Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Chốt danh sách 4 Bộ trưởng trả lời chất vấn

Thứ ba, 29/10/2019 07:45

Chiều 28-10, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông báo tại cuộc gặp gỡ, trao đổi với báo chí: Quốc hội đã lựa chọn 4 nhóm vấn đề để đưa ra chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV là Nội vụ; Công thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin và Truyền thông.

Từ trái qua: Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Quốc hội đã xin ý kiến các đại biểu bằng phần mềm để mỗi đại biểu thể hiện chính kiến. 4 nhóm vấn đề trên được đưa ra từ 73 nhóm vấn đề, đề xuất của 57 Đoàn Đại biểu Quốc hội, 24 vấn đề từ 16 phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, 114 vấn đề qua ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8.

Kết quả lựa chọn các nhóm nội dung chất vấn cụ thể như sau: lĩnh vực nội vụ - 85% đại biểu nhất trí đề nghị; lĩnh vực công thương - 82%; lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn - 78%; lĩnh vực thông tin truyền thông - 77% và lĩnh vực thanh tra - 70%, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, với lĩnh vực nông nghiệp nội dung chất vấn cụ thể tập trung vào chất lượng, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác quy hoạch trồng trọt, chăn nuôi gắn với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong nông nghiệp; xuất khẩu nông thủy sản, công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng; hoạt động khai thác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản...

Trong lĩnh vực công thương, nội dung chất vấn tập trung vào công tác quản lý, điều hành điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo; hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy và kinh tế số; công tác quản lý thị trường, phòng chống gian lận thương mại, bảo vệ người tiêu dùng; phát triển cơ khí chế tạo trong nước...

Trong lĩnh vực nội vụ, nội dung chất vấn tập trung vào việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nhất là việc sắp xếp cán bộ, công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng đào tạo thi nâng ngạch cán bộ, công chức và viên chức; công tác đánh giá cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Trong lĩnh vực thông tin và truyền thông nội dung thảo luận tập trung vào công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh - truyền hình; cấp, thu hồi thẻ nhà báo; công tác quản lý các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; quản lý quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng; ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng chính phủ điện tử.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Ngoài các bộ trưởng, trưởng ngành phụ trách 4 nhóm nội dung trên, sẽ có thêm lãnh đạo các bộ, ngành và phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực cùng tham gia trả lời. Phương thức chất vấn giữ nguyên như tại kỳ họp trước với tinh thần “hỏi nhanh đáp gọn”. Đại biểu sẽ có 1 phút để nêu chất vấn, đi thẳng vào vấn đề. Thời lượng cho mỗi câu trả lời là 3 phút. Sau khi có từ 3 - 4 đại biểu đặt câu hỏi thì chủ tọa điều hành phiên chất vấn sẽ yêu cầu bộ trưởng trả lời.

Thời gian dành cho phiên chất vấn tại kỳ họp này là 3 ngày (từ ngày 6 đến 8-11), được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, giám sát. Theo thông lệ của kỳ họp cuối năm, vào cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ sẽ đăng đàn trả lời những nội dung mà các đại biểu chất vấn.

QUỲNH NHƯ – TTXVN

Thảo luận về nội dung một số Luật

Ngày làm việc thứ 6 (28-10), Quốc hội nghe, thảo luận về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; sau đó Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của 2 dự án Luật này.

Hôm nay (29-10), Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe, thảo luận Tờ trình Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội; nghe và thảo luận Tờ trình Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.