Kỳ họp thứ 7 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII: Nhiều thách thức mới trong an sinh xã hội

Thứ ba, 09/07/2013 14:37

(Cadn.com.vn) - Các vấn đề dân sinh liên quan tới tái định cư, giáo dục, y tế… đang có chiều hướng phức tạp, gây bức xúc cho người dân đã được nêu ra tại ngày họp đầu tiên của kỳ họp HĐND kỳ này.

Nhiều khu chung cư thiếu trường học

* Cần xem xét lại chủ trương không di dời giải tỏa vào năm 2014. Hiện các dự án tái định cư dở dang và nợ đất tái định cư còn khá lớn. Mặt khác cần nghiên cứu tổ chức lại hoạt động của các Ban quản lý và các đơn vị liên quan tới tái định cư.

Ông Mai Đức Lộc- Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách

Tình trạng quá tải ở các trường tiểu học khu vực trung tâm nhưng chưa có giải pháp căn cơ xử lý lại tiếp tục được đề cập tới trong kỳ họp HĐND TP kỳ này. Vì quá tải nên một số trường học sinh chỉ được học một buổi, trong khi nhu cầu học ngày 2 buổi khá lớn. Chính vì vậy, chủ trường của TP phấn đấu năm học 2015-2016 tất cả học sinh phải được học 2 buổi/ngày khó thực hiện.

Theo ông Vũ Hùng- Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội, để giải quyết thực trạng này cần phân bổ học sinh không chỉ theo phường mà còn mở rộng theo địa bàn quận, điều hòa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, quan tâm cơ sở vật chất tại nhiều trường để giảm tải cho trường trung tâm. Ngoài ra, cần có giải pháp quyết liệt để ngăn chặn việc chạy hộ khẩu để được vào học trường trung tâm. Ông Hùng nói: Mong muốn của người dân cho con được học ở những trường tốt là nguyện vọng chính đáng, vì vậy cần hình thành nhiều trường có cơ sở vật chất và chất lượng dạy học tốt trên diện rộng để tạo sự đồng đều trên địa bàn, không tiếp tục đầu tư ở những trường trung tâm hiện đang quá tải và chịu áp lực về nhiều mặt.

Tuy nhiên, đầu tư hạ tầng giáo dục, nhân lực không hề dễ trong điều kiện nguồn kinh phí cho giáo dục còn hạn chế. Đặc biệt ở một số khu chung cư tập trung đông dân mới hình thành hiện đang thiếu trường học, gây bức xúc cho người dân. Đại biểu Lê Thị Nam Phương- Chủ tịch HĐQT Sky Line cho biết, khi phát triển khu dân cư mới buộc phải gắn liền với hạ tầng từ y tế, giáo dục…Việc nhiều khu chung cơ mới ở Đà Nẵng thiếu trường học, trong điều kiện TP chưa có nguồn kinh phí đầu tư xây dựng thì có thể kêu gọi xã hội hóa. Đơn cử tại các khu chung cư mới P.Nại Hiên Đông, hiện TP đang làm đề án kêu gọi xây dựng 4 trường, trong đó Sky line cũng đã khảo sát, có kế hoạch đầu tư một trường mầm non tại đây.

Tuy nhiên, ĐB Phương cho rằng, để hiệu quả xã hội hóa giáo dục được tốt, TP cần có qui hoạch, lộ trình rõ ràng, thống nhất để nhà đầu tư chủ động nghiên cứu. Không ít nhà đầu tư sau khi khảo sát đầu tư trường học tại Đà Nẵng đã rút lui vì họ tính toán khả năng chi trả của người dân cho dịch vụ giáo dục mà họ mang lại không đảm bảo, nếu đầu tư hiệu quả không cao. “Tôi nghĩ việc TP kêu gọi xã hội hóa giáo dục tại các khu chung cư mới là cần thiết, cấp bách để tránh tình trạng thành lập các cơ sở giáo dục tư nhân, tự phát, khó kiểm soát và nhiều hệ lụy như đã từng xảy ra”- ĐBPhương nói.

Nhiều khu chung cư mới mọc lên nhưng thiếu trường học.

Lại lo ngộ độc thực phẩm

Không ít đại biểu tỏ ra lo lắng trước thực trạng gia tăng số vụ ngộ độc thực phẩm và số người mắc. Mặc dù vậy, theo đánh giá của Ban VH-XH, công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm ở các nhà hàng, quán ăn, các cơ sở, cá nhân kinh doanh thức ăn đường phố chưa được tiến hành thường xuyên. Bên cạnh đó, hiệu quả xử lý các vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm chưa cao. Trao đổi với PV, BS Phạm Hùng Chiến- Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, trong 4 vụ ngộ độc thực phẩm ở Đà Nẵng đều liên quan đến thức ăn đường phố. Trong đó 2 vụ có số người ngộ độc nhiều nhất do ăn bánh mì. Đơn cử như vụ 29 người ngộ độc ở nhà hàng C.N, do nhà hàng này đã đi mua thức ăn từ đường phố mang về phục vụ khách. Sai phạm của cơ sở này rất lớn, tuy vậy mức phạt kịch khung cũng chỉ có 8 triệu đồng (theo ông Chiến, mức phạt đó chưa cao nên khó có sức răn đe).

Mặt khác, lý giải về sự gia tăng số vụ, số người ngộ độc, ông Chiến cho rằng đó là thực trạng chung của cả nước không riêng gì Đà Nẵng. Lý do vì thời tiết nắng nóng, thực phẩm chế biến không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, đặc biệt là ý thức bảo quản của các hộ kinh doanh và điều kiện kinh doanh vỉa hè không đảm bảo. Người dân cũng chưa chủ động tẩy chay những quán ăn vỉa hè không hợp vệ sinh. Từ thực tế đó, ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt như tổng kiểm soát thường xuyên các điểm kinh doanh thức ăn đường phố, các nhà hàng. Song giải pháp quan trọng nhất, theo ông Chiến phải tuyên truyền để nâng cao ý thức phòng tránh ngộ độc của người dân.

Cũng trong lĩnh vực y tế, Ban VH-XH cho rằng công tác quản lý các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, quản lý giá thuốc còn nhiều bất cập. Ông Chiến giải thích, về giá thuốc trong các bệnh viện toàn TP là thống nhất. Còn giá thuốc ngoài các cửa hàng thì không quản lý được, vì họ hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường, ngành y tế chỉ có thể kiểm tra thuốc đó là thật hay giả chứ không thể can thiệp được giá thuốc. Muốn kiểm soát được giá thuốc của các cơ sở này cần có đoàn kiểm tra liên ngành của TP. Còn tại các cơ sở y tế tư nhân, người dân tới khám và mua thuốc luôn tại đây, theo bác sĩ khám, mức giá thế nào do phòng khám đưa ra. Nếu có những bất cập lớn nhưng người dân không phản ánh thì Sở cũng khó biết và có cơ sở xử lý.

Kinh tế còn nhiều cái vướng

Tổng vốn đầu tư xã hội tại Đà Nẵng giảm trên 23% so với cùng kỳ, điều đó phản ánh môi trường kinh doanh của TP đang có nhiều cái vướng. Và một thước đo khác phản ánh rõ nét hơn là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giảm trong khi chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng tăng. Ông Mai Đức Lộc- Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách cho biết, các DN trên địa bàn vẫn đang rất khó khăn do sức mua thị trường còn thấp, công nghệ lạc hậu, khó tiếp cận tín dụng. Mặc dù TP đã có nhiều cố gắng hỗ trợ DN song chưa có cơ chế tác động đủ mạnh, dẫn đến tăng trưởng công nghiệp vẫn thấp. Một mũi nhọn kinh tế khác của Đà Nẵng là du lịch, dù có một số kết quả khả quan, song vẫn nhiều trăn trở.

Đơn cử như việc loay hoay mãi chưa hình thành được chợ đêm, phố đi bộ, phố chuyên doanh…Điều này một phần dẫn đến sản phẩm du lịch còn hạn chế, thời gian lưu trú của khách, nhất là khách quốc tế chưa được cải thiện rõ rệt. Để giải quyết các vấn đề này, ông Lộc cho biết TP cần tổng kết mô hình hoạt động, quản lý của các khu công nghiệp nhằm tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp. Bên cạnh đó, cần rà soát lại quĩ đất trong các khu công nghiệp, chấm dứt tình trạng chiếm dụng diện tích nhằm mục đích chuyển nhượng. Trong lĩnh vực du lịch cần đa dạng các sản phẩm, cần xem biển là tài nguyên du lịch chính của TP.

Hải Hậu