Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Xác định các trường hợp được xóa nợ thuế
Chiều 26-11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp Ngân sách Nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi với đại biểu bên lề Kỳ họp. |
Các trường hợp được xóa nợ thuế
Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp Ngân sách Nhà nước được thông qua với tỷ lệ tán thành 91,3% tổng số đại biểu Quốc hội. Theo Nghị quyết, đối tượng được xử lý nợ là người nộp thuế nợ tiền thuế, nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp và thuộc một trong các trường hợp dưới đây, phát sinh trước ngày 1-7-2020 mà không có khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Những trường hợp được xóa nợ thuế là: Người nộp thuế là người đã chết, người bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục giải thể, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thông báo người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhưng người nộp thuế chưa hoàn thành thủ tục giải thể; người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản; người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý thuế đã phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế có trụ sở hoặc địa chỉ liên lạc để kiểm tra, xác minh thông tin người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế.
Ngoài ra, người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế; người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ; người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước, bao gồm cả nhà thầu phụ được quy định trong hợp đồng ký với chủ đầu tư và được chủ đầu tư trực tiếp thanh toán nhưng chưa được thanh toán cũng là đối tượng được xử lý nợ.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020 và được tổ chức thực hiện trong thời hạn 3 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành.
Hơn 585 tỷ đồng đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét
Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Nghị quyết xác định mục tiêu dự án là cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho khu công nghiệp, sinh hoạt của người dân; phòng, chống lũ, cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận. Quy mô của dự án gồm hồ điều tiết dung tích toàn bộ Wtb= 51,21 triệu m3, dung tích hữu ích Whi= 47,41 triệu m3, dung tích chết Wc= 3,8 triệu m3. Hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác.
Tổng diện tích sử dụng đất của Dự án: 693,31 ha, trong đó diện tích có rừng: 680,41 ha (bao gồm: chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng: 162,55 ha; rừng phòng hộ: 0,91 ha; rừng sản xuất: 471,09 ha; rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng: 45,85 ha) và diện tích đất sản xuất nông nghiệp: 12,9 ha. Tổng mức đầu tư của dự án: 585,647 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 – 2024.
Nghị quyết có hiệu lực từ ngày Quốc hội thông qua.
Điều chỉnh diện tích sân bay quốc tế Long Thành
Chiều 26-11, với 90,06% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Nghị quyết ghi rõ một số nội dung chủ yếu của Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (Dự án); theo đó đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Quốc hội cũng quyết nghị điều chỉnh diện tích đất cho quốc phòng từ 1.050ha thành 570ha dành riêng cho quốc phòng và 480ha cho xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng. Việc quản lý, sử dụng phần diện tích dùng chung thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về hàng không dân dụng; ưu tiên cho hoạt động quân sự khi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng...
Nghị quyết giao Chính phủ chỉ đạo Hội đồng thẩm định nhà nước, Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai khẩn trương xem xét, hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư.
Đồng thời, hoàn thành công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để bàn giao mặt bằng kịp tiến độ thi công Dự án, bảo đảm hoàn thành và đưa vào khai thác Dự án theo đúng yêu cầu.
QUỲNH NHƯ – TTXVN
Mỗi vụ hòa giải thành giúp giảm chi ngân sách ít nhất 4,3 triệu đồng Ngày 26-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Nhiều đại biểu phân tích, cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa sẽ giúp tiết kiệm một khoản kinh phí rất lớn cho ngân sách Nhà nước; không chỉ giảm áp lực cho ngành Tòa án trong bối cảnh hiện nay, mà còn góp phần giảm mâu thuẫn, tranh chấp kéo dài, thúc đẩy đạo đức xã hội. Cho ý kiến về dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy phân tích: Theo tính toán, mức chi ngân sách cho 1 phiên tòa sơ thẩm là ít nhất 5,5 triệu đồng, trong khi mức chi cho hòa giải chỉ là 1,2 triệu đồng - tức là thấp hơn 4,3 triệu đồng. Việc thí điểm thời gian qua đã triển khai hòa giải thành công gần 40 nghìn vụ. Chúng tôi nói thêm là mức chi 5,5 triệu đồng cho 1 phiên tòa sơ thẩm mới là tiền công, tiền lương cho cán bộ tư pháp, còn nếu tính mức chi cho 1 phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, hay thi hành án,... thì sẽ tiết kiệm được mức chi rất lớn" - đại biểu phân tích, đồng thời ủng hộ phương án chưa thu phí người dân khi hòa giải tại Tòa. Thông qua 3 luật Chiều 26-11, với 92,96% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Lực lượng dự bị động viên. Luật gồm 5 chương, 41 điều quy định về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên. Chiều cùng ngày, với 92,13% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi). Luật gồm 10 chương, 135 điều quy định các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán; tổ chức thị trường chứng khoán; quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 94% tổng số đại biểu tán thành. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020. B.T |