Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII: Từ 1-1-2015, nữ công dân Việt Nam được quyền mang thai hộ
(Cadn.com.vn) - Ngày 19-6, Quốc hội (QH) biểu quyết thông qua 2 dự án Luật Phá sản (sửa đổi) với tỷ lệ 86,75% ĐBQH tán thành và Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ, sửa đổi) với tỷ lệ 79,52%. Cũng trong ngày làm việc hôm nay, QH thảo luận 2 dự án luật: Luật Căn cước công dân (CCCD) và Luật Hộ tịch.
Luật Phá sản (sửa đổi) gồm 9 Chương, 133 Điều, quy định về trình tự, thủ tục nộp đơn, thụ lý và mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và biện pháp bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản; thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh; tuyên bố phá sản và thi hành quyết định tuyên bố phá sản. Đối tượng áp dụng của Luật là các doanh nghiệp và hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Luật HN&GĐ (sửa đổi) gồm 10 chương, 133 Điều quy định những nguyên tắc cơ bản của chế độ HN&GĐ; tuổi kết hôn; quy định giải quyết hậu quả của việc nam nữ sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn... Vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau đó là việc cho phép mang thai hộ với mục đích nhân đạo cũng đã được quá bán ĐBQH tán thành thông qua... Hai Luật trên sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2015.
Thảo luận về Luật CCCD và Luật Hộ tịch, hầu hết các ĐBQH đều nhận định đây là 2 dự luật rất quan trọng, đồng thời đề nghị phải xem xét, chỉnh lý để thống nhất ban hành 2 luật này vào cuối năm 2014. Liên quan đến việc cấp mã số định danh cá nhân (MSĐDCN), Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị phải MSĐDCN ngay từ khi làm giấy khai sinh. Tuy nhiên, đến khi công dân đủ 14 tuổi mới được làm thẻ CCCD theo MSĐDCN đã được cấp từ khi làm giấy khai sinh. Khi đó mới đưa ảnh nhận dạng vào thẻ CCCD bởi khi đủ 14 tuổi đặc điểm nhận dạng của mỗi người sẽ ít thay đổi. Nhiều ĐBQH cũng nhất trí với quy định cấp thẻ CCCD thay cho CMND để đơn giản hóa nhiều loại thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, đồng thời phù hợp với xu hướng hiện đại trong quản lý Nhà nước về dân cư.
Về dự án Luật Hộ tịch, các ĐBQH cho rằng phải khắc phục thủ tục đăng ký hộ tịch còn quá rườm rà, việc quản lý hộ tịch ở cấp tỉnh chỉ mang tính thủ tục, cán bộ công chức làm công tác hộ tịch ở cấp xã, huyện trình độ năng lực còn hạn chế, hay để xảy ra sai sót trong việc kê khai các thông tin của công dân khi đăng ký hộ tịch, chưa gắn kết giữa quản lý hộ tịch với chức năng của UBND. Việc quản lý hộ tịch, lưu giữ cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu hộ tịch bằng công nghệ thông tin là rất tiện dụng cho người dân, đồng bộ hóa với các dịch vụ an sinh xã hội như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ sự lo ngại trước trình độ của cán bộ công chức cấp xã, huyện trong việc sử dụng các công nghệ số hóa. Do đó, cần phải nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ làm công tác hộ tịch địa phương.
B.T