Kỷ nguyên mới
(Cadn.com.vn) - Nền dân chủ của Myanmar tiếp tục chứng kiến bước chuyển mình lịch sử quan trọng khi ngày 1-2, Quốc hội mới tại Myanmar khai mạc phiên họp đầu tiên tại thủ đô Naypyidaw. Đây là Quốc hội do dân bầu đầu tiên sau hơn 50 năm ở quốc gia Đông Nam Á này.
Đây là phiên họp gây chú ý đặc biệt của Quốc hội Myanmar bởi lần đầu tiên trong lịch sử, cơ quan lập pháp này nằm dưới quyền kiểm soát của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Theo đó, trong tổng số 330 nghị sĩ được bầu của Hạ viện, có 255 nghị sĩ thuộc NLD. Trong khi đó, quân đội Myanmar có 110 sĩ quan được bổ nhiệm làm nghị sĩ theo các quyền của họ trong hiến pháp.
NLD giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra hồi tháng 11-2015, với việc giành được gần 80% số ghế ở cả hai viện trong Quốc hội. Việc Quốc hội mới nhóm họp với sự tham gia của các nghị sĩ NLD mang làn gió mới trên chính trường Myanmar. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của Quốc hội lần này là sẽ bầu chọn Tổng thống mới thay ông Thein Sein sẽ mãn nhiệm vào cuối tháng 3 tới.
Vấn đề đặt ra là theo hiến pháp, lãnh đạo đảng NLD Suu Kyi - người trải qua 15 năm bị quản thúc tại gia - không thể trở thành tổng thống Myanmar. Vị nữ lãnh đạo này cũng đã ý thức được điều này song vẫn tỏ ra lạc quan khi cho rằng, bản thân sẽ tìm cách gây ảnh hưởng thông qua các nhà lãnh đạo mới với việc nắm quyền lực "trên tổng thống". Ngoài ra, Quốc hội mới cũng sẽ lựa chọn chủ tịch mới, cũng như các Phó Chủ tịch của cả Hạ viện và Thượng viện. Tuần trước, bà Suu Kyi khẳng định đảng của bà sẽ chọn ông Win Myint là Chủ tịch Hạ viện trong khi ông Win Khaing Than là người lãnh đạo Thượng viện.
Việc chuyển đổi từ chế độ quân sự cầm quyền đến một chính phủ dân cử - vốn sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 4 tới - mở ra kỷ nguyên mới cho quốc gia Đông Nam Á này. Đây cũng là động thái đánh dấu bước ngoặt lịch sử cho NLD, vốn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội trong nhiều năm qua. Dù vậy, NLD thực tế vẫn phải chia sẻ quyền lực với quân đội, mà hiến pháp bảo đảm 25% số ghế trong Quốc hội. Bà Suu Kyi từng gặp các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao để cố gắng đảm bảo một sự chuyển giao quyền lực trơn tru và quân đội đã tuyên bố sẽ không can thiệp.
Trên thực tế, quốc gia Đông Nam Á này bắt đầu chuyển mình đến dân chủ vào năm 2011, khi chính quyền quân sự đồng ý trao quyền lực cho một chính phủ dân sự trên danh nghĩa đứng đầu là Tổng thống Thein Sein, một cựu tướng quân đội. Giờ đây, dấu ấn lịch sử với chiến thắng vang dội của NLD là minh chứng rõ ràng cho thành công bước ngoặt của chính sách này.
Thanh Văn