Kỳ lạ chùa Thình Thình
(Cadn.com.vn) - “Núi Thình Thình, chùa cũng Thình Thình/Ai lên tới đó cho mình hỏi thăm/Vì đâu nên tiếng nên tăm/Để cho mảnh đất ngàn năm thình thình”- đó là 4 câu thơ nổi tiếng mà chư tăng, Phật tử ở H. Bình Sơn (Quảng Ngãi) ai cũng thuộc và tự hào ngâm ca khi nói về ngôi chùa trên đỉnh núi Thình Thình.
Cổng tam quan chùa Thình Thình. |
TIẾNG “THÌNH THÌNH” KHIẾN ĐỊCH KHIẾP SỢ
Những câu chuyện huyền bí về chùa Thình Thình thôi thúc chúng tôi tìm đến nơi này. Chùa Thình Thình nằm cách TP Quảng Ngãi 30 km, tọa lạc trên đỉnh núi Thình Thình (thuộc thôn Diên Lộc, xã Bình Tân, H. Bình Sơn). Từ dưới chân núi, chúng tôi gặp một lão tiều phu vừa đi củi về.
Khi nghe chúng tôi hỏi đường lên chùa, ông bảo: “Phải đi 2km mới đến chùa. Chùa vắng lắm nhưng là nơi khá linh thiêng để cầu tự và cũng là nơi thú vị để tham quan, thư giãn”. Theo lời lão tiều phu, Chùa được Hòa thượng Tăng Cang Diệu Quang xây dựng năm 1920. Vì chùa nằm trên núi Thình Thình nên tiện miệng, người dân gọi là chùa Thình Thình, còn tên thật là Viên Giác tự.
Ban đầu, chùa là một túp lều nhỏ trong núi. Qua thời gian, mưa bão, hỏa hoạn, chùa dần dần được sửa chữa, xây dựng, cơi nới thêm ra và đến nay khuôn viên chùa rộng 5.000m2. Dù không bề thế nhưng chùa cũng được xây dựng đầy đủ, bao gồm cổng tam quan, sân chùa, chánh điện, nhà đông-tây, nhà khách và khu mộ tháp. Vì nằm giữa đỉnh núi nên chùa càng mang vẻ u tịch...
Rồi lão tiều phu kể chúng tôi rất nhiều câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn về ngôi chùa mang cái tên rất lạ này. Trong đó có nhiều chuyện khá huyền bí, có phần hơi hư cấu. Nhưng câu chuyện dưới đây thì người dân dưới chân núi ai cũng biết và truyền cho đến bây giờ.
Chuyện rằng, trong những năm chiến tranh, lần đó có một nhóm lính Mỹ truy đuổi để hãm hiếp một cô gái trong làng. Cô gái bỏ chạy lên núi, bọn chúng đuổi theo. Khi chúng đặt chân trước cổng chùa, từ dưới lòng đất dội lên bước chân của chúng ầm ầm như ai dùng búa khổng lồ đập vào vách núi, đôi lúc như tiếng trống trận thúc giục liên hồi. Nghe âm thanh này, bọn lính hốt hoảng không đuổi theo cô gái nữa mà quay đầu bỏ chạy xuống núi. Sau đó, có tên lính hoảng sợ còn phát bệnh cả tháng trời...
Trước khi chia tay, lão tiều phu còn dặn chúng tôi khi vào chùa cố gắng nghe bước chân của mình để thấy đó là một mảnh đất kỳ lạ, huyền bí. Dù câu chuyện lão tiều phu kể có thật hay không nhưng khiến chúng tôi rất tò mò khám phá.
Hòa thượng Thích Vĩnh Trường kể về những câu chuyện liên quan đến chùa Thình Thình. |
LÝ GIẢI ÂM THANH “THÌNH THÌNH”
Qua 2 km đường rừng quanh co, khúc khuỷu, cuối cùng chúng tôi cũng lên được đỉnh núi Thình Thình. Ngôi chùa u tịch, vắng lặng giữa bốn bề cây cối. Tiếng chim kêu càng làm cho cảnh vật thêm hoang sơ, huyền bí. Tiếp chúng tôi là Hòa thượng Thích Vĩnh Trường, trụ trì chùa, năm nay 103 tuổi nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn, hàng ngày vẫn đọc sách báo.
Hòa thượng cho biết, ông lên chùa Thình Thình từ khi còn rất nhỏ, đến khoảng năm 18 tuổi thì ông chuyển vào TPHCM, sau đó về Khánh Hòa sinh sống. Một lần trở về nơi cửa thiền xưa, thấy không ai trông coi chùa nên ông quay về làm trụ trì theo yêu cầu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. “Ngày tôi lên đây chùa chỉ có 4 người, sau đó một người ngã bệnh mất, một người không chịu nổi sự khổ cực nên bỏ đi. Bây giờ chỉ còn tôi và một đệ tử sớm hôm niệm kinh”, hòa thượng Thích Vĩnh Trường tâm sự.
Khi chúng tôi hỏi về những câu chuyện huyền bí xung quanh chùa, Phật tử Trần Văn Phụng (1964) chậm rãi đọc 4 câu thơ: “Núi Thình Thình, chùa cũng Thình Thình/Ai lên tới đó cho mình hỏi thăm/Vì đâu nên tiếng nên tăm/Để cho mảnh đất ngàn năm thình thình”.
Còn hòa thượng Thích Vĩnh Trường thì kể, những năm kháng chiến, ngôi chùa này từng là nơi lánh giặc của bộ đội ta. Xung quanh đỉnh núi đều có hầm quân sự, nhưng nay đã bị vùi lấp. Trong chùa còn thờ tự đại đức Thích Hạnh Đức, người đã noi gương hòa thượng Thích Quảng Đức, hóa thân trai trẻ thành ngọn đuốc hồng ngay sân chùa Tỉnh hội Quảng Ngãi, nhằm chống lại sự đàn áp của chính quyền Sài Gòn.
Về âm thanh “thình thình”, hòa thượng cho biết, ngày xưa xung quanh chùa có rất nhiều vị trí nghe được tiếng thình thình khi có bước chân người. Qua thời gian, chỉ còn khoảnh đất từ cổng tam quan chạy về phía tay phải khoảng 20m mang đặc điểm kỳ lạ này.
Theo hướng tay chỉ của hòa thượng, chúng tôi ra khoảng đất này. Quả thật, chúng tôi vừa đặt chân xuống, mặt đất vang lên âm thanh “thình thình” như trống giục từ xa. Thấy chúng tôi tỏ vẻ lạ lẫm, hòa thượng kể thêm: “Hồi xây chùa, nhất là khi xây cổng tam quan, đã gặp rất nhiều lỗ hổng dưới nền đất nên chúng tôi phải đổ đất xuống và đầm cho chặt rồi mới xây”.
Được biết nhiều nhà khoa học đã đến đây nghiên cứu âm thanh “thình thình” kỳ lạ này. Kết quả cho thấy, đất vùng này có kiến tạo đá ong, trong lòng đất có nhiều lỗ hổng nên khi bước chân hoặc tác động lên mặt đất sẽ phát ra âm thanh khác lạ như thế. “Tiếng thình thình có một không hai đã làm cho ngôi chùa trở nên nổi tiếng. Nếu khám phá, chùa còn nhiều điều kỳ lạ, huyền bí, hấp dẫn. Vì thế chùa thu hút rất nhiều du khách. Năm 1993, chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh”, hòa thượng Thích Vĩnh Trường kết thúc câu chuyện với chúng tôi trong niềm tự hào.
Bình Phương