Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII: Chưa thống nhất về tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, phường

Thứ bảy, 08/11/2014 15:45

(Cadn.com.vn) - Chiều 7-11, thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, vẫn còn không ít ý kiến đại biểu Quốc hội trái chiều nhau về việc tổ chức hay không tổ chức Hội đồng nhân dân ở các cấp quận, phường.

Nên hay không nên tổ chức HĐND cấp quận, phường?

Theo quy định tại Điều 111 của Hiến pháp, chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính; cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định. Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, dự thảo Luật đã trình 2 phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Một số đại biểu thống nhất với quy định cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở các đơn vị hành chính: tỉnh, huyện, xã; thành phố trực thuộc trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đơn vị hành chính tương đương thuộc thành phố trực thuộc trung ương; thị trấn. Riêng đơn vị hành chính quận, phường chỉ tổ chức UBND.

Các đại biểu cho rằng việc không tổ chức HĐND quận, phường được đưa ra trên cơ sở thực hiện thí điểm của 10 tỉnh, thành phố về việc không tổ chức HĐND ở cấp quận, huyện, phường với những kết quả khả quan của quá trình thí điểm, là cơ sở để nhân rộng mô hình này trên phạm vi toàn quốc. Việc không tổ chức HĐND cấp quận, phường về mặt bản chất là chuyển từ hình thức dân chủ đại diện sang hình thức dân chủ trực tiếp. Khi đó, chính quyền địa phương sẽ gần dân, sát dân hơn, người dân trực tiếp tiếp xúc với UBND để phản ánh tâm tư, nguyện vọng và được UBND trực tiếp giải quyết các vấn đề bức xúc của mình.

Trong quá trình tiếp xúc, người dân có đầy đủ thông tin để đóng góp ý kiến của mình cho việc xây dựng chính quyền, mà cụ thể ở đây là xây dựng UBND. Đồng thời, người dân thực hiện tốt hơn quyền giám sát của nhân dân đối với chính quyền địa phương. Không tổ chức HĐND cấp quận, phường không có nghĩa là bỏ chức năng đại diện giám sát và quyết định các vấn đề ở cấp quận, phường. Chức năng này sẽ được chuyển cho HĐND thành phố, thị xã thực hiện. Bên cạnh đó, không tổ chức HĐND cấp quận, phường sẽ tinh giản bộ máy, biên chế, giảm các chi phí cho hoạt động của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến nghiêng về quy định cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở tất cả các cấp như hiện hành, ở đâu có cơ quan quyền lực, ở đó có cơ quan giám sát. Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng không thể vi phạm nguyên tắc ở đâu có cơ quan hành pháp, ở đó có cơ quan giám sát; có cơ quan quyền lực, phải có cơ quan giám sát. Đại biểu lý giải trong số 10 tỉnh thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, không phải ở đâu hoạt động của HĐND cũng yếu kém, nhiều Nghị quyết của Đảng đã đánh giá HĐND đã đóng góp vào việc xây dựng chính quyền ngày một tốt hơn, đến khi thí điểm lại nói yếu kém là không nhất quán.

Theo đại biểu, HĐND hoạt động chưa hiệu quả có phần bắt nguồn từ công tác tổ chức và việc giao thẩm quyền cho họ, về mặt con người chưa được quan tâm đúng mức. Thực chất vừa qua có tình trạng hoạt động của HĐND các cấp chỉ biểu quyết hợp thức hóa một số chỉ tiêu đã xác định. Do vậy, để khắc phục những yếu kém trong hoạt động của HĐND cần đưa vào Luật những nội dung HĐND có toàn quyền quyết định như vậy mới thực quyền, giao quyền nhưng không thực hiện được mới có cơ sở đánh giá không hiệu quả. Ở tất cả các cấp chính quyền đều phải có HĐND, UBND do HĐND bầu ra. Đây cũng là quan điểm của các đại biểu Nguyễn Đức Chung, Trịnh Thế Khiết, Nguyễn Minh Quang (Hà Nội).

Thảo luận tại tổ về Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị làm rõ khái niệm của Ủy ban nhân dân và Ủy ban hành chính trong luật bởi Ủy ban hành chính làm việc theo chế độ thủ trưởng còn Ủy ban nhân dân làm việc theo chế độ tập thể. Về tên gọi, Chủ tịch Quốc hội vẫn đề nghị là gọi Ủy ban nhân dân mặc dù nơi đó không tổ chức Hội đồng nhân dân, còn nếu địa phương có Hội đồng nhân dân thì vẫn thực hiện việc Hội đồng nhân dân bầu Ủy ban nhân dân như hiện nay.

Cơ cấu lại tổ chức bộ máy của chính quyền

Góp ý về vấn đề phân định thẩm quyền giữa các cơ quan Nhà nước ở trung ương và địa phương và giữa chính quyền địa phương các cấp, các đại biểu cho rằng phải cơ cấu lại tổ chức bộ máy của chính quyền từ trung ương xuống địa phương. Bộ máy hành chính nước ta cồng kềnh, kém hiệu quả, tổ chức bộ máy chồng chéo; chức năng trùng lắp; hệ thống tổ chức vừa cắt khúc, vừa trùng lắp, vừa phân đoạn nhưng lại vừa có nhiều cơ quan trung gian, rất khó khăn trong thi hành công vụ và cải cách hành chính. Cải cách hành chính không làm được, tinh giản bộ máy hành chính không làm được, nguyên nhân là do cơ cấu tổ chức bộ máy thiếu khoa học, cần phải tổ chức định hình lại bộ máy. Ngoài ra, tinh giản biên chế không làm được như mong muốn là do chức năng nhiệm vụ không rõ ràng, chồng chéo, dẫm đạp lẫn nhau.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) đề nghị tổ chức lại bộ máy, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, số lượng nhân sự của HĐND, UBND. Trong Luật Chính quyền địa phương phải quy định rõ chính quyền địa phương được làm những vấn đề gì, từ đó phân định cụ thể chức năng, nhiệm vụ chính quyền địa phương từng cấp và cần ghi rõ trong Luật.

Các đại biểu nêu rõ mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề hệ trọng của quốc gia, nên phải được Quốc hội thảo luận, cân nhắc thận trọng trên cơ sở tổng kết việc thực hiện chủ trương của Đảng thí điểm một số nội dung về tổ chức chính quyền đô thị và kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương.

Cần cụ thể hóa rõ hơn về quyền hành pháp

Sáng 7-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Về mục tiêu, quan điểm xây dựng Luật, các đại biểu nhất trí với báo cáo thẩm tra đề nghị Chính phủ cần bổ sung quan điểm xây dựng một Chính phủ sáng tạo, năng động, tinh gọn về tổ chức, hiệu lực, hiệu quả về hoạt động, đủ tầm quản lý, giải quyết các nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập và hợp tác quốc tế. Đồng thời, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần tham khảo, đối chiếu nội dung của dự án Luật Tổ chức Chính phủ với các dự án luật về tổ chức bộ máy sẽ được trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 như: dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương để bảo đảm tính thống nhất của các quy định có liên quan về tổ chức trong hệ thống pháp luật.

Liên quan đến vị trí, chức năng của Chính phủ, đa số các đại biểu đánh giá dự án luật đã xác định rõ vị trí, chức năng của Chính phủ theo đúng quy định tại Điều 94 Hiến pháp, tuy nhiên dự thảo cần cụ thể hóa rõ hơn về quyền hành pháp của Chính phủ. Theo đại biểu Trương Thị Mai (Lâm Đồng), dự thảo Luật cần làm rõ chức năng quản lý Nhà nước và xu hướng đổi mới trong tương lai. Chức năng quan trọng của quản lý Nhà nước là ban hành văn bản thực thi Luật, tổ chức thực thi pháp luật và thanh, kiểm tra công việc này. Chính phủ cần làm tốt việc này và phân cấp mạnh cho địa phương để tạo cho người dân một môi trường an toàn, chấp hành tốt pháp luật.

Góp ý về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ, nhiều đại biểu cho rằng chức năng, nhiệm vụ, địa vị pháp lý của Chính phủ trong bộ máy Nhà nước đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 tuy nhiên dự thảo Luật chưa thể hiện rõ nội dung này. Đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) nhận định: dự án Luật chưa thể hiện rõ được vị trí của Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất như quy định của Hiến pháp năm 2013 mà vẫn là các quy định cũ về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn của Thủ tướng, các Bộ trưởng... Các quy định của dự án Luật cần phân định rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, hướng đến sự quản lý tập trung, thống nhất, thi hành nền công vụ thông suốt.

Thảo luận về thẩm quyền của Thủ tướng trong việc đình chỉ, cách chức Chủ tịch UBND cấp dưới, đại biểu Ngô Văn Minh (tỉnh Quảng Nam) cho rằng cần làm rõ thêm quy định Thủ tướng có quyền đề nghị HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đình chỉ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chứ không chỉ có thẩm quyền đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đình chỉ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện như dự thảo. Đại biểu Minh cũng kiến nghị giao Chính phủ xác định tiêu chí cụ thể đối với việc chia tách, sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính. Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tách nhập đơn vị hành chính theo quy định mới.

Thu Thủy – TTXVN

Chưa đánh giá được tác động của Nghị định 83

Bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII sáng 7-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có cuộc trao đổi với báo chí về Nghị định 83/CP về điều hành mặt hàng xăng dầu. Ông Vũ Huy Hoàng cho biết, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu điều chỉnh 9 lần, tổng số tiền giảm giá đã cao hơn số tăng giá. Trong khi đó, Nghị định 83/CP mới có hiệu lực từ ngày 1-11 nên chưa thể đánh giá mặt được hay chưa được.

Tuy vậy, theo ông Vũ Huy Hoàng, nội dung mới trong Nghị định 83 là tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để cạnh tranh hơn, cái đó có lợi cho người tiêu dùng. Cái mới nữa là rất nhiều doanh nghiệp xăng dầu đầu mối thực hiện phương thức bán lẻ, trước đây chỉ có các đại lý. Bây giờ có cả đại lý, có cả mua đứt, bán đoạn, nhượng quyền, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bao nhiêu thứ trưởng là vừa?

Thảo luận ở Tổ về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) đề nghị trong luật cần quy định rõ mỗi Bộ chỉ nên giới hạn từ 4 - 5 Thứ trưởng chứ không để “lạm phát”, có Bộ lên tới gần 10 Thứ trưởng như hiện nay. Cùng vấn đề này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đặt câu hỏi: “Tôi không hiểu mỗi Bộ có bao nhiêu Thứ trưởng cho vừa?”.

Đại biểu Trần Du Lịch kiến nghị: “Số lượng Thứ trưởng các Bộ và Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ là do Chính phủ quy định nhưng không quá 3 người, trong trường hợp cần thiết vượt số lượng này thì phải do Thường vụ Quốc hội quy định chứ không phải Thủ tướng". Cũng theo đại biểu Trần Du Lịch, thực tế hiện nay nhiều Thứ trưởng là làm vô hiệu hóa trách nhiệm của các lãnh đạo cấp thấp hơn như Tổng Cục trưởng, Cục trưởng…