Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư. |
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 11-11, với 88,2% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020. Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.
Các mục tiêu tiếp theo là phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế bền vững gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó biến đổi khí hậu; tiếp tục thực hiện nghiêm việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; cải cách hành chính, cải cách tư pháp; nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Một trong những mục tiêu quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 là phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. |
Ngoài ra, mục tiêu của Nghị quyết là củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; thực hiện tốt vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á năm 2020, Chủ tịch Đại hội đồng lần thứ 41 Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo quốc gia và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao uy tín, vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.
Các chỉ tiêu chủ yếu được đề ra gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%. Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đặt ra chỉ tiêu số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 28 giường bệnh; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.
Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2020, Quốc hội cơ bản tán thành nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ, TAND tối cao, VKSND Tối cao trình và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị trong các báo cáo thẩm tra, giám sát chuyên đề. Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Kết luận số 63-KL/TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về tình hình KT-XH, ngân sách nhà nước năm 2019; phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam.
l Sáng cùng ngày, các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra các dự án: Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Sau đó, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lực lượng dự bị động viên và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.
Q.NHƯ – P.PHƯƠNG - V.HOA
Thận trọng chọn nhà đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành Liên quan đến dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần hết sức thận trọng trong việc lựa chọn nhà đầu tư vào dự án. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho biết, Quốc hội sẽ cho ý kiến về hạn mức đầu tư khoảng 110 ngàn tỷ đồng. Quốc hội sẽ không chỉ định thầu cho một doanh nghiệp cụ thể đối với dự án đầu tư công, mà giao cho Thủ tướng Chính phủ được quyền chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, cá nhân đại biểu cho rằng trong giai đoạn hiện nay, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng và khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hướng càng nhanh càng tốt là quan trọng nhất do tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực vận chuyển hành khách của Việt Nam hiện rất cao, khoảng 20 đến trên 30%/năm, thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam mỗi năm cũng trên 20%. “Chúng ta sẽ giảm được thời gian đấu thầu vì đây là một đơn vị đảm bảo đầy đủ năng lực và khả năng triển khai dự án này”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm. Cho rằng Chính phủ đã có phương án và đang trong giai đoạn chọn lựa nhằm tránh những hậu quả sau này như một số dự án đã để lại hệ lụy như dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bày tỏ: Lựa chọn nhà thầu là vấn đề hết sức quan trọng, được cử tri và nhân dân cả nước sức quan tâm và đòi hỏi rất cao. Đặc biệt, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một dự án không chỉ liên quan đến KT-XH mà còn cả quốc phòng - an ninh. Nhắc đến việc bốn phía xung quanh sân bay Long Thành là các vị trí của quân đội, đặc biệt vừa qua hơn 1.050ha đất, trong đó có hơn 500ha đất dành cho quốc phòng, đã được điều chỉnh, theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, là việc hết sức thận trọng là hoàn toàn chính đáng, dù điều đó có thể khiến dự án triển khai chậm hơn một chút. N.N |