Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Nhiều ý kiến đối với dịch vụ kinh doanh đòi nợ

Thứ tư, 27/05/2020 07:14

Chiều 26-5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và thảo luận trực tuyến một số nội dung còn chưa thống nhất đối với dự án Luật này.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời phóng viên bên hành lang Quốc hội.

Cấm hay không cấm

Việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhiều ý kiến khác nhau. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình hai phương án để Quốc hội xem xét, quyết định. Theo đó, phương án 1 là xin được giữ quy định như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Phương án 2 là tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”.

Về việc bổ sung một số ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ điều tra, thám tử tư, vật liệu nổ khác (ngoài pháo nổ), các ngành thải hóa chất độc hại ra môi trường, bào thai... Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, bổ sung quy định cấm đầu tư kinh doanh “bào thai” để phản ánh đầy đủ nội dung cấm của ngành, nghề “Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người” tại điểm đ khoản 1 Điều 6.

Giải trình một số nội dung còn có ý kiến tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Trong quá trình thảo luận về vấn đề này, Chính phủ đã làm việc hết sức công phu, nghiên cứu, thảo luận, mời các chuyên gia, tổ chức các hội thảo, hội nghị và cuối cùng đi đến quyết định chọn phương án cấm loại kinh doanh dịch vụ này. Cơ quan soạn thảo cho rằng phương án Chính phủ đề ra đã có đầy đủ các cơ sở.

Phát biểu bế mạc phiên thảo luận trực tuyến, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: Riêng về kinh doanh dịch vụ đòi nợ còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến các đại biểu Quốc hội.

Đang trao đổi thông tin vụ Tenma Việt Nam

Bên hành lang Quốc hội chiều 26-5, trao đổi về việc báo chí phản ánh vụ hối lộ liên quan đến Công ty Tenma Việt Nam (công ty con của Tenma Nhật Bản tại Bắc Ninh), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, phía Việt Nam đang phối hợp với Nhật Bản để điều tra nghi vấn công ty Nhật đưa hối lộ cho cán bộ, công chức thuế, hải quan. Vụ việc hiện đang được các cơ quan thanh tra thuế, tài chính kiểm tra, rà soát lại, xem xét mức độ  để tiến hành các biện pháp khác.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công an, trước mắt phía Việt Nam đang trao đổi thông tin với Nhật Bản, vì thông tin trên xuất phát từ Nhật. “Nhật là nơi xuất phát nguồn gốc thông tin của vụ việc, mình phải có phối hợp quốc tế để điều tra tội phạm” – Bộ trưởng Công an nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vụ việc, Bộ Tài chính đã có thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về thanh tra, kiểm tra, xác minh thông tin về vụ việc hối lộ liên quan đến Công ty Tenma Việt Nam. Trên một số phương tiện thông tin báo chí và mạng xã hội phản ánh về việc hối lộ liên quan đến Công ty Tenma Việt Nam (công ty con của Tenma Nhật Bản tại Bắc Ninh) nên Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan khẩn trương báo cáo lãnh đạo Bộ nội dung dư luận nêu về những nghi vấn hối lộ trước ngày 26-5.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính giao Thanh tra Bộ thành lập ngay đoàn trong ngày 25-5 để thanh tra Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh, Cục Hải quan Bắc Ninh và các tổ chức, cá nhân có liên quan nội dung thông tin báo chí nêu về những nghi vấn hối lộ và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, một số hãng thông tấn, báo của Nhật Bản như Asahi, Kyodo, Nikkei... đã đưa tin Công ty TNHH Tenma Việt Nam  đã khai báo 2 lần hối lộ tổng cộng 25 triệu yên cho một số cán bộ, công chức Việt Nam để trốn một số khoản thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp.

* Ngày 26-5, Bộ Tài chính đã có Công văn số 6170/BTC-TCCB, Công văn 6169/BTC-TCCB gửi Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan về việc tạm đình chỉ công tác với những công chức thuế, hải quan có liên quan đến vụ việc Công ty Tenma Việt Nam. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với các công chức tham gia đoàn kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan và lãnh đạo Cục Thuế, lãnh đạo Hải quan tỉnh Bắc Ninh ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra thuế, sau thông quan tại Công ty Tenma Việt Nam để thực hiện công tác kiểm điểm, phục vụ công tác thanh tra kiểm tra theo quy định. Trong trường hợp công chức bị đình chỉ công tác là thủ trưởng đơn vị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Hải quan lựa chọn một lãnh đạo khác để giao phụ trách, điều hành đơn vị.

VGP – TTXVN – QUỲNH NHƯ