Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV: Xem xét vai trò của Thường trực HĐND trong đầu tư công
Chiều 16-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND), đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) nêu ý kiến: Theo Tờ trình của Chính phủ, việc quy định HĐND các cấp quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công hiện hành gây nhiều khó khăn, nhất là về thời gian, phụ thuộc nhiều vào các Kỳ họp của HĐND, theo quy định HĐND các cấp họp một năm 2 lần, làm giảm tính kịp thời, hiệu quả của công tác quyết định chủ trương đầu tư. Để khắc phục hạn chế này, dự án Luật bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND theo hướng Thường trực HĐND được phép thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND trong lĩnh vực đầu tư công trong thời gian giữa 2 kỳ họp và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất.
Thể hiện không đồng ý với việc bổ sung quy định này, đại biểu Nguyễn Trường Giang phân tích: Thường trực HĐND không phải là một cấp, không thể làm thay nhiệm vụ của HĐND. Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng không quy định về vấn đề này. Bên cạnh đó, việc giao nhiệm vụ của HĐND cho Thường trực HĐND thực hiện có thể gây ra sự lạm dụng, vận dụng tùy tiện trên thực tế, không bảo đảm sự chặt chẽ trong trình tự, thủ tục đầu tư vốn đã được Luật đầu tư công phát huy tác dụng trong thời gian qua. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 78 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương "HĐND họp mỗi năm ít nhất hai kỳ” và HĐND họp bất thường”. Do vậy, HĐND hoàn toàn có thể họp nhiều hơn hai kỳ/năm hoặc họp bất thường để quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, trong đó có việc quyết định chủ trương đầu tư.
Chung quan điểm, theo đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), dự án Luật có quy định nhiệm vụ quyền hạn của HĐND và Thường trực HĐND cấp tỉnh là vấn đề cần cân nhắc kỹ để tránh xung đột với Luật chính quyền địa phương.
Giải trình nội dung này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ trình quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND dựa theo hai căn cứ: khoản 3, Điều 6 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật hiện nay và các quy định của pháp luật khác có liên quan, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND. Thường trực bao gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Chánh Văn phòng, Trưởng các Ban của Hội đồng và cũng đã được Luật định trong việc này. Thứ hai, về nguyên tắc, khi có những công trình quan trọng, đột xuất, HĐND có quyền họp đột xuất để quyết định thế nhưng không phải lúc nào cũng có thể triệu tập được Thường trực HĐND vì vậy, phần lớn các địa phương đều cho rằng nên giao thẩm quyền này cho Thường trực HĐND. Chính phủ cho rằng chỉ có một vài công trình đột xuất, cấp bách chứ không phải thường xuyên vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét quy định này theo Tờ trình của Chính phủ.
T.THỦY – TTXVN