Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Đoàn đại biểu Đà Nẵng lưu ý vấn đề nợ công

Thứ tư, 25/10/2017 06:00

Ngày 24-10, các đại biểu thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Nguyễn Thanh Quang cho rằng, việc bội chi, thâm hụt ngân sách triền miên và ở mức khá cao tất yếu dẫn đến nợ công tăng nhanh. Theo Bộ Tài chính, 15 năm qua, nợ công tăng gần 15 lần. Riêng tốc độ tăng nợ công bình quân 5 năm qua khoảng 18,4%, gấp hơn 3 lần tăng trưởng kinh tế là 5,91% và mức nợ công 2016 đã là 63,7% GDP, nợ Chính phủ 52,6% vượt ngưỡng cho phép. Dự báo năm 2017-2018 nợ công có thể chạm ngưỡng 65% GDP. Đây là vấn đề rất lớn và nghiêm trọng, nếu không xử lý đúng và hiệu quả sẽ trở thành nguy cơ cho nền kinh tế và cho đất nước. Nhằm có giải pháp phù hợp mục tiêu bảo đảm nợ công từ nay đến 2020 không vượt quá 65% GDP, ĐB đề nghị Quốc hội và Chính phủ phải dành sự quan tâm đặc biệt, thường trực và chỉ đạo quyết liệt, trong đó tập trung tất cả các nguồn lực gia tăng quy mô và nâng cao hiệu quả nền kinh tế, tạo ra, nuôi dưỡng các nguồn thu ngân sách ngày càng lớn, đa dạng và bền vững; đẩy mạnh hơn nữa thực hành triệt để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách, phấn đấu giảm dần bội chi ngân sách, thực hiện thành công Chiến lược quản lý nợ công và tài chính đến năm 2020.

Phân tích về động lực tăng trưởng kinh tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định không có việc tăng trưởng dựa vào dầu thô. Năm 2016 và 2017, công nghiệp khai khoáng liên tục giảm và giảm rất sâu, đầu tiên là dầu thô, tiếp đó là than đá. Với than đá, bình quân khai thác ở độ sâu (-) 285m so với mặt nước biển, chi phí giá thành cao, khai thác khó khăn. Dầu thô năm 2017 kế hoạch đạt được chỉ 13,28 triệu tấn, giảm 3 triệu tấn so với năm 2016. Tính toán cứ mỗi 1 triệu tấn dầu thô giảm đi thì GDP giảm 0,25%. Như vậy giảm 3 triệu tấn, làm giảm GDP 0,75%. Muốn khai thác thêm để tăng trưởng cũng không được vì khai thác dầu hiện phải đi vào vùng biển xa, trữ lượng dầu thô giảm.

Phó Thủ tướng cho biết, 3 tháng cuối năm tăng thêm 9% tín dụng nhưng không đáng lo ngại vì đây chỉ là chỉ tiêu định hướng. Điều hành tín dụng còn phụ thuộc khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Tổng mức tín dụng không quan trọng bằng chất lượng tín dụng. Chính phủ đã có cuộc họp quan trọng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước báo cáo các khoản nợ trên 5.000 tỷ đồng. Qua báo cáo, rà soát cho thấy các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tập đoàn địa ốc phần lớn là nợ nhóm 1- có khả năng nợ cao nhất. Còn tính tổng công ty mẹ, công ty con, tập đoàn nợ cao nhất là 20.000 tỷ đồng. Chủ yếu tín dụng chảy vào công nghiệp chế tạo, nông nghiệp nên tăng trưởng giảm bớt đầu tư vốn, tín dụng, điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật. Công nghiệp chế tạo dự kiến đạt tăng 13,5%, cao nhất từ năm 2010 trở lại đây, không chỉ bù đắp cho công nghiệp khai khoáng mà còn là động lực để tăng trưởng, Phó Thủ tướng cho hay.

 PHẠM HỮU HOA –THU THỦY