tạo đặt câu hỏi.

Cùng chung mối quan tâm về nợ công, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ rõ, trong những năm gần đây, khoản nợ gốc và lãi vay tăng nhanh. Năm 2010. “Với tư cách là người chịu trách nhiệm chính về quản lý nợ công, Bộ trưởng có giải pháp gì để quản lý an toàn nợ công nhưng vẫn bảo đảm nguồn vốn cho đầu tư phát triển?”, đại biểu nêu quan điểm.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận, trong giai đoạn vừa qua, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Giai đoạn 2011 – 2015, nợ công tăng bình quân một năm 18,4%, đến năm 2016 tăng 15% và năm 2017 là 9%, nợ công đang được kiểm soát chậm lại. Nợ công đã từng bước được kiểm soát chặt chẽ. Các chỉ tiêu nợ công năm 2015, 2016, 2017 vẫn nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép. “Vẫn phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nợ công nhưng bước đầu thì kết quả cũng như các giải pháp chúng ta đang triển khai là đúng, từ hoàn thiện thể chế, tăng cường kiểm tra, kiểm soát đến việc chi tiêu hiệu quả của nợ công”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) giơ biển tranh luận. Theo đại biểu Tuấn, điều quan trọng là hiệu quả đầu tư công, “nợ công không xấu nhưng đầu tư công không hiệu quả thì vô cùng xấu”. Đại biểu phân tích, khi đầu tư công không hiệu quả sẽ gây thiệt hại kép. Nhà nước phải trả tiền gốc, tiền lãi, trả bù lỗ cho các doanh nghiệp nhà nước đã đầu tư không hiệu quả như trường hợp 12 dự án “đắp chiếu” vừa qua. Việc này gây đội vốn đầu tư, thất thoát ngân sách, tác động xấu đến “sức khỏe” nền kinh tế đồng thời ảnh hưởng uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng làm rõ thêm hiệu quả đầu tư công.

Giải đáp thắc mắc này, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận, chất lượng, hiệu quả đầu tư công là vấn đề trọng tâm trong chương trình tái cơ cấu lại đầu tư công, tuy nhiên đây là vấn đề quản lý Nhà nước thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các bộ, ngành, địa phương. Trong nhiệm vụ của mình, Bộ Tài chính đang triển khai việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, hạn chế tối đa bảo lãnh Chính phủ, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan địa phương để kiểm soát chặt chẽ chi tiêu nợ công đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật về nợ công.

CHỈ CÒN 31% HỘ KINH DOANH “ĐI ĐÊM” VỚI CÁN BỘ THUẾ!

Trả lời về tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong ngành Thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, nhận định 63% hộ kinh doanh “đi đêm” với cán bộ thuế nằm trong báo cáo đánh giá chỉ số hài lòng của người nộp thuế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2015. Chương trình này do Bộ Tài chính đề xuất, giao Tổng cục Thuế phối hợp với VCCI tổ chức đánh giá, khảo sát. Năm 2015, qua khảo sát đánh giá, 63% hộ kinh doanh “đi đêm” với cán bộ thuế. Nhưng năm 2016, đánh giá lại thêm một bước nữa thì con số này giảm còn 31%! Không đồng tình với số liệu trên, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đứng lên tranh luận: “Cơ sở nào có thể đánh giá 63% doanh nghiệp cùng với thuế đi đêm với nhau, tôi phản đối, phải có chứng cứ và số liệu thống kê, nếu cứ nói thế này, trước quốc dân đồng bào người ta nhìn thấy thì niềm tin với doanh nghiệp và thuế rất tai hại”, đại biểu Thân nói.

SỬ DỤNG BITCOIN LÀ KHÔNG HỢP PHÁP

Liên quan đến tiền điện tử (bitcoin), Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, “đây không phải vấn đề của Việt Nam, mà còn của nhiều quốc gia khác trên thế giới và nhiều quốc gia đang nghiên cứu về điều chỉnh, quản lý đồng tiền này như thế nào”. Trên thế giới có nhiều kinh nghiệm, có nước cấm không sử dụng, nhưng có nước khuyến cáo rủi ro liên quan đến giao dịch bitcoin, có nước cho phép sử dụng, song số liệu này không nhiều. Ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã có ý kiến nhiều lần, theo quy định pháp luật hiện hành, bitcoin không phải đồng tiền mặt, không phải phương tiện thanh toán hợp pháp, nên các giao dịch sử dụng đồng tiền này là giao dịch không hợp pháp. Hiện nay, nếu nhìn nhận bitcoin là tài sản, là hàng hóa, thì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết thêm.

Bảo đảm quản lý chặt chẽ đầu tư công

Giải trình làm rõ thêm về hiệu quả đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Trước đây, do chưa có Luật Đầu tư công, nên việc quyết định đầu tư còn tùy tiện, vượt so với khả năng cân đối của ngân sách cả ở Trung ương và địa phương. Trong mỗi giai đoạn 2005 - 2010, 2011 - 2015, có hơn 20 nghìn dự án, cả lớn lẫn bé, cả của bộ, ngành, địa phương quyết định đầu tư mà không rõ nguồn vốn ở đâu và không rõ có khả năng bao nhiêu để giải ngân được, nên việc dàn trải dẫn đến thất thoát, phải dừng, giãn, hoãn rất lớn. Khi đó, Chính phủ đã ban hành nghị định sau đó được luật hóa lên thành Luật Đầu tư công. Đến nay, trong giai đoạn 2016 - 2020, chỉ còn hơn 1.000 dự án, giảm đi rất nhiều so với giai đoạn trước đây, bám sát khả năng cân đối của ngân sách.

Tuy nhiên, với một số dự án có mức vượt lên nhiều so với tính toán và nhu cầu thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, “chưa có biện pháp để kiểm soát vấn đề này”. Hiện Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng, các bộ, ngành liên quan để xây dựng định mức để tính toán, làm cơ sở xây dựng dự toán và phê duyệt tổng mức đầu tư hợp lý.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nguyên nhân khiến hiệu quả dự án đầu tư công chưa cao là do việc triển khai đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục như giải phóng mặt bằng, đấu thầu… làm cho thời gian kéo dài, vốn đầu tư vượt lên buộc phải điều chỉnh. Khi vượt lên không có nguồn để bố trí vốn, dẫn đến phải dừng, giãn, hoãn, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành kế hoạch tái cơ cấu đầu tư công đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, rà soát bất cập trong thực hiện Luật Đầu tư công để trình Chính phủ, Quốc hội cho sửa Luật Đầu tư công theo hướng bảo đảm quản lý chặt chẽ đầu tư công, giải quyết thủ tục thuận lợi, nhanh gọn cho các đối tượng áp dụng của Luật này.

Báo cáo thêm tại phiên chất vấn Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết hiện nay nợ công ở mức 62,6% dưới mức trần cho phép của Quốc hội (65%), trong đó, nợ của Chính phủ đang là 51,8%, tỷ lệ chi trả nợ vay/GDP là 25%. Nhận thức được tầm quan trọng của nợ công, Đại hội Đảng lần thứ XII đánh giá nợ công tăng cao, nghĩa vụ trả nợ lớn và cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước gắn với bảo đảm an toàn nợ công là nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2016- 2020. Trong giai đoạn này, Chính phủ phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa bảo đảm đất nước phát triển nhanh, bền vững, vừa tập trung giải quyết những yếu kém tích tụ từ nhiều năm trước. Trong khi đó, dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ chật hẹp và kinh tế thế giới còn khó khăn nên xử lý nợ công là vấn đề nan giải.

“Nhiều thành viên của Chính phủ, một số đại biểu Quốc hội và một số chuyên gia kinh tế đã khuyến cáo Chính phủ trình Trung ương và Quốc hội nới trần nợ công để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tính toán kỹ và thấy rằng trần nợ công chỉ là một yếu tố và quan trọng là khả năng trả nợ. Tổng trả nợ từ ngân sách và vay trả nợ không được quá 25% so với tổng thu ngân sách. Do đó, Chính phủ nói không với tăng trần nợ công”, Phó Thủ tướng cho biết.

Tăng trưởng tín dụng linh hoạt

Chiều 16-11, Thống đốc Lê Minh Hưng đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Đề cập vấn đề tăng trưởng tín dụng phục vụ tăng trưởng kinh tế, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, vấn đề tăng trưởng và các cơ sở, động lực cho tăng trưởng, từ khía cạnh ngân hàng, căn cứ vào Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, chúng tôi xây dựng kịch bản điều hành cho năm 2017 là tín dụng tăng trưởng ở mức 18% và có điều chỉnh linh hoạt tùy theo diễn biến kinh tế vĩ mô và nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 10-2017 tăng 13,66%, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2016. Tốc độ này không có gì đột biến. “Hiện nay, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước đối với tín dụng là tăng trưởng tín dụng phải đi kèm với bảo đảm chất lượng và hiệu quả tín dụng, quan trọng là tín dụng phải đưa vào những lĩnh vực sản xuất kinh doanh”, Thống đốc Lê Minh Hưng nêu rõ.

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho biết, trong báo cáo chi tiết gửi đến đại biểu, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo rõ cơ cấu tín dụng, nhìn vào 10 tháng đầu năm 2017 đã tập trung vào đúng lĩnh vực ưu tiên: Tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực chế biến chế tạo, lĩnh vực phát triển nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ... đã giữ được mức cao hơn so với năm trước và cao hơn mức bình quân các năm. Đây là những lĩnh vực động lực cho tăng trưởng. “Ngân hàng Nhà nước bảo đảm tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm tăng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, không gây áp lực lên kinh tế vĩ mô, lạm phát. Chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ chất lượng vào hiệu quả tín dụng, bảo đảm đưa tín dụng vào những lĩnh vực để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế”, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.

Hôm nay, 17-11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn. Từ 8 giờ đến 10 giờ 20, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Sau đó, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.

N.L (tổng hợp)