Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV: Gay cấn biểu quyết các phương án liên quan đến rượu, bia

Thứ ba, 04/06/2019 07:33

Chiều 3-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội tiến hành lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử đối với một số nội dung trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm 7 chương, 36 điều.

Quốc hội biểu quyết một số nội dung trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông, dự thảo luật đưa ra hai phương án. Phương án 1: quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn. Phương án 2: quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.

Biểu quyết bằng hệ thống điện tử đối với phương án 1, đã có 214/441 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 44,21% tổng số đại biểu Quốc hội). Với phương án 2, đã có 240/417 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 49,59% tổng số đại biểu Quốc hội).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, kết quả biểu quyết cho thấy cả hai phương án đều chưa được quá 50% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Liên quan đến quy định về thời gian bán rượu bia, có hai phương án được đưa ra. Theo phương án 1: Bổ sung quy định thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau. Phương án 2: Không quy định về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ.

Biểu quyết bằng hệ thống điện tử đối với phương án 1, đã có 224/440 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 46,28% tổng số đại biểu Quốc hội). Với phương án 2, đã có 214/432 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 44,21% tổng số đại biểu Quốc hội). Như vậy, cả 2 phương án đều chưa được quá 50% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Tại phiên làm việc, các đại biểu Quốc hội cũng biểu quyết thông qua quy định về quản lý quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ rượu, bia. Theo đó, hai phương án để lựa chọn bao gồm: “Quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em" hoặc "quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình từ 19 giờ đến 20 giờ hằng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em".

Kết quả, với 351/442 đại biểu tán thành (chiếm 72,52% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã đồng ý đưa quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em vào dự thảo luật.

Theo chương trình, toàn bộ dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia sẽ được biểu quyết thông qua vào ngày 14-6.

Q.NHƯ – T.THỦY

Năm 2020, Quốc hội giám sát tối cao chuyên đề phòng, chống xâm hại trẻ em

Sáng 3-6, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và thảo luận về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020.  Theo Tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 1 trong 2 chuyên đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên. Cuối phiên thảo luận, với 79,13% đại biểu tán thành, Quốc hội đã quyết định lựa chọn giám sát tối cao năm 2020 chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Điều hành thảo luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề; Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm việc triển khai thực hiện đạt kết quả cao.

T.T