Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII: Áp lực vay mới để trả nợ cũ

Thứ tư, 11/06/2014 09:34

Chiều 10-6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 bộ trưởng, trưởng ngành. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đăng đàn đầu tiên để trả lời chất vấn của Quốc hội về những vấn đề “nóng” liên quan đến an ninh tài chính quốc gia. “Hỗ trợ” Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời còn có Bộ trưởng các Bộ: KH&ĐT, Công Thương, Y tế và Tổng kiểm toán Nhà nước tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan.

Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn; kế đến Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, các ĐBQH bắt đầu chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

ĐBQH Huỳnh Nghĩa chất vấn Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng vào chiều 10-6.

Nợ công: Đâu là ngưỡng an toàn?

Các nội dung lớn được các ĐBQH, cử tri và dư luận xã hội quan tâm là vấn đề nợ công, khả năng cân đối nguồn trả nợ và giải pháp giảm nợ công để bảo toàn nền tài chính quốc gia; tình trạng chuyển giá, hoàn thuế sai và trốn thuế, gian lận trong kê khai thuế gây thất thu cho ngân sách Nhà nước; việc kiểm soát và bình ổn giá thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu có tác động trực tiếp đến đời sống dân sinh; vấn đề tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và giải pháp thúc đẩy nhanh, hiệu quả hơn.

Liên quan đến vấn đề nợ công, trước đó, Kiểm toán Nhà nước có báo cáo kiểm toán về niên độ ngân sách năm 2012 gửi đến các ĐBQH tại kỳ này cho thấy các chỉ tiêu giám sát nợ công và nợ nước ngoài quốc gia năm 2012, tổng dư nợ theo Luật Quản lý nợ công đến ngày 31-12-2012 là 1.642.916 tỷ đồng (bằng 55,7% GDP), số dư nợ công tăng 18,2% so với năm 2011. Còn theo báo cáo của Bộ Tài chính, những năm gần đây về tình hình nợ công có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nếu so với GDP thì tỷ lệ thay đổi không nhiều và thấp hơn mức quy định của Quốc hội là 65%. Vấn đề đặt ra là áp lực về vay mới để trả nợ vay cũ trong nước là tương đối lớn bởi thị trường vốn trong nước còn chưa phát triển, đối tượng mua trái phiếu Chính phủ phần lớn là các ngân hàng thương mại, trong khi cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng này chủ yếu là không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn ngắn...

Sáng 10-6, Quốc hội họp riêng ở tổ để thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài  chính trả lời cụ thể về khoản nợ hiện nay của 2 tập đoàn Vinashin và Vinalines? Chính phủ có phải đứng ra để trả nợ thay cho hai tập đoàn này hay không? Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: “Khi cần thiết Chính phủ cũng can thiệp vào tài chính của các doanh nghiệp lớn. Hiện đã cấp bảo lãnh Chính phủ để phát hành trái phiếu tái cơ cấu lại nợ của Vinashin, việc này thực hiện trên cơ sở nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ và tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp lý về cấp và bảo lãnh nợ của Chính phủ. Việc xử lý nợ cũng chỉ trong giới hạn phạm vi số nợ của công ty mẹ tập đoàn Vinashin và 8 công ty con. Số liệu nợ cũng đã được đối chiếu, rà soát kỹ lưỡng, kết quả là giảm 70% nghĩa vụ nợ của Vinashin. Về số liệu cụ thể thì nếu đại biểu cần thì trao đổi chi tiết với đại biểu”.

Về câu hỏi của ĐB Huỳnh Nghĩa, nợ công có tính cả khoản vay do bảo lãnh nợ của Chính phủ cho DN Nhà nước không? Bộ trưởng Tài chính cho biết đã bao gồm phần bảo lãnh của Chính phủ cho doanh nghiệp vay. Trả lời việc vay để đảo nợ tác động đến nợ công thế nào?, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói: “Nhìn chung vay để đảo nợ không ảnh hưởng nợ công. Vấn đề là làm sao huy động được vốn trong thời gian tới, để được vay vốn với thời hạn dài hơn, giải pháp tái cơ cấu nợ công là giải pháp quan trọng. Giám sát việc quản lý tiền vay trong, ngoài nước mới là vấn đề đại sự để phòng chống lãng phí, chống đầu tư dàn trải không hiệu quả”.

Phạm pháp trong lĩnh vực kinh tế còn nhiều

Về tình trạng chuyển giá, Bộ Tài chính cho biết, hành vi này làm thất thu ngân sách Nhà nước, tác động đến môi trường đầu tư của Việt Nam, làm méo mó kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và mất công bằng trong chấp hành pháp luật thuế giữa các doanh nghiệp. Chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2014, cơ quan thuế đã thanh, kiểm tra 361 doanh nghiệp lỗ, có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; đã truy thu, truy hoàn và xử phạt 287,2 tỷ đồng, giảm khấu trừ 17,6 tỷ đồng, giảm lỗ 1.232,5 tỷ đồng.

Đối với các hành vi sai, trốn thuế và gian lận trong kê khai, hoàn thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính chỉ rõ các hành vi sai là lợi dụng các quy định thuận lợi trong việc thành lập doanh nghiệp; lợi dụng quy định cho phép doanh nghiệp tự in ấn và phát hành hóa đơn; mua bán hàng hóa lòng vòng để hợp thức hóa hóa đơn giá trị gia tăng đầu vào đối với hàng hóa là nông, lâm, thủy hải sản qua các khâu thương mại trung gian; lợi dụng kiểm tra hàng hóa xuất khẩu theo tỷ lệ phần trăm (%) và thanh toán tiền hàng xuất khẩu chung đường biên giới bằng tài khoản vãng lai. Trong 6 tháng cuối năm 2013 đã phát hiện 33 vụ vi phạm lớn, khởi tố 17 doanh nghiệp, truy tố 22 đối tượng, thu hồi cho ngân sách 26,784 tỷ đồng. Về tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết đến hết tháng 5-2014, cả nước đã sắp xếp được 5.971 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 4.066 doanh nghiệp.

Trân trọng ý kiến của cử tri cả nước

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, cử tri cả nước đã gửi đến Quốc hội 2.195 kiến nghị các lĩnh vực của đời sống kinh tế- xã hội; đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp, các dự án luật và công tác chỉ đạo, điều hành... Đến trước kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời 2.195 kiến nghị, đạt 100%. Qua đó, Chính phủ đã tiếp thu trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế- xã hội, đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó có những vấn đề nhiều cử tri kiến nghị về: giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của ngư dân và nông dân; ngăn chặn, xử lý tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm; giải quyết khó khăn cho người dân tại khu tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quản lý, kinh doanh xăng dầu; miễn, giảm học phí đối với học sinh, sinh viên thuộc đối tượng chính sách và khắc phục tình trạng lạm thu các khoản ngoài học phí; phòng, chống tham nhũng; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cử tri và nhân dân cả nước, đồng bào ta đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài đã có nhiều việc làm thiết thực, phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; đoàn kết một lòng, ủng hộ chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước ta; chung tay góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; kiên quyết đòi Trung Quốc đưa giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam. Đồng thời hoan nghênh, trân trọng các kiến nghị tâm huyết, trách nhiệm về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại...

B.T- H.Hoa