Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Lo ngại về thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Thứ tư, 23/05/2018 06:30

Ngày 22-5, Quốc hội thảo luận ở tổ nhằm đánh giá  bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Tại các tổ thảo luận, các đại biểu đặt ra hàng loạt vấn đề rất đáng quan tâm. Báo Công an TP Đà Nẵng lược trích một số nội dung thảo luận của các đại biểu.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, doanh nghiệp FDI sẽ tốt hơn nếu kết nối với doanh nghiệp trong nước thành một chuỗi giá trị. Trong ảnh: Ban lãnh đạo Samsung Việt Nam thăm, làm việc và khảo sát doanh nghiệp Việt Nam nhằm tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng linh, phụ kiện cho Samsung. Ảnh: News.samsung.com

Nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại với vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thời gian qua. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu “không thể phủ nhận sự đóng góp của doanh nghiệp FDI, nhưng sẽ tốt hơn nếu kết nối với doanh nghiệp trong nước thành một chuỗi giá trị” và đề nghị Chính phủ bảo đảm tiến độ đầu tư các công trình xây dựng cơ bản, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia; chấn chỉnh lại công tác quản lý nhà nước về đất đai, về tài sản công; quản lý đô thị, quy hoạch đô thị; rà soát tổng hợp các dự án ODA đang triển khai...

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân: “Trong 30 năm thu hút FDI đã đạt được kết quả nhất định, số vốn đăng ký lên tới trên 318 tỷ USD, giải ngân 172,3 tỷ USD. FDI thời gian qua hỗ trợ tăng trưởng 20%, vốn đầu tư 24%, kim ngạch xuất khẩu FDI chiếm tới 72%. Qua thông tin đó để thấy đây là yếu tố không bền vững, chỉ cần có một sự chuyển hướng đầu tư đi ra nước ngoài hoặc rút vốn ra là tác động đến kinh tế Việt Nam”. Đại biểu cho rằng, chúng ta rất cần nguồn vốn FDI nhưng phải có sự chuyển hướng hoặc có định hướng chiến lược trong thu hút nguồn vốn này. Bốn tiêu chí đại biểu đưa ra cho việc thu hút FDI, đó là xanh (phải đảm bảo về môi trường, Formosa phải được kiểm soát chặt chẽ), sạch (phải xem xét lý lịch doanh nghiệp, không để cấp phép rồi mới tá hỏa là doanh nghiệp đó đã bị tai tiếng ở các nước, phải đảm bảo doanh nghiệp hoạt động minh bạch,  đóng thuế, chống chuyển giá), chất lượng (quan tâm đến công nghệ cao) và tính lan tỏa. 

“Thời gian qua, FDI đầu tư vào Việt Nam nhiều nhưng lan tỏa đến sự hỗ trợ chuyển giao công nghệ để giúp cho các thành phần kinh tế trong nước phát triển là rất mờ”, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân. Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh), nhiều doanh nghiệp Việt Nam từ những năm trước đã phải cạnh tranh với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sau này, họ buộc phải bán doanh nghiệp. “Chúng ta đều thống nhất với nhau là FDI phải trở thành bộ phận hữu cơ của nền kinh tế, như anh Ngân nói, là phải lan tỏa”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói. 

Tuy nhiên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng tác động lan tỏa của khu vực kinh tế này chưa rõ, “sau mấy chục năm họ vào ta, lực lượng ấy, công nghệ ấy, nguồn lực ấy phải được chuyển thành cơ thể của chúng ta, nhưng đến nay, họ vẫn là một thành phần xa lạ”. Thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân là do quản lý kém, đại biểu cho rằng doanh nghiệp FDI vào Việt Nam mượn lao động giá rẻ, mượn ưu đãi, mượn đất đai, mượn môi trường, khi ưu đãi là ngân sách nhà nước bị mất đi một phần, nguồn thu ngân sách giảm. 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, lợi nhuận của các doanh nghiệp FDI rất lớn, kể cả Samsung. Các chuyên gia đã chứng minh những đóng góp của các doanh nghiệp này vào ngân sách là chưa tương xứng với những ưu đãi họ được hưởng. Cần có nhìn nhận và chính sách khác đi đối với FDI, không thể hy sinh môi trường, không thể dễ dãi trong việc thu hút FDI. Liên quan đến vấn đề này, ông lưu ý Chính phủ về xây dựng 3 đặc khu Phú Quốc, Vân Phong, Vân Đồn. Cho rằng chủ trương không sai, nhưng vấn đề nằm ở chỗ có khả năng thực hiện, quản lý và làm cho dự án đó thành công hay không bởi tỷ lệ thành công của các đặc khu trên thế giới không cao, bởi thành công còn phụ thuộc vào năng lực quản lý,... Ông cũng lưu ý về vấn đề ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là vấn đề bảo vệ chủ quyền tại 3 đặc khu này không được sao nhãng. Đặt vấn đề về việc người nước ngoài núp bóng người Việt, mua đất đai, nhà cửa tại các đặc khu, có thể họ vào đặc khu để làm kinh tế nhưng lại có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, đại biểu đặt câu hỏi dự luật đã có chế tài gì để bảo đảm tránh những chuyện đó?

THU THỦY – TTXVN

Trụ cột tăng trưởng chưa thực sự bền vững

Đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, kết quả năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 đưa ra những tín hiệu rất tốt. Theo Chủ tịch QH, bên cạnh sự phát triển của nền kinh tế, phải thẳng thắn nhìn nhận và có sự quan tâm theo dõi để tiếp tục có giải pháp căn cơ xử lý trong những tháng còn lại của năm 2018, tạo tiền đề cho năm tiếp theo. Chủ tịch QH nêu: các số liệu của Chính phủ cho thấy trụ cột tăng trưởng chưa thực sự bền vững, tập trung vào một số ngành, một số doanh nghiệp có số thu ngân sách lớn, sản phẩm xuất khẩu cao, đóng góp cho tăng trưởng nhiều. Điều đó chưa làm nên tính bền vững của cả một nền kinh tế. Tính kết nối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước thực sự chưa hiệu quả; những doanh nghiệp lớn chưa tạo ra hiệu ứng lan tỏa và kết nối một chuỗi giá trị tạo liên kết với doanh nghiệp trong nước.

Sức mạnh dân tộc được thể hiện rõ nét

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đất nước đang chuyển mình, niềm tin của người dân, của toàn hệ thống chính trị trong Đảng được nhân lên rất nhiều, đó là nguồn lực mạnh mẽ để chúng ta xây dựng đất nước. “Có thể nói, hệ thống của chúng ta, trên dưới một lòng, đoàn kết thống nhất từ trung ương đến địa phương. Sức mạnh dân tộc được thể hiện rõ nét thông qua những sự kiện lớn của đất nước... Chúng ta đã chuyển từ bị động sang chủ động tốt hơn rất nhiều”, Thủ tướng nói. 

Lấy ví dụ về nợ công, theo báo cáo đánh giá trình lên QH, nợ công đến cuối nhiệm kỳ 13 ở mức độ 64,8-65%/GDP, Thủ tướng cho biết, hiện do quy mô nền kinh tế tăng lên nên nợ công còn trên 61%, bảo đảm nền kinh tế an toàn, do chúng ta đạt GDP trên 5 triệu tỷ đồng. Dự kiến quy mô GDP sẽ đạt trên 7 triệu tỷ đồng, với tăng trưởng 6,7% và hơn thế nữa thì tình hình sẽ tốt hơn rất nhiều. Quy mô nền kinh tế từ chỗ đứng thứ 48 của thế giới, giờ Việt Nam đã đứng ở vị trí 40.

Cả 3 khu vực đều tăng trưởng mạnh

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu: Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá cụ thể hơn vấn đề: “Qua số liệu báo cáo của Chính phủ đã thể hiện các trụ cột tăng trưởng kinh tế chưa thật bền vững; quy mô GDP còn thấp so với dự kiến xây dựng Kế hoạch 5 năm 2016-20201, mô hình tăng trưởng chưa chuyển đổi rõ nét, động lực tăng trưởng chính chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối và đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; công nghiệp chế biến có nhiều đóng góp nhưng mới chỉ dừng lại ở khâu gia công, chưa phải là công nghệ cao, tỷ lệ giá trị gia tăng trong giá trị sản xuất có xu hướng giảm”. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, cả 3 khu vực công nghiệp (đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo), nông nghiệp và dịch vụ đều tăng trưởng mạnh. Khu vực dịch vụ có bước phát triển vượt bậc, đạt 7,44%, mức cao nhất kể từ năm 2008 tới nay, trong đó tiêu dùng trong nước lần đầu tiên tăng trên 2 con số đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn Ủy ban Kinh tế, QH nhìn nhận tình hình khách quan, trong bối cảnh cả nước đang thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phải khắc phục yếu kém của nền kinh tế tích tụ nhiều năm, vừa bảo đảm tăng trưởng để giúp công tác điều hành KT-XH đi đúng hướng.

B.T