Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Lê Văn Hiến 15-9(1904 -2024): Lê Văn Hiến – Nhà cách mạng lẫm liệt

Thứ hai, 16/09/2024 12:40

Đồng chí Lê Văn Hiến là một nhà lãnh đạo cách mạng tài năng, đức độ, cả cuộc đời dấn thân vì nước vì dân. Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của đồng chí Lê Văn Hiến 15-9 (1904 - 2024), Chuyên đề Công an Đà Nẵng xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết của tác giả Đinh Văn Dũng (Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng) về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng lẫm liệt của ông.

Cả cuộc đời dấn thân vì nước, vì dân

Đồng chí Lê Văn Hiến
Đồng chí Lê Văn Hiến

Đồng chí Lê Văn Hiến sinh ngày 15-9-1904, tại xóm Cây Thông, thuộc xã Phước Ninh, TP Đà Nẵng (nguyên quán làng An Nông, xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang, nay thuộc quận Ngũ Hành Sơn), là con út trong gia đình nghèo đông anh em.

Lê Văn Hiến vốn thông minh, học rất giỏi. Học xong Tiểu học ở Đà Nẵng, Lê Văn Hiến tiếp tục học Trung học tại một trường Dòng ở Huế và ở trọ tại Nhà Hội Quảng Nam. Tại đây, Lê Văn Hiến và một số học sinh người Quảng Nam cùng chí hưởng thường lui tới thăm Ông già Bến Ngự - Phan Bội Châu, lúc này đang bị giam lỏng ở Huế. Lê Văn Hiến rất sung sướng và xúc động khi nghe Phan Bội Châu bình giảng văn thơ yêu nước, trong đó có nhiều bài do chính cụ viết. Dần dần đồng chí càng thấm thía nỗi khổ nhục của người dân mất nước. Con đường vứt bỏ gông xiềng, thoát khỏi ách nô lệ đã hình thành rõ nét trong tâm trí đồng chí. Hai năm sau, Lê Văn Hiến thi ngạch Bưu điện và được tuyển làm nhân viên Bưu điện Đà Nẵng…

Tháng 9-1927, Lê Văn Hiến cùng một số đồng chí: Lê Quang Sung (Lê Hoàn), Thái Thị Bôi, Huỳnh Thị Thuyền và đồng chí Đỗ Quang thành lập Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đầu tiên ở Đà Nẵng.

Cũng chính trong Chi bộ đầu tiên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, qua những tháng ngày cùng nhau đồng cam cộng khổ, bôn ba hoạt động vì lý tưởng chung, giữa đồng chí Thái Thị Bôi và Lê Văn Hiến đã nảy nở tình cảm sâu sắc. Đến tháng 9-1929 hai người nên nghĩa vợ chồng.

Tháng 3-1928, tại hội nghị thành lập Tỉnh bộ (được tổ chức ở nhà bà Phán Thạnh, xóm Giếng Bộng, Đà Nẵng), đồng chí Lê Văn Hiến được cử thay mặt Tỉnh bộ đi dự hội nghị Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Trung kỳ mở rộng tại Đà Nẵng.

Đang lúc tình hình có nhiều biến động thì tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Quảng Trị bị vỡ, Tú Đàm bị bắt sau khi đi dự hội nghị Kỳ bộ Trung kỳ ở Đà Nẵng về tới Quảng Trị, không chịu nổi sự tra tấn dã man của địch đã khai báo ra cơ sở cách mạng, từ đó chúng lần ra và bắt được Lê Văn Hiến. Qua các các lần thẩm vấn, dù không đưa ra được chứng cớ rõ ràng nhưng bọn chúng vẫn quyết định chuyển đồng chí vào Nha Trang dưới sự giám sát trực tiếp của cơ quan mật thám Pháp.

Ở Nha Trang, căn nhà của vợ chồng Lê Văn Hiến - Thái Thị Bôi trở thành nơi liên lạc của tổ chức cách mạng. Các đồng chí từ Nam ra, từ Bắc vào như Trần Hữu Duyệt, Lê Quang Sung... thường ghé lại và đó cũng là nơi phân phát tài liệu tuyên truyền vận động cho các địa phương chung quanh như Phan Rang, Phan Rí, Tháp Chàm... Nhờ vậy mà đồng chí Lê Văn Hiến vẫn giữ được mối liên hệ thường xuyên với các nơi…

Hoạt động ở Nha Trang được hơn một năm, đến ngày 3-11-1930, do bị theo dõi từ lâu và có nhiều chứng cớ rõ ràng, mật thám Pháp quyết định bắt hai vợ chồng đồng chí Lê Văn Hiến. Ngoài việc bị buộc tội cất dấu tài liệu, truyền đơn, cờ đỏ búa liềm cùng tài liệu khác, bọn chúng còn kết án đồng chí về tội đã tổ chức làm căn cước giả để đưa một cán bộ cộng sản lánh ra nước ngoài trước đây, đó là đồng chí Dương Hạc Đính, cán bộ của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên.

Tòa án thực dân ở Nha Trang xử Lê Văn Hiến 5 năm tù biệt xứ còn đồng chí Thái Thị Bôi thì 1 năm tù. Đồng chí bị chúng đưa về nhà ngục Kon Tum - một trong những nhà ngục trần gian mà bọn thực dân Pháp dựng lên trên đất nước ta. Chính trong nhà ngục này, đồng chí đã trải qua những năm tháng bị đày ải đầu tiên trong cuộc đời làm cách mạng. Và cũng trong cái địa ngục trần gian này, đồng chí đã tích lũy được vốn sống, tích lũy tài liệu để sau này viết quyển ký sự Ngục Kon Tum, vạch trần tội ác dã man, tàn bạo của thực dân Pháp cũng như nêu cao tinh thần đấu tranh bất khuất của các chính trị phạm trong nhà ngục Kon Tum. Cuốn sách gây tiếng vang lớn trong dư luận Đông Dương và Pháp. Sau khi được xuất bản, viên Chánh mật thám Trung kỳ là Sogny đã cử tay chân mua sạch. Nhờ vậy mà số tiền thu được cũng khá, đóng góp cho tài chính của Đảng.

Tháng 11-1935, mãn hạn tù, đồng chí trở về Đà Nẵng, tiếp tục hoạt động cách mạng cùng với vợ và Nguyễn Sơn Trà. Sang năm 1937, Xứ ủy Trung kỳ được thành lập lại và chọn Đà Nẵng là nơi đứng chân hoạt động. Đây là yếu tố giúp cho phong trào cách mạng ở Quảng Nam-Đà Nẵng tiếp tục phát triển. Muốn đẩy mạnh hoạt động công khai hợp pháp, bên cạnh việc tổ chức bí mật, lúc này ở Quảng Nam-Đà Nẵng còn có một bộ phận cán bộ hoạt động công khai do Xứ uỷ Trung kỳ chỉ đạo. Theo đó, các đồng chí Nguyễn Sơn Trà và Lê Văn Hiến một mặt được phân công gia nhập Đảng xã hội Pháp (SFIO) chi nhánh ở Đà Nẵng, để tạo thế hợp pháp trong hoạt động, mặt khác được giao nhiệm vụ tổ chức cơ quan phát hành sách, báo tiến bộ ở Đà Nẵng.

Theo tinh thần đó, các đồng chí đã lập hiệu sách Việt Quảng trên cơ sở hiệu sách do vợ của đồng chí là Thái Thị Bôi làm chủ hiệu ở đường Ke Cuôcbê (nay là số nhà 102, Bạch Đằng, Đà Nẵng). Hiệu sách này không chỉ làm đại lý các sách báo tiến bộ mà còn làm đại lý cho hiệu thuốc Đông Tây Y viện (Hà Nội), Hiệu đồ gỗ Thái Yên (Vinh), rượu Dâu (Quảng Bình), sản phẩm của lò chén Việt An. Những hoạt động kinh tế tài chính đó đã góp một phần rất quan trọng cho sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ bí mật.

Ngoài nhiệm vụ tài chính, còn một nhiệm vụ cấp bách mà Đảng giao cho Lê Văn Hiến và đồng chí Phan Đăng Lưu, là viết ngay một cuốn sách tố cáo chế độ ngục tù vô nhân đạo của chính quyền thuộc địa Pháp. Như đã nói ở trên cuốn Ngục Kon Tum ra đời năm 1938, đã tiêu thụ hết rất nhanh trước khi có lệnh cấm của chính quyền thuộc địa.

Trong khi đó ở Pháp lúc này, Chính phủ do Mặt trận bình dân nắm quyền mà Đảng Cộng sản làm nòng cốt. Theo Cương lĩnh của Mặt trận bình dân Pháp, Quốc hội Pháp cử một phái đoàn điều tra tình hình các nước thuộc địa, đặc biệt là Bắc Phi và Đông Dương… Chớp lấy sự kiện này, Đảng chủ trương phát động phong trào Đông Dương Đại hội, nơi nơi công khai hội họp, thảo luận đề đạt nguyện vọng của nhân dân về tự do, dân chủ, dân sinh và tiến đến tổ chức Đại hội đại biểu nhân dân toàn Đông Dương. Đầu năm 1937, Gô-đa đến Việt Nam, Đảng chủ trương phát động quần chúng xuống đường đón tiếp với khẩu hiệu: bãi bỏ thuế thân, tự do nghiệp đoàn, tự do ngôn luận, toàn xá tù chính trị…

Ở Đà Nẵng, hiệu sách Việt Quảng được Xứ ủy chọn làm cơ quan phát động và tổ chức quần chúng đón tiếp Gô-đa. Ban vận động được hình thành do đồng chí Lê Văn Hiến làm Trưởng ban. Lê Văn Hiến nhờ Jean Boneau, thư ký chi nhánh SFIO (chi nhánh của Đảng xã hội Pháp) ở Đà Nẵng, can thiệp để Tòa đốc lý cho phép nhân dân tổ chức đón Gô-đa…

Tháng 2-1939, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và giam ở nhà lao Đà Nẵng. Vì chứng cớ không rõ ràng nên tháng 12-1939, thực dân Pháp phải thả đồng chí. Đến tháng 5-1940, trong một chuyến công tác trên đường từ Hà Nội trở về Đà Nẵng đồng chí bị Pháp bắt lại. Cuộc lao tù lần thứ ba kéo dài 5 năm (2 năm đầu bị giam ở nhà ngục ĐăkGlei, 3 năm sau giam tại Đăk Tô). Tháng 5-1945 (2 tháng sau khi Nhật đảo chính Pháp), đồng chí được thả tự do. Về Đà Nẵng, đồng chí được Nhật mời tham gia Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim nhưng đã tìm cách từ chối, vào Quảng Nam lánh mặt một thời gian.

Một nhà cách mạng lẫm liệt

Không khí chuẩn bị cho ngày Tổng khởi nghĩa ở Đà Nẵng những ngày đầu tháng 8 đang diễn ra sôi sục thì vào giữa tháng 8-1945, Ủy ban khởi nghĩa Đà Nẵng họp, đồng chí được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa. Một trong những công việc đầu tiên của đồng chí là tiếp xúc với đại diện của Nhật đã đầu hàng. Tại buổi làm việc này, đại diện của Nhật đề nghị với đại ý: Chúng tôi ủng hộ cách mạng Việt Nam, nếu ông Chủ tịch can thiệp để các ông du kích Ba Tơ đừng đánh chúng tôi nữa, quân đội của Thiên Hoàng xin hứa sẽ để lại số vũ khí cho quân đội cách mạng trước khi chúng tôi rời khỏi Việt Nam. Ủy ban khởi nghĩa Đà Nẵng thảo luận khá kỹ về vấn đề này và quyết định cử đồng chí Lê Văn Hiến gặp Ủy ban khởi nghĩa Quảng Ngãi để phối hợp, tìm giải pháp tốt nhất cho khởi nghĩa thắng lợi, hạn chế thấp nhất việc đổ máu, tạo điều kiện để Nhật thực hiện cam kết không can thiệp vào công cuộc khởi nghĩa ở Đà Nẵng. Và một bất trắc đã xảy ra trên đường về, gặp lúc quân Nhật bắn vào du kích Quảng Ngãi; vì là người lạ mặt nên đồng chí bị nghi là kẻ chỉ điểm cho Nhật, nghi là Việt gian và bị du kích Quảng Ngãi bắt, đem ra xử bắn.

Ngày 18-8-1945, tại pháp trường, trước lúc bị xử bắn, đồng chí bình tĩnh xử trí, xin nói vài lời với tất cả người dân Quảng Ngãi: “Trước khi chết, tôi yêu cầu nói với nhân dân Quảng Ngãi một lời cuối cùng! Tôi nói đây không phải là để tự bào chữa cho mình, mà để sau khi tôi chết, dân chúng Quảng Ngãi ít ra cũng biết đã xử tử một người nào? Giết Việt gian, hành động ấy rất cách mạng, tôi kính cẩn nghiêng mình trước hành động ấy. Riêng tôi mặc dù đã thấy đồng bào cạn xét mà giết lầm, tôi chết chẳng có chút gì oán hận. Anh em vì sốt sắng với cách mạng mà lầm, thì tôi vì sự lầm ấy mà chết, cái chết oan ấy cũng vì cách mạng, vì tiền đề của dân tộc! Tôi hết lời”. Một vài phút yên lặng rồi trong dân chúng có tiếng quát to: “Yêu cầu hoãn lại”, và đúng lúc đó đồng chí đã được cán bộ Tỉnh ủy Quảng Ngãi kịp thời đến giải oan.

Sau khi về, đồng chí họp Ủy ban khởi nghĩa và quyết định việc khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn thành phố vào ngày 26-8-1945, bằng tín hiệu tiếng còi tầm buổi sáng. Ủy ban khởi nghĩa giao trách nhiệm cho đồng chí Lê Văn Hiến đảm nhận chức vụ Chủ tịch đầu tiên của UBND cách mạng lâm thời TP Đà Nẵng. Đúng 8 giờ sáng ngày 26-8-1945, tiếng còi tầm ở bưu điện vừa cất lên, anh em ở các công sở, nhà máy đều tổ chức treo cờ, giăng biểu ngữ, đọc lệnh khởi nghĩa, tuyên bố xoá bỏ bộ máy điều hành cũ, thiết lập ban điều hành mới của cách mạng. Ở Tòa đốc lý, đồng chí Lê Văn Hiến, nhân danh Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời thành phố đến tuyên bố xoá bỏ chính quyền bù nhìn của Nhật do Nguyễn Khoa Phong làm Thị trưởng. Từ đó trên cột cờ Tòa thị chính, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên, báo hiệu giờ khai sinh của chính quyền cách mạng.

Ngày 28-8-1945, UBND cách mạng lâm thời thành phố tổ chức miting mừng thắng lợi tại sân vận động Chi Lăng…

Ở cương vị Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời TP Đà Nẵng được một tuần, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm Bộ trưởng Bộ Lao động trong Chính phủ lâm thời. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn giao cho ông nhiệm vụ đặc biệt trên đường ra Bắc dừng lại ở Huế để tham gia cùng phái đoàn Chính phủ dự lễ thoái vị của vua Bảo Đại. Khi các thành viên phái đoàn trở về Hà Nội, đồng chí Lê Văn Hiến được giao nhiệm vụ thay mặt Chính phủ ở lại để tiếp nhận tài sản của Nam triều và chuẩn bị kế hoạch đưa Bảo Đại ra Thủ đô nhận chức cố vấn Chính phủ. Ngày 4-9-1945, đồng chí Lê Văn Hiến cùng Bảo Đại ra tới Hà Nội.

Giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động được 3 tháng, đến tháng 12-1945, Lê Văn Hiến được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm đặc phái viên Chính phủ đi kinh lý các tỉnh miền Trung và Nam bộ để giải quyết hàng loạt vấn đề mới nảy sinh trong thời kỳ sau cách mạng tháng Tám thành công, đặc biệt là đối phó với âm mưu gây chiến của Pháp ở phía Nam.

Trong số những vấn đề mà ông đã giải quyết trong chuyến đi này, là chủ trương thâu nạp những binh lính Nhật và cả một số binh lính Pháp tham gia vào sự nghiệp cách mạng và kháng chiến. Chúng ta biết sau khi cách mạng thành công, tình hình còn rất phức tạp, công tác tuyên truyền và giải thích chưa thực được hiện rộng khắp các nơi, do đó một số địa phương xa xôi đã xử lý những tù binh và hàng binh một cách tùy tiện. Thay mặt Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Văn Hiến đã quyết định cho thu nhận toàn bộ những tù binh, hàng binh Nhật và Pháp tự nguyện muốn làm việc cho Chính phủ Việt Nam. Đã có hàng trăm chuyên gia về nhiều lĩnh vực như ngân hàng, kinh tế, kỹ thuật…đã được thu nạp vào các cơ quan Nhà nước. Mỗi người mang một tên Việt Nam, gọi chung là “Việt Nam mới”. Họ đã có những đóng góp đáng kể vào sự nghiệp kháng chiến. Sau khi hòa bình lập lại, nhiều người “Việt Nam mới” đó đã có tình sâu nghĩa nặng đối với Việt Nam, đặc biệt là đối với đồng chí Lê Văn Hiến. Nhiều người vẫn đi về hỏi thăm cho đến những ngày cuối đời của đồng chí.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ kinh lý, tháng 2-1946, Lê Văn Hiến trở về Hà Nội, được giao một trong những nhiệm vụ nặng nề, quan trọng nhất của cuộc đời đồng chí và cũng là một nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của công cuộc kháng chiến đó là đảm đương chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính, đồng thời là Bí thư Việt Minh đoàn của các cơ quan Chính phủ. Ngày 2-3-1946, khi cử đồng chí Lê Văn Hiến làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu trước Quốc hội: “Ông Lê Văn Hiến là một nhà cách mạng lẫm liệt nhiều năm, mà cũng nhiều năm ở tù tội của đế quốc”.

Tháng 12-1946, kháng chiến bùng nổ và trong suốt 9 năm kháng chiến, Lê Văn Hiến đóng vai trò chủ chốt trong việc tổ chức công tác kinh tế tài chính - từ việc in và phát hành tiền “Giấy bạc Cụ Hồ” đến việc lo kinh phí cho quân đội, cho các địa phương, cho các cơ quan Nhà nước, cho các hoạt động đối ngoại…

Đến năm 1961, khi đang theo học tại trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại gọi đồng chí về để giao nhiệm vụ đặc biệt mới: giúp cho cách mạng Lào. Vào thời kỳ này, tình hình Lào rất tế nhị, phức tạp. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích với đồng chí Lê Văn Hiến rằng: đảm đương được công tác ở Lào, cần một người chín chắn, tế nhị, có văn hoá, có tính kiên nhẫn, biết đối nhân xử thế…Và Người đã chọn cụ. Lê Văn Hiến lên đường làm công tác ngoại giao, một công tác hoàn toàn mới mẻ đối với ông.

Trong 15 năm ở cương vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, đồng thời là Trưởng đoàn Ngoại giao Việt Nam ở Viên - Chăn, đồng chí Lê Văn Hiến đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó - giúp đỡ tích cực cho phong trào cách mạng Lào, củng cố tình đoàn kết giữa hai nước, tinh tế trong quan hệ với các phe phái, các đại diện quốc tế ở Lào…

Năm 1977, sau nhiều năm cống hiến cho cách mạng, cho sự nghiệp tài chính của Đảng, khi đã bước vào tuổi xưa nay hiếm (ở tuổi 73), đồng chí Lê Hiến nghỉ theo chế độ hưu trí. Một nhiệm vụ rất mới nữa lại đến với đồng chí đó là làm Chủ tịch Câu lạc bộ (CLB) Thăng Long (CLB của các cán bộ lão thành đã nghỉ hưu). Đến năm 1994, đồng chí bàn giao chức Chủ tịch CLB Thăng Long cho người khác. Do tuổi cao sức yếu, đồng chí Lê Văn Hiến đã từ trần vào ngày 15-11-1997.

Cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Lê Văn Hiến có nhiều cống hiến to lớn cho Đảng cho dân tộc. Đồng chí đã góp phần tuyên truyền, tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Quảng Nam, Đà Nẵng, đặc biệt trong tình thế cách mạng như ngàn cân treo sợi tóc sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí đã đưa ra nhiều chủ trương đúng đắn giải quyết khó khăn về tài chính của Đảng. Cho đến nay, trong sự nghiệp đổi mới kinh tế chúng ta đang áp dụng thành công những tư tưởng kinh tế đúng đắn đó.

Với những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đồng chí Lê Văn Hiến được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, vào ngày 15- 8- 2008, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng, Nhà nước. Tên nhà cách mạng Lê Văn Hiến đã được tên đường và tên trường Tiểu học tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn và một số địa phương trong cả nước…

Đinh Văn Dũng

(Theo Tài liệu của Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng)

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng Hoàng Minh Thắng có tên đường

Ngày 19-2, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng và các đồng chí lãnh đạo thành phố; lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn cùng đông đảo người dân đã đến chúc mừng, chứng kiến Lễ đặt tên đường nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng Hoàng Minh Thắng.

Bí thư Thành ủy trao Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cho đồng chí Lê Thị Kinh

Ngày 29-1, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng, đã đến thăm và trao Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cho đồng chí Lê Thị Kinh, nguyên Vụ trưởng vụ Các tổ chức quốc tế tại Bộ Ngoại giao.

Ra mắt tiểu thuyết