Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Vì sao Việt Nam có những con đường đắt nhất hành tinh?

Thứ ba, 28/05/2019 07:47

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 27-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giải trình tại phiên họp.

Vấn đề giá đất để tính tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi và tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất phải nộp ngân sách là nội dung được nhiều đại biểu tập trung phân tích, cho ý kiến tại phiên thảo luận sáng 27-5.

Khung giá đất chưa phù hợp

Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), hiện nay, giá đất rất bất cập, không sát với thị trường gây thiệt hại cho người dân, gây bức xúc, khiếu kiện, thất thu ngân sách. Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần theo sát diễn biến của thị trường để điều chỉnh kịp thời khung giá đất, chấm dứt tình trạng có khu vực đã áp mức giá tối đa của Chính phủ nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thị trường. Ngoài ra, Chính phủ cần hoàn thiện các phương pháp tính giá đất, các vấn đề liên quan đến xác định giá đất để các địa phương xác định Bảng giá đất cụ thể phù hợp thị trường, bảo đảm lợi ích cho người dân và không gây thất thoát ngân sách.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, đây là vấn đề rất khó, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng không thể không làm vì Hiến pháp đã quy định rõ “Đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý”. “Đất đai là của nhân dân, nhân dân đã trao quyền đại diện chủ sở hữu cho Nhà nước nên Nhà nước phải có trách nhiệm ban hành chính sách, tổ chức thực hiện chính sách để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Không tính toán được giá đất sát thị trường, không thể chấm dứt được khiếu kiện, mất an ninh trật tự xã hội và thất thoát nguồn thu từ đất đai”, đại biểu Hoàng Quang Hàm nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) nêu quan điểm, giá đất, định giá đất là khâu cơ bản để xây dựng hệ thống tài chính đất đai lành mạnh. Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, nguồn thu từ đất bị thất thoát, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước và có nhiều điểm bất hợp lý. Theo đại biểu, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các quy định liên quan đến việc định giá đất còn nhiều bất cập. “Hiện nay, chúng ta đang quản lý giá đất theo Khung giá đất của Chính phủ và Bảng giá đất của UBND cấp tỉnh nhưng có thể thấy là thấp hơn giá trị thật, dẫn đến thất thu nguồn thu của ngân sách Nhà nước. Trên thực tế, Khung giá đất và Bảng giá đất này chủ yếu sử dụng để tính thuế, phí về đất đai”, đại biểu Nguyễn Trường Giang phân tích.

Đề xuất dịch vụ giá đất độc lập

Cũng theo đại biểu Nguyễn Trường Giang, Luật Đất đai quy định rõ, việc xác định giá đất cụ thể phải dựa trên cơ sở điều tra, thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai. Trong khi đó, liên quan đến giá đất thị trường, các loại thuế liên quan đến đất đai được tính theo Bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành, không căn cứ vào giá trị thực ghi trong các hợp đồng giao dịch. Việc xác định giá đất sát với giá thị trường là không khả thi và thường thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Hơn nữa, việc thẩm định giá đất do Hội đồng thẩm định giá đất (do Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Chủ tịch) khó bảo đảm tính khách quan.

Từ thực tế này, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề xuất, giá đất phải do tổ chức cung cấp dịch vụ giá đất độc lập thực hiện. Ngoài ra, công tác theo dõi, cập nhật biến động giá đất trên thị trường; công tác xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất; cơ chế giám sát các cơ quan quản lý, cơ quan định giá... cũng làm chưa tốt. Việc chưa có giải pháp cụ thể để xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất thị trường và giám sát việc định giá đất là những yếu tố gây khó khăn cho việc xác định giá đất cụ thể. “Đây là những nguyên nhân xuất phát từ quy định của pháp luật, có những nội dung cần phải sửa trong Luật Đất đai 2013, nhưng cũng có nội dung liên quan đến các văn bản dưới luật cần được khẩn trương sửa đổi, bổ sung”, đại biểu nhận định.

Quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ

Từ thực tiễn và ý kiến của cử tri, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng, chất lượng quy hoạch đô thị còn thấp, vẫn tồn tại quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm. Đại biểu dẫn chứng, theo báo cáo chưa đầy đủ, trên cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1-6 lần. Quy hoạch được điều chỉnh có xu hướng tăng lợi ích của nhà đầu tư, giảm tối đa các tiện tích công cộng và lợi ích của người sử dụng như: giảm diện tích đất công cộng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng, giảm diện tích cây xanh... Đồng thời, các khu tái định cư cho người dân lại có chỉ tiêu hạ tầng, các tiện ích, chất lượng đô thị thấp. Điều này gây tổn hại về kinh tế, gây bức xúc cho xã hội, cho người dân như tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa là ngập, quá tải điện...

“Điều chỉnh quy hoạch tùy tiện đã làm nát quy hoạch, chậm tiến độ, gây đội vốn, thất thoát, giảm hiệu quả đầu tư công, đồng thời gây ra nhiều hệ lụy, bức xúc khác. Cử tri mong muốn, trụ sở cũ của các bộ, ngành khi di dời sẽ phải thành vườn hoa, công viên, các công trình công cộng, làm tiện ích chứ không phải nhìn thấy các tòa nhà chung cư cao chọc trời”, đại biểu Đinh Duy Vượt nhấn mạnh và đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo thắt chặt quy hoạch, quản lý quy hoạch, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trách nhiệm nhằm ngăn chặn những hiện tượng này.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, quy hoạch sử dụng đất hiện nay mới chỉ làm được việc chuẩn bị diện tích đất theo nhu cầu sử dụng của các ngành, địa phương, chưa có nội dung phân vùng không gian sử dụng đất. Qua giám sát cho thấy, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn có nhiều khoảng trống pháp lý. Quá trình tham gia của người dân, doanh nghiệp trong quá trình lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch còn nhiều hạn chế. Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết còn tùy tiện, phá vỡ quy hoạch ban đầu.

“Đúng là trong quá trình triển khai quy hoạch vẫn cần điều chỉnh, nhưng nhiều quy hoạch điều chỉnh có dấu hiệu tư lợi hoặc theo tư duy chủ quan, hoặc theo đề xuất của chủ đầu tư. Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tuy có điều chỉnh nghĩa vụ tài chính của nhà đầu tư nhưng việc điều chỉnh trong nhiều trường hợp chưa tương xứng dẫn đến thất thoát nguồn thu của ngân sách Nhà nước, gia tăng áp lực lên cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội”, đại biểu Nguyễn Trường Giang chỉ rõ.

Theo đại biểu, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do chưa có một hệ thống thiết chế, đánh giá độc lập để theo dõi quá trình triển khai quy hoạch nói chung, điều chỉnh quy hoạch nói riêng. Đại biểu đề nghị Quy hoạch sử dụng đất được lập phải là kịch bản sử dụng đất cho tầm nhìn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, phản ánh được nhu cầu phát triển KT-XH và môi trường. Theo đó, quy hoạch sử dụng đất phải phân tích được chi phí lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường sử dụng nguồn lực về đất đai trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Quá trình lập quy hoạch, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết phải được công khai từ khâu đề xuất như lấy ý kiến chuyên gia, người dân, doanh nghiệp. Việc điều chỉnh quy hoạch nên giao cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thực hiện.

Hoàn thiện thể chế

Thẳng thắn chỉ ra thực tế là công tác lập quy hoạch một số nơi còn chậm so với yêu cầu phát triển, dẫn đến khi có yêu cầu quy hoạch rồi lại phải điều chỉnh dự án, ảnh hưởng đến nhà đầu tư, đồng thời phải bồi thường giải phóng mặt bằng lớn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu “có những con đường của Việt Nam là những con đường đắt nhất hành tinh, điều này thấy rõ là tại công tác quy hoạch chậm”. Theo Phó Thủ tướng, việc đầu tư phát triển đô thị (trong đó có phát triển các đô thị, nhà ở, khu công nghiệp, cơ sở dịch vụ...) mới chỉ tuân thủ quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch đã dẫn đến đầu tư phát triển theo phong trào ở nhiều nơi, không phù hợp với nhu cầu và khả năng cung cấp nguồn lực làm lệch pha cung cầu, dư thừa sản phẩm bất động sản, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản, làm lãng phí nguồn lực Nhà nước. Đây cũng là nguyên nhân gây ra rất nhiều dự án treo, đất bỏ hoang.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, theo Phó Thủ tướng, thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương phải tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế liên quan đến quy hoạch sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng nói chung và phát triển đô thị nói riêng.

Các bộ, ngành liên quan và các địa phương phải xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, căn cứ vào nhu cầu của xã hội, yêu cầu phát triển và khả năng đáp ứng của nguồn lực nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch treo. Phải lựa chọn các dự án ưu tiên để đầu tư xây dựng, khắc phục tình trạng đầu tư tự phát, phong trào, không có kế hoạch. Kiểm soát đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Cùng với đó, tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ theo đúng quy định của pháp luật. Xây dựng cơ chế kiểm soát việc xác định giá đất đảm bảo công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường, tránh thiệt hại cho Nhà nước.

THU THỦY – TTXVN

Phát triển quá nhanh, quá nóng, khó quản lý

Đại biểu Nguyễn Anh Trí.

Theo báo cáo của Chính phủ, từ năm 2014 đến 2018, cả nước phát sinh trên 342.000 đơn khiếu nại với khoảng 156.000 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước (khiếu nại về đất đai chiếm trên 60% số này). Qua giải quyết khiếu nại, các cơ quan hành chính nhà nước đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, công dân gần 1.400 tỷ đồng, 772ha đất... Tình hình khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai đã giảm so với trước đây nhưng còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ khiếu nại kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm, có nơi, có lúc đã làm ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội.

Bên hành lang Kỳ họp, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội, thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch quản lý, sử dụng đất đai) cho biết: Từ khi Luật Đất đai năm 2013 ra đời đến nay, hoạt động đầu tư đất đai phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, nội dung, hình thức. Tuy nhiên, công tác quy hoạch, sử dụng đất còn nhiều bất cập, sai phạm, gây bức xúc lớn trong xã hội...

Theo đại biểu, những khuyết điểm, tồn tại, vi phạm của Luật Đất đai năm 2013 vẫn còn phổ biến. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân các tập đoàn xây dựng nhà ở thương mại không chấp hành quy định của Luật Đất đai trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, cách quản lý của chính quyền địa phương lỏng lẻo, giám sát không tích cực, thiếu quan tâm đến lợi ích chính đáng của người dân cũng là lý do dẫn đến tình trạng sai phạm còn phổ biến.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng,  tình trạng bất cập trong quản lý và sử dụng đất đai hiện nay còn do quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh ở các địa phương, đặc biệt là khu vực miền Đông Nam Bộ. “Cách đây 10 năm chúng ta chỉ có khoảng 600 đô thị, nhưng nay đã trên 800 đô thị. Do phát triển quá nhanh, quá nóng nên rất khó quản lý, theo dõi”, đại biểu nhấn mạnh.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Anh Trí còn cho rằng việc các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng nhiều resort ở các bãi biển khiến người dân không được tắm biển ở những khu vực này, xâm hại lợi ích cộng đồng, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề xuất, chính quyền các địa phương cần vào cuộc tích cực để lấy lại những khoảng trời, mặt biển, bãi biển, bờ sông, mặt hồ... cho nhân dân. “Các khu đô thị san sát với những tòa nhà chọc trời liền kề nhau ngăn cản hướng gió, cư dân sống ở sát sông, sát biển mà giống như trên núi”.

T.T