Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước
Chiều 15-11, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước với 91,55% đại biểu tán thành. Luật Bảo vệ bí mật nhà nước gồm 5 Chương, 28 Điều, quy định về nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước; hợp tác quốc tế về bảo vệ bí mật nhà nước, các hành vi bị nghiêm cấm về bảo vệ bí mật nhà nước; kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ bảo vệ bí mật nhà nước; phạm vi bí mật nhà nước; phân loại bí mật nhà nước... Theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, phạm vi bí mật nhà nước là giới hạn thông tin quan trọng trong 15 lĩnh vực chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Đại biểu Ngô Thị Kim Yến phát biểu thảo luận. |
* Trước đó, sáng 15-11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). ĐB Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) đã tham gia phát biểu thảo luận tại phiên họp này. Theo dự án Luật, trình độ chuẩn giáo viên mầm non (GVMN), theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 72 thì GVMN phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm. Theo ĐB Yến, việc nâng chuẩn giáo viên là mong muốn để đảm bảo chất lượng giáo dục. Tuy nhiên cần tính đến tính khả thi và sự phù hợp của quy định với điều kiện KTXH. Hơn nữa, đối với GDMN, đối tượng là trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi có sự phát triển rất nhanh và đặc thù. Ở từng giai đoạn đòi hỏi rất khác nhau giữa nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục và điều này cũng đòi hỏi về kỹ năng, trình độ của giáo viên khác nhau. Do đó, không nhất thiết nâng chuẩn toàn bộ GVMN phải có trình độ Cao đẳng mà nên quy định là “Định kỳ GVMN phải được bồi dưỡng các chuyên đề phù hợp, tương ứng với từng lứa tuổi để phục vụ việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục cho trẻ em”.
Ngoài ra, ĐB Kim Yến cũng nêu lên một số bất cập trong việc đào tạo nhân lực ngành y tế. Theo ĐB, Nghị quyết 20-NQ/TW của BCH Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã khẳng định “Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”. Đồng thời, Nghị quyết đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về phát triển nhân lực và khoa học công nghệ y tế. Tuy nhiên, hiện nay trong đào tạo nhân lực chuyên nghiệp đặc thù trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam và trên thế giới là đào tạo chuyên khoa và chuyên khoa sâu cho người đã tốt nghiệp đại học, được gọi là chuyên khoa (CK) cấp I, cấp II. Thực tế, 40 năm qua Việt Nam cũng đã tổ chức đào tạo CK cấp I, cấp II; hiện nay, ngoài các bác sĩ, dược sĩ đào tạo hàn lâm thạc sĩ, tiến sĩ ở các trường đại học, các viện thì phần lớn các bác sĩ, dược sĩ có trình độ đào tạo CK cấp I, cấp II công tác tại các cơ sở y tế, bệnh viện. Đây cũng là lực lượng chính tham gia đào tạo cho sinh viên thực hành tại các cơ sở y tế, các bệnh viện. Do vậy, ĐB đề nghị bổ sung hệ thống đào tạo đặc thù nhân lực y tế vào hệ thống giáo dục quốc dân để đảm bảo thực hiện đồng bộ, thống nhất giữa Luật Giáo dục với Luật Giáo dục đại học và đúng với tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW của BCH Trung ương.
VŨ HƯNG