Kỳ họp thứ ba HĐND TP Đà Nẵng khóa IX: Nhìn thẳng vào những hạn chế để tìm giải pháp phát triển

Thứ tư, 07/12/2016 07:50

(Cadn.com.vn) - Trong phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ ba HĐND TP Đà Nẵng khóa IX vào sáng 6-12, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã thẳng thắn nêu ra những mặt chưa đạt, đồng thời yêu cầu các đại biểu cũng phải chất vấn thẳng thắn, thuyết phục nhau bằng lý lẽ, góp phần xây dựng Đà Nẵng ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Trên tinh thần đó, nhiều vấn đề bất cập của TP đã được nói thẳng, nhìn thẳng...

Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh phát biểu khai mạc Kỳ họp.

Quản lý đô thị bất cập

Một số đồ án qui hoạch chi tiết chất lượng chưa cao,  một số báo cáo đầu tư chạy theo tiến độ ghi vốn nên lập sơ sài, từ đó dẫn đến tình trạng khai thác kém hiệu quả, tuổi đời dự án ngắn, gây lãng phí ngân sách TP. Hạn chế trên đã được ông Tô Văn Hùng - Trưởng ban Đô thị  HĐND TP chỉ ra. Theo ông Hùng, toàn TP hiện đang thừa quĩ đất tái định cư hơn 15 ngàn lô. Trong khi đó, công tác giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, thiếu sâu sát, thiếu phối hợp, kết quả là tiến độ dự án chậm, nợ đất tái định cư kéo dài, vốn ứ đọng, dân không có đất tái định cư thì rất bức xúc. Một thực trạng khác là nhiều dự án đã thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng chậm triển khai, gây lãng phí rất lớn cho xã hội. Nhiều dự án đã xây dựng nhưng việc khớp nối hạ tầng không đồng bộ, dẫn đến ngập úng cục bộ, hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp mất khả năng sản xuất. Đau xót hơn, nhiều công trình xây dựng bằng vốn ngân sách nhưng chất lượng rất thấp, đơn cử như Nhà văn hóa xã Hòa Liên, các khu TĐC Bá Tùng, Thạch Nham, Cầu Đỏ- Túy Loan...

Do quản lý lỏng lẻo nên tình trạng xây nhà trái phép tại Đà Nẵng khá “nóng”, nổi bật như khu vực qui hoạch nhà ga mới tại Hòa Khánh Nam, Khu vực Khe Cạn (Thanh Khê), làng Đại học Đà Nẵng (Ngũ Hành Sơn). Trong khi đó, quản lý nhà ở xã hội  chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng sang nhượng nhà ở xã hội, ở không chính chủ, ở bất hợp pháp, nhà ở xã hội xuống cấp nhưng không thường xuyên bảo dưỡng khiến người dân rất bức xúc.

Một bất cập khác rất bức xúc hiện nay  với Đà Nẵng là tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ thường xuyên vào giờ cao điểm và ngày càng trầm trọng. Hiện TP hiện có hơn 86 ngàn phương tiện tăng gần gấp 2 lần năm 2010, thêm vào đó là khối lượng vận tải hàng hóa tăng nhanh cùng với việc mở rộng cảng Tiên Sa, lượng khách du lịch hơn 5,5 triệu, tất cả tạo áp lực rất lớn dẫn tới ùn tắc giao thông. Trong khi đó, việc đầu tư hạ tầng giao thông của TP  chưa theo kịp, TP lại chưa phê duyệt đề án tăng cường vận tải công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông. Ngoài ra, TP cũng chưa rà soát và tổ chức điều tiết hợp lý các phương thức vận tải vào trung tâm thành phố; việc tổ chức giao thông chưa có tính đồng bộ; các hành vi vi phạm giao thông vẫn rất nhiều...

Dự án treo ở trung tâm TP được cử tri kiến nghị xử lý từ năm 2013 song đến nay
vẫn chưa triển khai.

Cứ hứa lại nợ

Có những vấn đề người dân rất bức xúc, đã kiến nghị nhiều lần, TP hứa sẽ xử lý, song kéo dài suốt 3 năm nay vẫn dậm chân tại chỗ. Bà Đặng Thị Kim Liên- Chủ tịch UBMTTQVN TP cho biết, việc xử lý, thu hồi các khu đất trống ở trung tâm TP và ven biển, cử tri đã kiến nghị nhiều, vấn đề này đã được đưa ra kỳ họp HĐND từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Người dân rất quan tâm muốn biết những khu đất này đã xác định được chủ sở hữu chưa, vì sao dây dưa không triển khai, làm mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, trở thành “ổ muỗi” làm phát sinh dịch bệnh sốt xuất huyết đe dọa sức khỏe người dân. Nhiều dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang cố tình trì hoãn thực hiện các dự án này bằng cách xin thay đổi mục đích đầu tư, xin điều chỉnh quy hoạch. Từ thực tế đó, cử tri đề nghị TP làm việc với chủ đầu tư xem rõ khi nào triển khai, nếu không triển khai khi nào thu hồi, đồng thời công bố rộng rãi để nhân dân biết, giám sát.

Nhiều điểm nóng về ô nhiễm môi trường mặc dù được cử tri phản ánh nhiều, các đại biểu HĐND chất vấn nhiều ở các kỳ họp, TP cũng hứa xử lý nhiều lần, song đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, cử tri cũng chưa thật yên tâm về chủ trương xây dựng dự án Khu liên hiệp xử lý rác thải rắn ở Hòa Nhơn. Đại biểu Đặng Thương nói, việc xây ở Hòa Nhơn gần sông Túy Loan, dẫn xuống Nhà máy nước Cầu Đỏ không xa, nếu gây ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến cả TP chứ không riêng gì người dân ở Hòa Nhơn. Vì thế, ông Thương đề xuất nên xây ở Hòa Ninh hoặc Hòa Bắc.

Thận trọng với quy hoạch bán đảo Sơn Trà

Trong buổi thảo luận ở tổ chiều 6-12, nhiều đại biểu HĐND đã đưa ra các giải pháp nhằm tăng nguồn thu ngân sách cho TP, giải pháp quy hoạch thiết chế văn hóa, giáo dục, và quan tâm đến vấn đề quy hoạch bán đảo Sơn Trà.

ĐB Trần Văn Trường thì cho rằng, APEC 2017 tổ chức ở Đà Nẵng là cơ hội lớn, mỗi đoàn của một quốc gia có khi hàng ngàn quan khách. Nhà nước đã bỏ tiền ra đầu tư phục vụ APEC rất lớn, nhưng thu lợi về kinh tế là người dân, doanh nghiệp. ĐB Trường cho rằng, ngoài việc tuyên truyền rộng rãi sự kiện này cho người dân, DN để tận dụng cơ hội từ APEC thì TP cũng nên có cơ chế để DN tăng giá dịch vụ, bởi không dễ gì có lượng khách du lịch cao cấp thế này, có khi vài chục năm sau mới lại tổ chức ở Đà Nẵng, họ mới lại đến. Cũng có ý kiến của ĐB cho rằng tài nguyên Đà Nẵng còn lớn, đâu chỉ có sông Hàn mà còn sông Cẩm Lệ, Cổ Cò cũng rất đẹp, vì thế nên đầu tư những con đường 4 làn xe dọc sông Cẩm Lệ rất đẹp để khai thác quỹ đất, phát triển du lịch, tăng nguồn thu cho TP.

Xung quanh đầu tư thiết chế văn hóa, giáo dục, ĐB Tô Văn Hùng cho biết, hiện ở Liên Chiểu sinh viên, công nhân rất lớn. Tuy vậy, tại khu vực đó gần như là “điểm đen” về thiết chế văn hóa, sinh viên không có gì ngoài uống cà-phê, chơi game, đánh bài. Việc phát triển thiết chế văn hóa là đúng, song không nên cào bằng, trên TP chỗ nào cũng phải có mà nên tập trung trọng điểm những khu vực thật cần thiết trước.

Về giáo dục, ĐB Hùng cho biết, chủ trương học ngày 2 buổi là đúng, nhưng khi triển khai xây trường phục vụ chủ trương đó thì thấy rất xót xa. Lý do vì cứ thấy đất trống trong trường là xây, chiếm hết cả sân trường, không gian vui chơi của học sinh. ĐB Hùng đặt vấn đề tại sao không xây trường 5 tầng mà cứ phải 2-3 tầng? Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, ông Vũ Quang Hùng cho biết, trước đây quy định xây trường học tới 3 tầng, nhưng nay quy định mới có thể tới 6 tầng nên Sở đang tham mưu cho TP ban hành quy định cụ thể. Tuy nhiên, ý định xây dựng trường học tới 6 tầng của ông Hùng không được nhiều ĐB tán đồng. Bởi lẽ số tầng tăng, học sinh tăng, nhưng sân trường vẫn thế, giao thông khu vực trường sẽ thêm ùn tắc; hoặc trẻ học ở trên cao giờ ra chơi sẽ nguy hiểm, thời gian ra chơi ngắn có khi vừa từ tầng 6 xuống sân trường đã hết giờ... Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, ông Nguyễn Đình Vĩnh cho biết, Sở đang xây dựng đề án đưa đón học sinh bằng xe buýt (nhà trường sẽ thuê các chủ xe) để hạn chế ùn tắc giao thông ở các trường trong trung tâm TP. Bên cạnh đó, việc quy hoạch xây dựng trường học cũng có thay đổi, theo đó trường cấp 2 có thể nằm trên đất Hòa Vang nhưng nhận học sinh ở Thanh Khê.

Theo đánh giá của chủ trì các tổ thảo luận, các ĐB đã tập trung sát sườn vào nhiều vấn đề “nóng” mà cử tri rất quan tâm để bàn bạc. Đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại của TP để chuẩn bị cho buổi chất vấn vào hôm nay (7-12).

Kim Thanh- Hải Hậu